Trẻ em trước nguy cơ bỏng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà của trẻ và là nguyên nhân gây tử vong, thương tích nghiêm trọng thứ hai ở trẻ.

Một trường hợp trẻ bị bỏng.

Một trường hợp trẻ bị bỏng.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em, thường gặp nhất ở độ tuổi từ 1 - 6 tuổi. Không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm sinh lý của trẻ, tai nạn bỏng ở trẻ em còn có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ghi nhận tại Khoa Ngoại - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, vừa qua đơn vị đã tiếp nhận điều trị cho cháu Lương Gia H. (6 tuổi, trú tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) bị bỏng độ 2 vùng mặt do nghịch bật lửa gas tại nhà, nhập viện trong tình trạng sốt, sưng nề vùng mặt và có dấu hiệu nhiễm trùng.

Theo thông tin người nhà cho biết, trước đó 1 ngày, cháu Gia H. ở nhà chơi đùa nghịch bật lửa gas nên đã bị bỏng vùng mặt, gia đình đã tự sơ cứu bằng cách bôi nhựa lá nha đam và thuốc mỡ vào vùng mặt nhưng không đỡ, sáng hôm sau thấy tình trạng cháu Gia H. bị nặng hơn, vùng bỏng sưng nề, trợt da, cháu cảm thấy đau rát nhiều hơn và bị sốt nên đã đưa trẻ nhập viện Sản Nhi Bắc Giang. Sau 05 ngày điều trị ổn định, cháu H. đã được xuất viện về với gia đình.

Theo BS CKI Phạm Văn Đại- Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang thì đây chỉ là 1 trong số hàng trăm trường hợp bị bỏng mà Khoa Ngoại tiếp nhận điều trị mỗi năm. Không chỉ bị bỏng do lửa, do nước sôi mà trẻ còn bị bỏng do điện, hóa chất. Khoa Ngoại đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp trẻ bị bỏng tới 20% diện tích cơ thể, vết bỏng sâu làm biến dạng chi thể (co quắp tay, chân thậm chí làm hoại tử xương), không chỉ để lại di chứng nguy hiểm về thể chất có thể khiến trẻ tàn phế suốt đời mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ sau này.

Mặt khác, với những trẻ bị bỏng ở mức độ nặng không những khiến gia đình vừa tốn kém chi phí điều trị bỏng, phục hồi thẩm mỹ với những trường hợp bị biến dạng mà còn tốn nhiều ngày công lao động của các bậc phụ huynh bởi luôn cần người thân túc trực chăm sóc trẻ trong suốt những ngày nằm viện.

Do đó, việc sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng để vết thương không bị ăn sâu và tránh tình trạng bội nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều bậc phụ huynh chưa nắm rõ, thậm chí hiểu sai về sơ cứu khi trẻ bị bỏng khiến vết thương của trẻ trở nên trầm trọng hơn.

Để giúp người dân có thể sơ cứu ban đầu kịp thời khi trẻ bị bỏng, BS Phạm Văn Đại khuyến cáo: Khi trẻ bị bỏng, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Với trẻ bị bỏng do lửa, bỏng hơi, bỏng do nước sôi, nước có tạp chất như phở, mỳ, lẩu… thì ngay khi trẻ bị bỏng cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước mát, sạch hoặc xả nhẹ vòi nước vào vùng bỏng (nhiệt độ nước khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất, thời gian khoảng 15 - 20 phút). Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt đắp vào mặt. Việc này có tác dụng làm giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn cho trẻ, sau đó nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Nếu quần áo dính vào vết bỏng thì tuyệt đối không được làm mọi cách để gỡ ra vì sẽ làm rách vùng da bị bỏng, gây khó khăn cho quá trình trị liệu về sau. Không được bôi hóa chất (dầu gió, nước vôi), kem đánh răng, nhựa chuối, nước mắm, mỡ trăn và đặc biệt là thuốc nam vào vùng bị bỏng vì sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng hơn.

Nếu bị bỏng ở mắt do hóa chất bắn vào thì phải rửa mắt ngay bằng nước sạch loại bỏ hóa chất càng sớm càng tốt, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Đối với trẻ bị bỏng do điện, có trường hợp bị ngừng thở, tim ngừng đập, ngay lập tức phải sơ cứu trẻ tại chỗ, đặt trẻ nằm xuống nền đất cứng, hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực đúng cách, khi trẻ thở lại được thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Sau bỏng sẽ có những trẻ bị sốc về tinh thần, khi đó bố mẹ phải động viên, an ủi, đừng để trẻ bị hoảng loạn. Đồng thời, việc phòng tránh các trường hợp có thể gây bỏng ở trẻ em sẽ giúp hạn chế được những rủi ro đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Và điều quan trọng nhất để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả cho trẻ, đó là cần nâng cao ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” từ mỗi gia đình để đảm bảo an toàn sức khỏe của trẻ.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tre-em-truoc-nguy-co-bong-545863.html