Trẻ em như búp trên cành...
Sau hàng giờ vật lộn với con đường trơn trượt, cuối cùng chúng tôi cũng lên được khu dân cư Nà Đeo thuộc thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang). Nà Đeo là một thung lũng nhỏ bị ôm lấy bởi những ngọn núi cao. Gần 10 giờ trưa mà những đám mây phả xuống những nóc nhà vẫn chưa tan hết. Nhìn thấy người lạ bọn trẻ ở đây rụt rè lắm. Hai mắt cứ tròn xoe nhìn khách.
Tôi vội lôi máy ảnh ra để chụp lại khoảnh khắc tuyệt vời này. Mới kịp giương máy lên, bọn trẻ bỏ chạy toán loạn. Dỗ kiểu gì bọn chúng cũng không chịu ra. Đứa chạy vào buồng, đứa đứng lấp ló bên cửa sổ, đứa nấp sau lưng bà. Càng nhìn tôi càng thấy buồn cười về vẻ ngộ nghĩnh, hồn nhiên, đáng yêu của tụi trẻ. Quần áo thì không được mới, đôi dép có thể rách mõm song đôi mắt bé nào cũng toát lên vẻ trong trẻo, hồn nhiên.
Sau một buổi làm việc với ông Chúc Y Và, dân tộc Dao Đỏ, người nhiệt tình hiến đất xây điểm Trường Mầm non, Tiểu học khu dân cư Nà Đeo, bọn trẻ vẫn chưa hết tò mò về người lạ. Ông Và cho biết, trẻ ở đây nhút nhát lắm vì cả tháng may mới có một vài người lạ vào thôn. Theo ông Và, tuy là vùng sâu nhưng trẻ em đều được tiêm chủng mở rộng, khám chữa bệnh miễn phí. Từ khi tỉnh có Nghị quyết về phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi, các điểm trường được củng cố hơn. Nếu các tỉnh dưới xuôi trẻ 6 tuổi đến lớp là nói tốt tiếng phổ thông, nhưng ở Tuyên Quang và thôn như Bản Lục vừa biệt lập, lại cả bản nói tiếng Dao, trẻ ít giao tiếp tiếng phổ thông, vì vậy, đứa trẻ từ 3 - 4 - 5 tuổi tới trường để học tiếng phổ thông là cần thiết, nhất là trẻ 5 tuổi phải bắt buộc phổ cập. Việc dồn điểm trường để nâng cao chất lượng dạy và học là một chủ trương đúng, tiết kiệm được nguồn lực. Tuy nhiên ở Tuyên Quang nhiều thôn có những 2 điểm trường vì điều kiện đi lại quá khó khăn, đi xa, đây là một thực tế.
Đối với trẻ em sống ở đô thị thì có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí. Còn trẻ em vùng sâu sống giản dị và đơn thuần hơn. Để bù đắp vào những thiếu thốn đó, cấp ủy, các ngành, đoàn thể, nhất là chi đoàn các thôn sở tại cùng chung tay giúp các điểm Trường Mầm non, Tiểu học có đồ chơi tự tạo. Ở điểm Trường Mầm non, Tiểu học thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình), ngoài đồ chơi trong nhà các em có cả đồ chơi vận động ngoài trời như cầu trượt, xích đu, cầu bập bênh. Hầu hết những đồ chơi đều do các đoàn viên nghiên cứu tự chế tạo bằng vật liệu tại chỗ của địa phương để đáp ứng được yêu cầu vui chơi của các em. Đồng chí Triệu Văn Liều, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Củng khẳng định, trẻ em là mầm non của đất nước. Chăm lo cho trẻ em là nhiệm vụ của toàn xã hội. Những bộ đồ chơi đắt tiền mình không đủ nguồn lực mua được, thì chúng ta vẫn có thể tự tạo những bộ đồ chơi đáp ứng được yêu cầu. Điều này đã được đoàn viên, thanh niên ở thôn làm rất tốt.
Trong một chuyến công tác lên thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) chúng tôi bắt gặp nhiếp ảnh gia Thu Phượng (Hà Nội) đang say sưa chụp ảnh lũ trẻ. Chị Phượng bảo, hầu hết các nhiếp ảnh gia dưới xuôi đều thích thú chụp chủ đề trẻ em ở vùng núi, nhất là các xã vùng sâu. Bởi những nơi này phong cảnh còn nguyên sơ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, trẻ em hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Chụp chân dung trẻ thì nụ cười và đôi mắt là trung tâm của chủ thể. Hai điều này ở vùng sâu thì dễ tìm thấy nhất. Nên hiện nay rất nhiều nhiếp ảnh gia chịu khó lặn lội hàng trăm cây số trèo đèo, băng suối đến với các bản làng vùng sâu. Ở đó họ được thỏa mình bấm máy ghi lại những khoảnh khắc đẹp của tụi trẻ, để lan tỏa cái đẹp, cái thân thiện trong cộng đồng.
So với trẻ em thành phố, trẻ em sống ở các xã vùng sâu trong tỉnh còn nhiều vất vả. Các em cũng phải tự lập từ nhỏ, giúp bố mẹ công việc gia đình như trông em, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, rửa bát, cho gà ăn, chăn trâu. Tùy theo lứa tuổi, khả năng mà bố mẹ giao việc. Vào mùa, những đứa trẻ nhỏ hơn ở trong thôn thì túm tụm tự chơi với nhau khi người lớn đi nương, thi thoảng có ông bà, hàng xóm để mắt tới. Cuộc sống cứ giản dị, chân chất, cùng tình làng nghĩa xóm mà lớn lên theo năm tháng. Cuộc sống lớn lên tự nhiên như vậy nên các em được thấm đẫm nét văn hóa của dân tộc mình. Ngoài tiếng phổ thông phải bắt buộc học ở trường thì tiếng nói dân tộc mẹ đẻ, trang phục truyền thống các em được thừa hưởng.
Vào ngày lễ Tết, đặt biệt Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi 1-6 hàng năm, các em được gia đình, chính quyền địa phương quan tâm chu đáo. Quyền của trẻ em được pháp luật bảo vệ. Nhờ vậy trẻ em được lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của gia đình, dòng họ, địa phương. Tất cả đều vì mầm non tương lai của đất nước, công dân của kỷ nguyên mới...
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/tre-em-nhu-bup-tren-canh-158682.html