Trẻ em và thiết bị công nghệ
Trong thời đại công nghệ số, trẻ em được tiếp cận với internet ngay từ nhỏ, nhiều em ứng dụng tốt các nền tảng trực tuyến để học tập, giao lưu, giải trí, mang đến nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên, việc dành quá nhiều thời gian vào các thiết vị cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro gây hại cho trẻ. Vì vậy, cần sự quan tâm của người lớn, trong quản lý trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, trẻ em được tiếp cận với các sản phẩm công nghệ như: Ipad, Smartphone, ti-vi, máy vi tính từ rất sớm và chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những trẻ dưới 06 tuổi đã sử dụng thành thạo điện thoại để xem hoạt hình, chơi trò chơi... bởi các nguồn thông tin, các kiến thức từ các trang web, các nền tảng mạng xã hội hiện nay luôn tạo ra sự phấn khích tò mò cho trẻ nhỏ, giúp trẻ sự phát triển khả năng, tư duy và sáng tạo trong quá trình học tập.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thiết bị công nghệ với những ứng dụng học tập bổ ích và thú vị giúp trẻ tiếp thu bài một cách dễ dàng, nhanh chóng và chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 cũng đưa môn Tin học vào giảng dạy từ năm học lớp 3, tạo điều kiện để học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.
Em Lê Nguyễn Như Ngọc, lớp 5/3, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (thành phố Trà Vinh) là học sinh tiêu biểu xuất sắc của trường, vừa ý thức học tốt vừa được gia đình tạo điều kiện ứng dụng công nghệ phục vụ học tập nên kết quả học tập của em được duy trì ngày càng tốt hơn.
Như Ngọc chia sẻ: chị của em học lớp 11, được cha mẹ trang bị cho máy vi tính và điện thoại phục vụ học tập, mỗi ngày em được cho sử dụng điện thoại khoảng 02 giờ vừa giải trí vừa để học và em thích xem những video hướng dẫn đọc tiếng Anh về màu sắc, tên các loại trái cây, lịch sử và những kỹ năng trong học tập. Ngoài học trên lớp, em được chị hướng dẫn ứng dụng những phần mềm trên máy vi tính để học những môn như: Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh nên em thao tác trên máy khá thành thạo.
Đối với môn Tin học, được thầy cô giảng dạy tận tình, nắm được những kiến thức cơ bản trong chương trình nên Như Ngọc luôn đạt điểm tuyệt đối ở môn này. Được giáo viên định hướng tham gia các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh trên mạng internet, giúp em học ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích công nghệ đem lại, việc cho trẻ sử dụng quá thường xuyên những thiết bị này sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống của trẻ. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm, hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ, có quy định thời gian cho các em xem hàng ngày.
Theo anh Thạch Thiên, cha Thạch Ngọc Duy Tú (06 tuổi), ngụ xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải: hiện nay, học sinh tiếp cận công nghệ rất nhiều, nhất là điện thoại di động, nhờ đó mà nhiều em học tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều trẻ quá nhỏ xem điện thoại quá nhiều thời gian, ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt. Vì vậy, nên mỗi ngày anh chỉ cho con xem 60 phút vào buổi tối để giải trí, thời gian còn lại ngoài việc học, anh cho bé chơi các trò chơi ghép hình, vận động… Dịp hè, anh cho con cùng cô và các bạn tham gia các hoạt động văn nghệ, kể chuyện sách, vừa giúp bé ít xem điện thoại vừa cho bé giao lưu, học hỏi nhiều kỹ năng, động viên con ý thức học tốt hơn.
Thực tế, có rất nhiều trẻ được cha mẹ cho dùng điện thoại quá thường xuyên khiến các bé sinh ra tâm lý “gây nghiện” khó bỏ. Đặc biệt là hiện nay có rất nhiều trò chơi bạo lực, nội dung thiếu lành mạnh cho trẻ tính cách nóng nảy và khiến các bé dễ dàng bắt chước, ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng của bé.
Chị Ngô Thị Tuyết Mai, ngụ Phường 7 (thành phố Trà Vinh) có con vừa học hết lớp 3, hè này để hạn chế con xem điện thoại, chị gởi con sang nhà một giáo viên về hưu kèm cháu luyện chữ, làm toán để không quên bài học. Chị bày tỏ: bởi cuộc sống mưu sinh, thời gian trước, tôi để con xem điện thoại quá nhiều, tháng trước phát hiện con bị cận thị khá nặng, gia đình đưa đến Thành phố Hồ Chí Minh khám, cắt kính cho bé...
Ngoài ra, việc phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ sẽ khiến trẻ ít tương tác với mọi người xung quanh, dẫn đến việc bé ngại giao tiếp, thiếu tự tin... nên người lớn cần quan tâm, giám sát, giải thích cặn kẽ, cùng trẻ tổ chức các hoạt động thể dục, vui chơi, giúp trẻ phát triển tư duy, phát triển ngôn ngữ, nhận thức tốt hơn về việc sử dụng thiết bị công nghệ phục vụ học tập, giải trí, đồng hành cùng trẻ sử dụng internet. Đồng thời, trang bị những kiến thức và kỹ năng để trẻ em có thể sử dụng, khai thác internet một cách tích cực, tiếp cận thông tin có chọn lọc và định hướng tới những mặt tốt hơn trong cuộc sống.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/tre-em-va-thiet-bi-cong-nghe-29769.html