TRẺ EM PHẠM TỘI, VÌ ĐÂU NÊN NỖI? Bài cuối: Những giải pháp cấp bách

Các chuyên gia cho rằng phần lớn trẻ em phạm tội do thiếu sự quan tâm của gia đình và trách nhiệm chính từ cha mẹ. Để giảm tình trạng trẻ em phạm tội, các cơ quan thực thi pháp luật và nhiều người dân cho rằng cha mẹ nên tăng cường quản lý con, xã hội có biện pháp ngăn ngừa, tạo sức đề kháng để phòng ngừa cái xấu xâm nhập vào giới trẻ.

Bài 1: Những đứa trẻ trước vành móng ngựa

Bài 2: Nguyên nhân khiến trẻ em phạm tội

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ

Bà Trần Thị Lý, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) dự phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Tuyết Minh và Lê Thị Mỹ Hân về tội mua bán trái phép chất ma túy. Bà Lý cho rằng bán ma túy là tội ác nhưng nhiều người biết mà vẫn phạm tội, nhiều vụ việc xuất phát từ ma túy như giết người, cướp của, trộm cắp…

“Các bị cáo trong vụ án này còn trẻ, tương lai còn dài. Tôi mong gia đình quản lý chặt hơn các mối quan hệ của con, không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra”, bà Lý nói.

Trong vụ án này, Minh dẫn dắt Hân (lúc phạm tội Hân hơn 15 tuổi) và L.T.M.T (hơn 12 tuổi) vào con đường phạm tội. “Người thân của Hân và T thiếu sự quan tâm, giáo dục và quản lý con em, các cháu thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy trong thời gian dài mà cha mẹ, người thân không biết”, bà Lý nói.

Theo thẩm phán Nguyễn Thanh Phong - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành (Kiên Giang), phần lớn trẻ vị thành niên phạm tội do thiếu sự quan tâm của gia đình, cha mẹ. Nhiều gia đình, cha mẹ không hạnh phúc, ly hôn, ly thân hoặc mải kiếm tiền mà bỏ mặc, buông lỏng việc quản lý con, trong khi các em cần sự quan tâm, định hướng của người lớn, cha mẹ.

“Trẻ vị thành niên phạm tội thường mồ côi cha hoặc mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng cũng có trẻ do cha mẹ quá bận, thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Nhiều cha mẹ quan niệm chỉ cần kiếm tiền lo cho con ăn ngon, mặc ấm là đủ, từ đó thời gian của cha mẹ dành cho con ít. Ở trẻ vị thành niên nếu không có cha mẹ điều chỉnh, hướng dẫn hành vi thì trẻ dễ bị lôi kéo, xúi giục dẫn đến có hành vi không kiểm soát”, thẩm phán Nguyễn Thanh Phong phân tích.

Bị cáo Đặng Tuyết Minh (bên phải) và Lê Thị Mỹ Hân (bên trái) trả giá đắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Bị cáo Đặng Tuyết Minh (bên phải) và Lê Thị Mỹ Hân (bên trái) trả giá đắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Phong nêu thực trạng ở nông thôn có tình trạng vì kinh tế khó khăn, cha mẹ phải đến các thành phố lớn làm thuê, gửi con cho ông bà, cô, dì, chú, bác, trong đó một số trường hợp dẫn đến hậu quả đáng tiếc. “Ngoài những vụ trẻ bị tai nạn đuối nước chết thì nguy cơ các em bị thương tích, xâm phạm thân thể cao. Không có cha mẹ bên cạnh, trẻ dễ hư hỏng do không được thường xuyên giáo dục. Nhiều trẻ bỏ học, chơi bời lêu lổng, tham gia các nhóm thanh niên trộm cắp tài sản…”, thẩm phán Nguyễn Thanh Phong phân tích thêm.

Để hạn chế trẻ em phạm tội, thẩm phán Nguyễn Thanh Phong cho rằng cha mẹ phải chú ý quản lý, giáo dục con.

CẦN TRÒ CHƠI BỔ ÍCH

Để hạn chế trẻ dưới 18 tuổi phạm tội, nhiều cơ quan thực thi pháp luật, các luật sư, thẩm phán, hội thẩm nhân dân tỉnh đưa ra nhiều giải pháp liên quan, trong đó việc giáo dục từ gia đình là quan trọng nhất.

Theo thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn - Tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, cần tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh về trách nhiệm với con. “Nền tảng của giáo dục gia đình là sự chăm sóc, gần gũi, thương yêu nhau, lắng nghe và chia sẻ những vui buồn. Khi ngôi nhà là tổ ấm, mỗi đứa trẻ nhận được đủ đầy sự yêu thương, chăm sóc về tinh thần và thể chất thì trường học có thêm những học sinh ngoan, xã hội có những công dân tốt”, thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn nói.

Sự phát triển của công nghệ, nhất là mạng xã hội có yếu tố mang tính dẫn dắt hành vi giới trẻ. Bên cạnh các yếu tố tích cực, nhiều hiện tượng xã hội tiêu cực tác động đến giới trẻ như ma túy, nghiện game, trẻ “quan hệ” sớm, trẻ bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động… đang là thách thức đối với mỗi gia đình.

Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan triệt phá vụ 139 thanh niên, trong đó nhiều em dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy tại một quán bar. Nhiều người dân trên địa bàn TP. Rạch Giá bức xúc vì gần đây cũng tại quán bar này có hàng trăm thanh niên sử dụng ma túy nay tái phạm. Qua vụ việc, người dân cho rằng cần sự vào cuộc của toàn xã hội để ngăn trẻ phạm tội.

Ông Nguyễn Thanh Bình - cán bộ về hưu, ngụ phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá đề nghị: “Cần truy cứu trách nhiệm đơn vị liên quan trong việc quản lý, cấp phép kinh doanh quán bar, nhà hàng, karaoke… để xảy ra vi phạm có sử dụng ma túy”.

Theo ông Bình, qua các vụ việc trên, ngoài việc cha mẹ tăng cường giáo dục con thì cần xây dựng không gian vui chơi, giải trí bổ ích cho thanh niên, nhất là các em ở tuổi mới lớn. “Những công viên với nhiều trò chơi giải trí lành mạnh, góc chơi đàn, nhóm nhạc bổ ích… cần được đầu tư để giúp các em tránh xa tác động xấu từ mạng xã hội”, ông Bình đề xuất.

Bà Châu Kim Thanh, ngụ phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá cho rằng: “Nhà nước cần quản lý chặt các vũ trường, quán bar…”.

Bà Thanh đề nghị trường học, gia đình và xã hội, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể hướng thanh thiếu niên tham gia các trò chơi bổ ích, lành mạnh. Nhà nước quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở, điểm vui chơi, giải trí, nhất là ở vùng nông thôn để trẻ em được tiếp cận, tránh tình trạng các em ra thành thị dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.

Bài và ảnh: LÊ VINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phap-luat/tre-em-pham-toi-vi-dau-nen-noi-bai-cuoi-nhung-giai-phap-cap-bach-13485.html