Trẻ khỏe, sinh sớm vì tương lai chính mình và giống nòi

Cuộc sống hiện đại, nhiều phụ nữ mải miết theo đuổi sự nghiệp mà quên mất 'cửa sổ vàng' của sức khỏe sinh sản. Sinh đủ 2 con trước 35 tuổi không chỉ giúp người mẹ bảo toàn khả năng sinh sản, giảm biến chứng thai kỳ, mà còn đảm bảo tương lai khỏe mạnh và phát triển toàn diện cho con. 'Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi' - chủ đề của Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay chính là lời nhắc nhở, khuyến khích phụ nữ chủ động lập kế hoạch làm mẹ.

 Khám sức khỏe tiền hôn nhân tại TPHCM

Khám sức khỏe tiền hôn nhân tại TPHCM

Sinh muộn - rủi ro không chỉ với người mẹ

Chị Hoàng Thị Mai (38 tuổi, ở Thái Nguyên) từng tập trung phát triển sự nghiệp nên trì hoãn việc lập gia đình và sinh con. Khi quyết định có con, chị gặp rất nhiều khó khăn vì khả năng thụ thai tự nhiên đã suy giảm.

Sau hơn 2 năm chạy chữa và trải qua nhiều lần thụ thai thất bại, nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản, chị mới mang thai thành công. Tuy nhiên, suốt thai kỳ, chị Mai phải đối mặt với nhiều biến chứng như: tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, thậm chí có giai đoạn bác sĩ dự kiến phải mổ bắt thai sớm để tránh tiền sản giật.

Bé chào đời với cân nặng thấp và cần chăm sóc đặc biệt nhiều tháng. "Giá như mình chủ động sinh sớm hơn, có lẽ cả mẹ và con đã khỏe mạnh hơn, đỡ vất vả và lo lắng nhiều đến vậy", chị Mai chia sẻ.

Khác với chị Mai, chị Phạm Ngọc Linh (Phú Thọ) lập gia đình từ năm 25 tuổi và sinh con đầu lòng khi 26 tuổi. Ở độ tuổi còn trẻ, sức khỏe sinh sản của chị Linh rất tốt, thai kỳ thuận lợi, ít biến chứng. Hiện tại, con trai của chị đã 5 tuổi, khỏe mạnh và lanh lợi.

Chị Linh chia sẻ: "Tôi thấy mình đúng khi quyết định sinh sớm. Tôi vừa có thời gian phát triển sự nghiệp, vừa được đồng hành trọn vẹn cùng con suốt tuổi thơ".

TS.BS Bùi Thị Phương Hoa, bác sĩ Di truyền, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), cho biết, sau 35 tuổi, khả năng sinh sản của người phụ nữ bắt đầu suy giảm rõ rệt do dự trữ buồng trứng giảm cả về số lượng lẫn chất lượng.

TS. BS Bùi Thị Phương Hoa (bìa trái), Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thăm khám cho người bệnh

TS. BS Bùi Thị Phương Hoa (bìa trái), Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thăm khám cho người bệnh

Một số trường hợp còn gặp tình trạng suy buồng trứng sớm, làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên và tăng nguy cơ vô sinh. Bên cạnh đó, chất lượng trứng bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, dễ gây bất thường nhiễm sắc thể, làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu và dị tật bẩm sinh như hội chứng Down.

Ngoài ra, tuổi của người mẹ lớn còn liên quan đến các biến chứng thai kỳ như tiểu đường, tiền sản giật, sinh non.

Khả năng sinh sản của phụ nữ cao nhất từ 20 đến 30 tuổi. Từ sau tuổi 30, đặc biệt sau 35 tuổi, khả năng thụ thai của phụ nữ suy giảm đáng kể. Ngành y học sinh sản khuyến cáo nên sinh con trong giai đoạn “cửa sổ vàng” trước 35 tuổi để tối ưu sức khỏe sinh sản và kết quả thai kỳ”.

TS.BS Bùi Thị Phương Hoa (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)

Phụ nữ sinh con trước 35 tuổi có nhiều lợi thế: khả năng thụ thai tự nhiên cao, tỷ lệ biến chứng thấp, nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi cũng giảm. Thai kỳ ở độ tuổi sinh sản tối ưu giúp người mẹ dễ thích nghi, sau sinh hồi phục nhanh, ít ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.

Về phía em bé, trẻ sinh ra từ người mẹ trẻ tuổi thường có cân nặng chuẩn, miễn dịch tốt hơn và được hưởng môi trường chăm sóc ổn định.

Không ép phụ nữ lựa chọn

Không chỉ tốt cho cá nhân, việc sinh đủ 2 con trước 35 tuổi còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng dân số. Ở góc độ cộng đồng, đây không phải là chuyện riêng của mỗi gia đình mà còn gắn chặt với sự phát triển bền vững của quốc gia.

ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM

ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM

ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM, cho rằng, sinh đủ 2 con trước 35 tuổi góp phần ổn định mức sinh quốc gia, nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, ở độ tuổi này, phụ nữ thường khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ và dị tật bẩm sinh.

Đồng thời, việc duy trì mức sinh thay thế giúp giảm tốc độ già hóa dân số, bổ sung nguồn nhân lực cho thị trường lao động, đảm bảo phát triển bền vững.

"Với thông điệp: Kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ hai con trước 35 tuổi, chúng ta không ép phụ nữ lựa chọn mà cung cấp thông tin để họ hiểu rõ mức sinh thấp và những khó khăn liên quan, từ đó đưa ra quyết định phù hợp", ông Phạm Chánh Trung nhấn mạnh.

Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 1 vừa qua, dân số Việt Nam tính đến ngày 1/4/2024 là hơn 101,1 triệu người (trong đó nam là khoảng 50,3 triệu người, chiếm 49,8% và nữ là 50,7 triệu người, chiếm 50,2%).

Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), với dự báo về mức tăng dân số hàng năm, dân số Việt Nam năm 2025 ước đạt khoảng 102 triệu người. Riêng thành phố Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố có quy mô dân số lớn nhất cả nước. Dân số của thành phố Hà Nội ước đạt gần 8,7 triệu người; TPHCM ước đạt hơn 9,5 triệu người. Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tre-khoe-sinh-som-vi-tuong-lai-chinh-minh-va-giong-noi-20250710140336485.htm