Trẻ em người Kháng ở Lai Châu đối diện nguy cơ mất ngôn ngữ gốc
Người Kháng ở Lai Châu sinh sống chủ yếu ở xã Thân Thuộc - huyện Tân Uyên và xã Nà Khuy - xã Bản Bo, huyện Tam Đường. Ngày nay, nhiều trẻ em người Kháng lớn lên mà không biết tiếng của dân tộc mình, bởi đa số họ sử dụng ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ của dân tộc Thái là chính.
Từ bé đã và sử dụng ngôn ngữ và trang phục của dân tộc Thái
Tuy là người dân tộc Kháng, nhưng ngay từ lúc sinh ra, đến lúc bập bẹ tập nói, các cháu bé người Kháng đã quen với ngôn ngữ của dân tộc Thái, bởi đa phần người dân tộc Kháng ở Lai Châu hiện nay đều sử dụng ngôn ngữ của dân tộc Thái trong đời sống sinh hoạt. Điều này khiến cho ngôn ngữ chính của họ là tiếng Kháng đang ngày càng phai nhạt đi.
Không chỉ sử dụng ngôn ngữ, mà ngay cả trang phục, người Kháng cũng sử dụng trang phục của dân tộc Thái, từ váy áo, khăn đội đầu, đến các bộ đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay và bộ xà tích...
Bà Quàng Thị Mịch, ở xã Bản Bo, huyện Tam Đường, cho biết: “Ở trong gia đình ai cũng nói tiếng dân tộc Thái, phụ nữ cũng mặc váy áo của người Thái, vậy nên các cháu bé lớn lên cũng nói tiếng Thái theo bố mẹ. Các cháu gái thì cũng học theo các mẹ, các bà, các chị rồi mặc trang phục của người dân tộc Thái. Khi lấy chồng cũng làm lễ tằng cẩu như phong tục người dân tộc Thái”.
Chị Lò Thị Sa, ở xã Nà Khuy, chia sẻ: “Ở nhà thì các con nói tiếng Thái, lớn lên đi học thì nói tiếng phổ thông, rồi không còn biết tiếng Kháng nữa. Ngay cả những người lớn trong làng cũng không nhiều người biết tiếng Kháng. Chỉ có thầy cúng mới biết một số tiếng Kháng thôi. Thế nên các cháu bé lớn lên không biết tiếng Kháng cũng là điều dễ hiểu”.
Cháu Quàng Thị Hà, con gái chị Sa, học lớp 6, hàng ngày đi học sử dụng tiếng phổ thông, khi ở nhà thì trong gia đình đều sử dụng tiếng Thái để giao tiếp với nhau. Cũng vì vậy, cháu không biết tiếng Kháng.
Đẩy mạnh công tác gìn giữ ngôn ngữ cho người Kháng ở Lai Châu
Theo các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, việc mất ngôn ngữ gốc đang diễn ra khá phổ biến ở một số nhóm dân tộc ít người. Nguyên nhân được cho là, một phần vì họ quá nghèo khổ, khó khăn, không có điều kiện văn bản hóa ngôn ngữ của dân tộc mình; phần khác là do ngôn ngữ ấy bị cô lập, không cần thiết với những cộng đồng xung quanh. Bản thân những người của dân tộc ấy muốn giao thương, làm ăn buôn bán với dân tộc khác thì phải học tiếng phổ thông. Điều đó dần trở thành thói quen và ngày càng ít người dùng tiếng của dân tộc mình để trao đổi trong sinh hoạt thường ngày.
Đứng trước thực trạng tiếng nói của các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức chú trọng đến việc bảo tồn và giữ gìn tiếng nói các dân tộc với các dự án khảo sát và xây dựng các chiến lược lâu dài cho vấn đề này.
Với tình trạng trẻ em người Kháng ở Lai Châu đang đối diện với nguy cơ mất ngôn ngữ gốc như hiện nay, các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân tổ chức truyền dạy ngôn ngữ của dân tộc mình cho các thế hệ trẻ.
Ông Quàng Văn Đăm, ở xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, cho biết: “Thời gian qua, những người dân tộc Kháng lớn tuổi trong làng cũng thường truyền dạy tiếng nói, phong tục truyền thống của dân tộc Kháng cho các cháu. Nếu không truyền dạy, sẽ không còn ai nói được tiếng Kháng, hiểu được phong tục truyền thống của người Kháng nữa”.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Lai Châu đã xác định Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là 1 trong 4 chương trình trọng điểm. Cụ thể hóa Nghị quyết trên, Lai Châu cũng đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt trọng tâm gắn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; nhận thức của nhân dân trong việc tự bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống có nhiều chuyển biến, người dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng.