Trẻ em và áp lực học tập

Thời gian gần đây, ở một số địa phương trong cả nước xảy ra việc học sinh phổ thông tự tử do áp lực học tập, để lại nỗi đau cho gia đình và sự bàng hoàng của dư luận. Vấn đề đặt ra là gia đình và nhà trường cần đồng hành với các em vượt qua những áp lực, tìm thấy niềm vui trong học tập.

Nhà trường cần có nhiều hoạt động ngoại khóa giúp học sinh thoải mái tinh thần, tìm thấy niềm vui trong học tập.

Giảm áp lực thi cử

Em Nguyễn Thu Tr. hiện là học sinh lớp 12, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai. Cũng như nhiều học sinh cuối cấp khác, Tr. thấy lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, bởi sẽ quyết định đến việc có đoạt được “tấm vé” vào đại học hay không. Tr. Tâm sự: Em đã trải qua học kỳ 1 căng thẳng vì giãn cách xã hội, việc phải học trực tuyến tại nhà hiệu quả không cao, ít được giao tiếp, đôi khi khiến em chán nản việc học.

Em Phan Trung Ng. học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lào Cai) cũng trải lòng: Bố mẹ mong em sẽ thi đỗ vào lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Lào Cai, nên thời gian này, ngoài giờ đến lớp, em còn phải học thêm ở trung tâm. Em lo lắng nếu không đạt được kết quả như ý sẽ làm bố mẹ thất vọng.

Ng. còn cho biết, hầu như mỗi ngày, em phải di chuyển 3 đến 4 nơi để học thêm. Riêng Chủ nhật, em học 5 ca, từ 7 giờ đến 21 giờ. Chỉ riêng môn tiếng Anh, Ng. đăng ký 3 lớp học thêm dành cho các nội dung ngữ pháp, viết luận, nghe nói...

Có thể thấy, áp lực về học tập, điểm số đã tạo ra những bất ổn về tâm lý đối với học sinh. Cô giáo Cao Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Lào Cai) cho biết: Sau thời gian học online do dịch Covid-19, để tạo tâm lý thoải mái cho học trò khi trở lại trường, nhà trường đã nhanh chóng giúp các em củng cố lại kiến thức, đồng thời tổ chức xen kẽ nhiều hoạt động ngoại khóa giúp học sinh vừa học vừa chơi. Hằng năm, nhà trường tổ chức các khóa bồi dưỡng tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên, giúp các thầy cô nắm được tâm lý học sinh, từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp.

Cô giáo Phạm Thị Thu Khuê, Trường THPT Chuyên Lào Cai cũng chia sẻ: Thời gian đầu quay trở lại học trực tiếp, có rất nhiều áp lực đặt ra với học sinh và giáo viên. Với học sinh, không chỉ lo lắng về dịch bệnh, mà nhiều em còn áp lực với việc củng cố kiến thức bị giảm đáng kể sau thời gian dài học trực tuyến. Tuy nhiên, nhà trường cũng như giáo viên đều đồng lòng chung sức, tập trung vào dạy và học, nhất là học sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường chú trọng hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, từ đó các em có định hướng rõ ràng cho tương lai, lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân mà không phải quá áp lực về điểm số. Nhà trường thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để nắm được tâm lý của các em, từ đó điều chỉnh lịch học, thời gian sinh hoạt phù hợp. Ngoài ra, 100% học sinh nhà trường tham gia các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ ngoài giờ học, từ đó giúp các em được xả stress sau những giờ học căng thẳng.

Với mục tiêu không tạo áp lực thi cử, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tổ chức ôn tập cho học sinh theo hướng học đến đâu ôn kiến thức đến đó. Nội dung ôn tập bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình học và ôn tập theo từng chủ đề.

Thời gian ôn thi cuối cấp căng thẳng dễ gây tâm lý tiêu cực cho học sinh.

Cha mẹ làm bạn với con

Thực tế, áp lực học tập không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh mà còn gây căng thẳng cho cha mẹ trước mỗi kỳ thi.

Chị Tạ Minh Th., phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) có con học lớp 12 tâm tư: Đây là năm học rất quan trọng nên tôi tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời động viên con cố gắng vượt qua khó khăn. Biết rằng áp lực học tập đặt lên vai con là rất lớn, nhưng nếu không cố gắng thì sẽ không có được kết quả như mong muốn.

Còn anh Phạm Văn Kh., phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) có con học lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Lào Cai) cho hay: Tôi đặt mục tiêu cho con sau khi học hết lớp 9 sẽ thi vào lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng năm học này, do dịch Covid-19 nên kết quả học tập của con trong học kỳ I bị ảnh hưởng. Bước sang học kỳ II, tôi dành thời gian cho con nhiều hơn, ngoài học ở trường thì buổi tối và cuối tuần, con còn học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh.

Thạc sỹ tâm lý Đới Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: Thời gian qua, chúng ta phải chứng kiến những sự việc rất đau lòng, đó là một số học sinh tự vẫn, để lại những bức thư tuyệt mệnh đầy nước mắt. Thực tế, việc học tập của nhiều học sinh bị phụ thuộc nhiều bởi kỳ vọng của cha mẹ. Đôi khi sự quan tâm thái quá của các bậc cha mẹ khiến các em ngột ngạt, bí bách dẫn tới trầm cảm. Độ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là tuổi vị thành niên - học sinh đang học THCS và THPT. Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu thay đổi nhận thức, có quan điểm và chính kiến riêng, vì thế khi bố mẹ áp đặt các con phải làm theo ý của người lớn thì trẻ dễ phả n ứng lại, thậm chí là phản ứng gay gắt và có thể gây ra hậu quả đau lòng. Từ những thay đổi tiêu cực về cảm giác, các em rất dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi vì khó tập trung chú ý.

Để giải quyết được căng thẳng, áp lực tâm lý, học tập cho trẻ, Thạc sỹ Đới Thị Thu Thủy cho rằng, phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên, trong cuộc sống hằng ngày nên coi mình là “bạn” của con, luôn dành thời gian lắng nghe con tâm sự, chia sẻ… từ đó mới có thể thấu hiểu, hướng dẫn con đi đúng hướng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356336-tre-em-va-ap-luc-hoc-tap