Trẻ em thời chiến qua những trang văn
Những ngày này, phương án đưa học sinh trở lại trường sau những ngày cách ly xã hội gợi nhớ cho nhiều người về tuổi thơ trong tháng năm chiến tranh. Đã có rất nhiều trang văn viết về thuở đội mũ rơm đến trường, về lớp học có học sinh ở nhiều lứa tuổi hay những cậu bé, cô bé sinh sống và học tập ở nơi sơ tán...
Một số cuốn sách viết về trẻ em Việt Nam trong thời chiến.
Nếu không có những trang văn, bức ảnh hay thước phim, trẻ em hôm nay không thể tưởng tượng được tuổi thơ của ông bà, bố mẹ như thế nào. Những cô bé, cậu bé đang “tuổi ăn chơi” ngày nào không chỉ lo học tập mà còn “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” đóng góp cho cuộc kháng chiến của đất nước.
Ngày công đầu tiên của cu Tý là truyện ngắn được nhà văn Bùi Hiển viết từ năm 1958, sau đó sớm được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông trong nhiều năm. Trong buổi tọa đàm về nhà văn Bùi Hiển cách đây chưa lâu, Tiến sĩ Ngữ văn Trần Ngọc Hiếu cho rằng, nên sớm đưa lại tác phẩm này vào sách giáo khoa phổ thông bởi điểm nhìn ngây thơ, trong trẻo và nổi bật hơn cả là tinh thần yêu lao động, yêu học tập của trẻ em, điều mà nhiều học sinh hôm nay còn thiếu và yếu. Trong khi với nhiều trẻ em hôm nay, đi học hay làm việc nhà là “phải”, là “bắt buộc” thì với anh em nhà cu Tý là “được đi học”. Anh Nhỡ của cu Tý một buổi đi học, một buổi về đập lúa. Còn cu Tý được miêu tả trong truyện hãy còn nhỏ lắm,“cái bóng dáng lũn cũn thấp tròn, úp cái nón tuy bé nhưng cũng còn quá to đối với người, trông như cây nấm”, nhưng đã sớm biết làm việc nhà. “Sắp nhớn”, cu Tý tập chăn nghé, mà nếu chăn giỏi thì phần thưởng sẽ là “u mua giấy về bố đóng sách cho mà đi học”.
Cũng sớm “trưởng thành” là hình ảnh 5 đứa con của chị Út Tịch trong truyện ký Người mẹ cầm súng và truyện ngắn Mẹ vắng nhà của nhà văn Nguyễn Thi. Cô chị cả mới 10 tuổi đã phải thay mẹ chăm lo cho các em nhỏ, sớm biết “bồng hết em này đến em khác” đến nỗi “hông lúc nào cũng sần sượng, nổi chai”, đã biết “nhường hết thức ăn cho em” nhiều đến nỗi “bây giờ không biết ăn thịt cá”, còn biết bẻ bắp chuối, lượm quả rụng, chở nước đá mướn để kiếm tiền, và đặc biệt là chạy thư hỏa tốc giúp mẹ đánh giặc...
Không đòi hỏi, không ỷ lại, những đứa trẻ thời chiến làm quen rất nhanh với cuộc sống xa bố mẹ, kham khổ và thiếu thốn nhưng lúc nào cũng ăm ắp tình yêu thương. Nếu những đứa con của chị Út Tịch không đứa nào không ước mình giống má nhất thì chú bé trong Mùa mưa của nhà văn Thanh Quế khi được anh bộ đội cho chục hạt muối, dù thèm lắm, miệng nuốt nước bọt ừng ực mà vẫn cố gắng nhịn, “dành muối chia cho các bạn mình, cho mẹ mình”. Hay cô bé Thu trong Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cảnh ngộ éo le khiến cô bé không nhận ra ba và cư xử như với người xa lạ, thì trong sâu thẳm tâm hồn, tình cha con vẫn vô cùng sâu nặng, không thể thay thế.
Văn học giai đoạn 1945 - 1975 và các hồi ký những năm sau này có khá nhiều tác phẩm viết về trẻ em thời chiến. Đó là Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Mái trường thân yêu của Lê Khắc Hoan, Dòng sông thơ ấu của Nguyễn Quang Sáng, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Quê nội của Võ Quảng, Tôi đi học của Nguyễn Ngọc Ký... Ngày ấy, trẻ em phải tự đi bộ có khi cả chục cây số để đến trường; lớp học được tổ chức ở sân kho hợp tác xã, sân đình, có lúc trong hầm trú ẩn hay tại nhà dân. Hành trang đến trường có cả mũ rơm và đồ cứu thương. Sống xa cha mẹ, những đứa trẻ lại có rất nhiều ông nội, bà nội, các cô, các chú ở cùng xóm, ở nơi sơ tán chăm sóc chúng như chăm sóc chính những đứa con trong gia đình, để rồi “Những đứa trẻ con Hà Nội lớn lên vẫn nhớ sự bao bọc của đất đai và tình người nơi thôn dã.
Dẫu đã trưởng thành nhưng hồn cốt xứ Đoài vẫn xanh thắm trong hoài niệm tuổi ấu thơ tôi” (Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu - Trung Sỹ). Không chỉ học tập, học cách chăm sóc bản thân, trẻ em thời chiến còn góp sức vào phong trào Kế hoạch nhỏ, Nghìn việc tốt, tham gia đào hầm, phụ giúp việc đồng áng, chăn nuôi và đặc biệt còn góp phần đánh giặc. Hàng loạt anh hùng nhỏ tuổi đã đi vào trang văn Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, Cát cháy của Thanh Quế, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng của Xuân Sách, Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt của Phạm Thắng... Khi lớn lên, những đứa trẻ lại tiếp bước cha anh lên đường chiến đấu như trong Tảng sáng của Võ Quảng, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi...
Đọc những trang viết xưa để nhận ra giá trị của cuộc sống thanh bình, hạnh phúc ngày hôm nay là điều cần thiết đối với trẻ em. Trong những ngày học sinh “lớp bé” vẫn chưa quay trở lại trường, tranh thủ mỗi ngày để các em đọc từng trang sách về cuộc sống của trẻ em thời chiến cũng là một cách để dạy trẻ biết yêu thương và chia sẻ, biết phấn đấu, học tập và lao động.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/966237/tre-em-thoi-chien-qua-nhung-trang-van