Trẻ em nên uống bao nhiêu sữa để có lợi cho sức khỏe?
Sữa, đặc biệt là sữa bò là thức uống phổ biến cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Nhiều loại sữa thường được tiếp thị là sản phẩm quan trọng thúc đẩy sự phát triển thể chất cho trẻ. Vậy sữa có thực sự giúp trẻ phát triển không và trẻ nên uống bao nhiêu sữa là đủ?
NỘI DUNG
1. Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu
2. Trẻ em nên uống bao nhiêu sữa?
Bài viết này khám phá bằng chứng đằng sau những tác động tiềm tàng của sữa đối với sự phát triển của trẻ em, thời điểm nên đưa sữa vào chế độ ăn của trẻ và lượng sữa bao nhiêu là phù hợp.
1. Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu
Sữa từ lâu đã được coi là yếu tố giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh. Một trong những nghiên cứu khoa học đầu tiên đánh giá mối quan hệ giữa sữa và sự phát triển của trẻ em được thực hiện vào năm 1928. Nghiên cứu ước tính trẻ em uống sữa tăng 20% cân nặng và chiều cao so với trẻ không uống.

Sữa có thể là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ đang lớn.
Các nghiên cứu gần đây hơn tập trung vào tác động của sữa đối với sự phát triển của trẻ em đã đưa ra nhiều kết quả trái chiều, đặc biệt là khi xem xét các yếu tố kinh tế xã hội, chẳng hạn như thu nhập và khả năng tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), sữa là đồ uống tốt nhất cho trẻ nhỏ, cung cấp protein, canxi, vitamin D và khoáng chất - những chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển thể chất, trí não của trẻ.
Một nghiên cứu gần đây liên kết việc tiêu thụ sữa với nguy cơ còi cọc thấp hơn 1,9% ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ này mạnh hơn ở trẻ em sống ở các nước phát triển, những người có khả năng tiếp cận đáng tin cậy hơn với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.
Các chuyên gia cho rằng mối liên hệ tích cực giữa lượng sữa tiêu thụ và sự phát triển của trẻ em ít nhất một phần là do sự đa dạng của các chất dinh dưỡng mà nó cung cấp. Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm protein, canxi, kali, kẽm và vitamin A, tất cả đều quan trọng cho sự phát triển trong thời thơ ấu. Một số sản phẩm từ sữa cũng được bổ sung vitamin D.
Sữa cũng kích thích sản xuất một loại hormone được gọi là yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1). IGF-1 có liên quan mật thiết đến sự phát triển và tăng trưởng của mô xương và cơ.
Cần lưu ý rằng những chất dinh dưỡng này không chỉ có trong sữa. Nếu không có sữa hoặc chọn không đưa sữa vào chế độ ăn của con mình, cha mẹ có thể bổ sung những chất dinh dưỡng đó từ các loại thực phẩm khác.
Tuy nhiên, sữa là một trong những lựa chọn hợp lý và tiện lợi nhất đối với nhiều gia đình để bổ sung nhiều chất dinh dưỡng thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, sữa có thể là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ đang lớn.
2. Trẻ em nên uống bao nhiêu sữa?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng các lựa chọn đồ uống cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên chỉ giới hạn ở sữa mẹ hoặc sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, nước và sữa nguyên chất. Cha mẹ không nên cho trẻ uống sữa bò không giới hạn, vì uống quá nhiều có thể gây hại.
Nghiên cứu cho thấy uống sữa trước 12 tháng tuổi hoặc uống hơn 2 cốc (500 ml) mỗi ngày đối với trẻ em trên 12 tháng tuổi có thể dẫn đến tình trạng hấp thụ sắt kém và thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng không có đủ tế bào hồng cầu trong máu, dẫn đến suy giảm khả năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Do đó, nếu dự định đưa sữa vào chế độ ăn của trẻ, hãy đợi cho đến khi trẻ ít nhất 1 tuổi và hạn chế lượng sữa tiêu thụ không quá 2 cốc (500 ml) mỗi ngày.
Lượng thực phẩm từ sữa mà trẻ em cần mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và có thể thay đổi từ 1 2/3 đến 2 cốc đối với trẻ mới biết đi dưới 2 tuổi, 2 đến 2 ½ cốc đối với trẻ em từ 2-8 tuổi và 3 cốc đối với trẻ em và thanh thiếu niên từ 9-18 tuổi.