Trẻ em: Những tiếng kêu xé lòng từ 'địa ngục trần gian' Gaza

'Hàng nghìn trẻ khác đã bị thương hoặc chúng tôi thậm chí không thể xác định được các em ở đâu. Các em có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát... Chúng tôi chưa từng thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ em như vậy trong hầu hết các cuộc xung đột khác trên thế giới… Tôi đã từng đến khu chăm sóc trẻ em bị thiếu máu nặng, suy dinh dưỡng, cả khu yên tĩnh tuyệt đối. Vì các em… thậm chí còn không có sức để khóc'. Thực trạng xé lòng ấy đang diễn ra tại Gaza, nơi xung đột, chiến tranh đã biến vùng đất này trở thành 'địa ngục trần gian' với con trẻ.

Ám ảnh, hoảng loạn giữa “địa ngục”

“Địa ngục trần gian” là cụm từ nhiều người đã đau đớn gọi tên khi tận mắt chứng kiến thảm cảnh đang diễn ra tại Dải Gaza, trong đó có ông James Elder, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

“Những con số thật khủng khiếp, khi hơn 3.450 trẻ em đã thiệt mạng. Con số này tăng lên đáng kể mỗi ngày. Gaza đã trở thành nghĩa địa của hàng nghìn trẻ em. Đó là địa ngục trần gian đối với người dân thường” - ông Elder nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm 31/10.

Phát biểu với báo giới sau phiên họp khẩn cấp về tình hình tại Dải Gaza của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 6/11/2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đau đớn thốt lên: Gaza đang trở thành “một nghĩa địa cho trẻ em’’ khi hàng trăm trẻ em gái và trai đang bị giết chết và bị thương hằng ngày. Với người đứng đầu Liên hợp quốc, “cơn ác mộng ở Gaza không chỉ là khủng hoảng nhân đạo. Đó là cuộc khủng hoảng của nhân loại”.

 Trẻ em tại Gaza chờ nhận thức ăn trong khi các cuộc ném bom và giao tranh vẫn tiếp diễn. Nguồn: UNDP PAPP

Trẻ em tại Gaza chờ nhận thức ăn trong khi các cuộc ném bom và giao tranh vẫn tiếp diễn. Nguồn: UNDP PAPP

Và những con số minh chứng cho những cảm thán đau đớn ấy. UNICEF ngày 17/3/2024 thông báo hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza trong cuộc tấn công của Israel. “Hàng nghìn trẻ khác đã bị thương hoặc chúng tôi thậm chí không thể xác định được các em ở đâu. Các em có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát...”- Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell chia sẻ với chương trình “Face the Nation” của CBS News.

Trước đó, đầu tháng 11/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết cứ mỗi 10 phút có 1 trẻ em bị giết chết ở Gaza. Con số này sẽ còn chưa dừng lại bởi theo cảnh báo từ Liên hợp quốc, tỉ lệ tử vong của trẻ em và trẻ sơ sinh tại Dải Gaza có thể sẽ còn tăng chóng mặt nếu thực phẩm và vật tư y tế không được chuyển tới đây ngay lập tức.

 Trẻ em Palestine chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Beit Lahia, phía Bắc Dải Gaza, ngày 26/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVH

Trẻ em Palestine chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Beit Lahia, phía Bắc Dải Gaza, ngày 26/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVH

Những mối đe dọa vượt xa cả bom và súng

Nhưng cái chết không phải là cái giá đau đớn duy nhất mà con trẻ tại Gaza phải gánh chịu. Theo ông James Elder - người phát ngôn của UNICEF, những mối đe dọa đối với trẻ em Dải Gaza “vượt xa cả bom và súng”. “Tôi đã từng đến khu chăm sóc trẻ em bị thiếu máu nặng, suy dinh dưỡng, cả khu yên tĩnh tuyệt đối. Vì các em… thậm chí còn không có sức để khóc” - ông James Elder chia sẻ.

Ông James Elder nói thêm: “Tôi muốn nói về việc thiếu nước và chấn thương. Hơn 1 triệu trẻ em ở Dải Gaza gặp khủng hoảng về nước. Đó còn là những chấn thương dai dẳng. Hơn 800.000 trẻ em ở Dải Gaza - 3/4 toàn bộ trẻ em ở đây - được xác định là cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội”.

Cùng chung nhìn nhận với người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, bác sĩ tâm lý trẻ em Audrey McMahon của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới nhấn mạnh hầu hết trẻ em ở Gaza hiện nay đều bị tổn thương. Những trẻ nhỏ hơn có thể bị khuyết tật nhận thức suốt đời do suy dinh dưỡng, trong khi thanh thiếu niên có thể cảm thấy phẫn nộ và tức giận trước sự bất công mà các em phải gánh chịu. Điều đáng quan ngại, đó là những tổn thương dai dẳng mà các em sẽ mất rất nhiều thời gian để chữa lành.

 Trẻ em là một trong những đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất cuộc chiến tại Gaza. Ảnh: Reuters

Trẻ em là một trong những đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất cuộc chiến tại Gaza. Ảnh: Reuters

Không được đến trường, không có bạn bè, không được tiếp cận tri thức cũng là nỗi đau lớn không kém mà trẻ em Gaza đang phải gánh chịu. Theo UNICEF, cho đến nay ít nhất 53/563 tòa nhà trường học ở Gaza đã bị phá hủy hoàn toàn. Theo báo cáo của các cơ quan viện trợ bao gồm UNICEF, hơn 8/10 trường học đã bị hư hại và 67% trường học bị ảnh hưởng trực tiếp. UNICEF cũng từng ước tính có tới 620.000 trẻ em ở Gaza không được đến trường. Con số này hẳn chưa thể đầy đủ và đến giờ này, thậm chí gia tăng lên gấp nhiều lần, đến mức, có ai đó đã nói, thế hệ trẻ ở Gaza đang đứng trước nguy cơ trở thành “thế hệ bị đánh mất” cả về nghĩa bóng và nghĩa đen.

“Điều chúng tôi mất đi nhiều nhất là tương lai của con cháu chúng tôi và học vấn của bọn trẻ. Chúng tôi đã mất nhà. Điều đó không có vấn đề gì, nhà cửa sẽ được xây dựng lại, tiền lại kiếm được, hàng trăm đứa trẻ sẽ được sinh ra thay cho những người đã mất đi, nhưng tôi làm sao bù đắp lại được việc học hành của các cháu?” - bà Sabreen Al-Khatib – một người dân Palestine lên tiếng phẫn nộ.

 Em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn ở Dải Gaza, ngày 27/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn ở Dải Gaza, ngày 27/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tương lai nào cho các em? Quyền trẻ em nơi đâu ở Gaza?

Đó là những câu hỏi nhức nhối được đặt ra từ lâu. “Các con tôi chỉ muốn hòa bình và ổn định”- đó là mong muốn thật giản đơn của một bà mẹ tại Dải Gaza. Nhưng với tình hình chiến sự không có hồi kết như hiện nay, mong ước giản đơn ấy đang không có cơ may thành hiện thực, thậm chí với nhiều người, là quá xa vời, xa xỉ.

Trong cuộc chiến giữa Israel với lực lượng Hamas, nhà của các em bị tàn phá, tất cả các trường học đã đóng cửa, các thầy, cô giáo có người đã không còn sống, đồ ăn thức uống không có, đến người thân cũng không còn, các em còn đâu cho những giấc mơ xa hơn, ngoài chuyện mơ được ăn no, ngủ yên và không phải xa lìa người thân. Khi không có nơi nào trên Dải Gaza nơi các em đang sống khiến các em cảm thấy an toàn thì thử hỏi tìm đâu, dù chỉ là một chốn nhỏ bé hay ngôi nhà vẫn còn có thể đứng vững để các tình nguyện viên tổ chức một lớp học đặc biệt dành cho các trẻ em.

 Một bé gái đang chăm em tại một trường học ở Gaza hiện là nơi trú ẩn của các gia đình phải di dời.

Một bé gái đang chăm em tại một trường học ở Gaza hiện là nơi trú ẩn của các gia đình phải di dời.

Chiến tranh, xung đột đã lấy đi của trẻ thơ tất cả - tuổi thơ, sự sống, cả những quyền lợi chính đáng như quyền được học tập, vui chơi và cướp đi cả những ước mơ. “Ngay từ những ngày đầu tiên xảy ra cuộc xung đột ở Dải Gaza, UNICEF đã thẳng thắn nói về sự cần thiết phải có một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, để viện trợ được phân phát và trả tự do cho trẻ em bị bắt cóc. Giống như nhiều người khác, chúng tôi đã cầu xin chấm dứt việc giết hại trẻ em” - người phát ngôn của UNICEF cho biết. Nếu những điều này không được thực hiện, ông Elder cho rằng trẻ em ở Dải Gaza sẽ “phải đối mặt với những nỗi kinh hoàng lớn hơn và nó sẽ hành hạ những đứa trẻ vô tội”.

Nhưng liệu, ai sẽ đáp lại những kêu gọi của những người như ông Elder? Ai sẽ chữa lành được cho các em nỗi đau dai dẳng, ai sẽ biến những ước mơ giản đơn của con trẻ Gaza thành hiện thực?... Đó chỉ là vài trong vô vàn những câu hỏi xé lòng vẫn đang vang lên mà chưa có hồi đáp.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tre-em-nhung-tieng-keu-xe-long-tu-dia-nguc-tran-gian-gaza-post297400.html