Trẻ em thiệt mạng trong các cơ sở tạm giữ người di cư ở Mỹ
Một bé gái 8 tuổi người Panama và một cậu bé 17 tuổi đến từ Honduras gần đây đã tử vong trong cơ sở di trú nằm dưới sự giám sát của Chính phủ Mỹ. Điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi các cơ quan chức năng Mỹ đã chuẩn bị như thế nào để xử lý các trường hợp khẩn cấp y tế đối với người nhập cư.
Anadith Tanay Reyes Alvarez đã không qua khỏi khi lần thứ ba tìm đến bác sĩ tại một trạm Biên phòng ở Harlingen, Texas hôm 17-5. Ngày hôm đó, cô bé bị nôn mửa và đau bụng. Em đã qua đời vào ngày thứ 9 mà gia đình bị tạm giữ, trong khi theo quy định, thời gian tối đa được phép là 72 giờ. Gia đình cho biết, Anadith có tiền sử bệnh tim và thiếu máu. Cô bé được chẩn đoán mắc bệnh cúm vào 3 ngày trước đó. Mẹ Anadith, bà Mabel Alvarez Benedicks nói rằng, dù bà xin cho con nhập viện vì thấy con đau xương, khó thở và không thể đi lại nhưng bị phớt lờ, cho đến khi con bà bất tỉnh, phải đi cấp cứu.
Một tuần trước đó, Ángel Eduardo Maradiaga Espinoza, 17 tuổi, người Honduras cũng đã qua đời khi bị giam tại cơ sở của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Nam thiếu niên này đến Mỹ một mình.
Cơ quan chức năng Mỹ đang đối mặt với áp lực chưa từng có khi Tiêu đề 42 - một sắc lệnh y tế công cộng được áp dụng từ tháng 3-2020 cho phép Mỹ trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, hết hiệu lực hôm 9-5. Việc bãi bỏ quy định này khiến nhiều người nhập cư đổ xô về khu vực biên giới với hy vọng được đặt chân vào đất Mỹ. Sang tuần thứ hai của tháng 5, lực lượng Biên phòng Mỹ đã bắt giữ trung bình 10.100 người mỗi ngày, gấp đôi so với mức trung bình 5.200 người trong tháng 3-2023. Đến chủ nhật 21-5, số lượng người bị tạm giữ dù giảm 23% xuống còn 22.259 người nhưng vẫn ở mức cao trong lịch sử. Bởi vậy, các cơ sở dọc biên giới phía Nam của Mỹ đều trong tình trạng quá tải.
Năng lực tạm giữ người nhập cư của Mỹ là khoảng 17.000 người và chính quyền đã bổ sung thêm những chiếc lều khổng lồ tạm thời với sức chứa khoảng 500 người. Với lượng người tăng đột biến trong tháng 5 này, quy trình vẫn không thể nhanh hơn, khiến nhiều người phải ngủ trên mặt đất trong nhiều ngày giữa hai bức tường biên giới ở San Diego hay ẩn trong các túp lều làm bằng cành cây ở khu vực miền núi phía Đông. Cơ quan chức năng Mỹ cung cấp cho họ một chế độ ăn hạn chế gồm nước, khoai tây chiên hoặc bánh ngũ cốc ăn liền.
Các cơ sở giam giữ của Lực lượng Tuần tra Biên giới là ngắn hạn. Sau đó, người di cư có thể được chuyển giao cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan để bị trục xuất, trả tự do tại Mỹ với thông báo trình diện tại tòa án di trú hoặc bị giam giữ dài hạn. Cơ quan này đã tiếp nhận gần 26.000 người bị giam giữ dài hạn vào tháng 4-2023. Các cơ sở của họ giống như nhà tù, được điều hành bởi cảnh sát địa phương hoặc các công ty an ninh như CoreCivic và The Geo Group Inc. Thống kê cho thấy, vào tháng 4-2023, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan đã thuê 117 chuyến bay, bao gồm 33 chuyến đến Guatemala, 21 chuyến đến Colombia, 20 chuyến đến Ecuador và 17 chuyến đến Honduras để đưa người tị nạn về nước.
Sự hiện diện ngày càng nhiều của các gia đình và trẻ em không có người đi cùng ở biên giới trong thập kỷ qua đã đặt ra cho chính quyền Mỹ những trách nhiệm to lớn trong việc chăm sóc y tế. Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ đã bổ nhiệm chức danh giám đốc y tế vào năm 2020 nhưng các dịch vụ còn hạn chế. Trong các trung tâm giam giữ lớn của họ đều có gian hàng thuốc và một phòng khám. Tại đó, nhân viên y tế sàng lọc bệnh truyền nhiễm, một công việc quan trọng trong đại dịch Covid-19. Họ cũng đảm bảo những người bị giam có thuốc men và hỗ trợ chăm sóc y tế cần thiết.
Tuy nhiên, 2 trường hợp tử vong mới nhất nói trên dù hiếm gặp nhưng không phải là duy nhất. Ít nhất 6 trẻ em đã mất mạng trong khoảng từ năm 2018 - 2019 khi bị giam giữ tại cơ sở của Biên phòng hay Dịch vụ Y tế và Nhân sinh. Vào tháng 3-2023, một bé gái 4 tuổi người Honduras được Dịch vụ Y tế và Nhân sinh chăm sóc đã chết trong bệnh viện Michigan 3 ngày sau khi bị đau tim.
Theo AP