Trẻ mắc bệnh đường hô hấp nhập viện tăng: Bác sĩ chỉ cách tránh mắc bệnh

Thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho virus gây bệnh viêm đường hô hấp phát triển. Cùng với đó trẻ nhập trường đầu năm học mới cũng khiến sự lây lan virus mạnh hơn nên tại Hà Nội gia tăng bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về các bệnh lí viêm đường hô hấp trên (cúm, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...) đã gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm. Theo số liệu thống kê, trung bình một đứa trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp trên từ 4 – 6 lần trong một năm, điều này khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.

Bác sĩ Vũ Thị Mai, khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết: “Khoảng một tháng nay, số bệnh nhi đến viện tăng cao, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhi đến thăm khám và điều trị, trong đó có khoảng 20-30 trường hợp có chỉ định định nhập viện. Hầu hết trẻ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản”.

Khoa Nhi có 7 bác sĩ đảm đương công tác điều trị cho 90-120 bệnh nhi. Hiện khoa Nhi đang mượn của Khoa ngoại Tổng hợp 2 phòng bệnh. Bệnh nhân nhập viện phần lớn là trẻ 5 tuổi, có trẻ từ 5-14 tuổi nhập viện chủ yếu do mắc sốt xuất huyết, một số trẻ mắc virus Adeno. Thông thường, thời điểm này các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa là ngang nhau, tuy nhiên, năm nay bệnh viêm đường hô hấp nhiều hơn, chiếm khoảng 2/3 các trường hợp thăm khám, điều trị.

Trẻ mắc bệnh gia tăng tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội) do thời tiết giao muaÀ̉nh: H.Minh

Trẻ mắc bệnh gia tăng tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội) do thời tiết giao muaÀ̉nh: H.Minh

Theo chuyên gia, trẻ em dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn người lớn do đặc điểm lứa tuổi còn nhỏ ham chơi nên vui đùa thỏa thích mà chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể. Trong khi đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở.

Đối với trẻ em, do đặc điểm đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh cũng dễ lây lan hơn. Đặc biệt là trẻ em ở bậc tiểu học bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch còn non nớt nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Chẳng hạn như trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học vừa chơi đồ chơi trên đất bẩn rồi đưa tay đưa lên miệng hoặc ngoáy mũi là rất bình thường và vi khuẩn, virus tấn công dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, độ ẩm không khí thấp cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới đường hô hấp ở trẻ nhỏ.

Bác sĩ lí giải sau nhiễm COVID-19 tổn thương niêm mạc đường hô hấp tạo cơ hội cho các vi khuẩn virus khác hoạt động nhiều hơn do vậy trẻ dễ bị tình trạng nặng hơn khi nhiễm các mầm bệnh khác. Ngoài ra do dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng, việc uống vitamin A cũng bị chậm, nhiều trẻ bỏ uống theo đợt… cũng là tác nhân cộng hưởng khiến bệnh tăng cao.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn, trong đó có nhiều trường hợp tái đi tái lại rất nhiều lần. Đặc biệt là trẻ sơ sinh, các đối tượng này sức đề kháng kém, rất dễ mắc bệnh, khi mắc dễ trở nặng thành suy hô hấp.

Bác sĩ Vũ Thị Mai khuyến cáo với trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại nhà, cha mẹ lưu ý cách vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ ở mũi, họng - nơi vi khuẩn, virus dễ bám đầu tiên, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ như ăn đủ vi chất, cho trẻ ngủ đúng giờ, nên cách li với các trẻ đã có triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ lúc giao mùa

Đối với em bé sơ sinh trong tháng đầu tiên, trẻ chưa có đề kháng tốt, mẹ và những người chăm sóc bé nên tránh tiếp xúc với bé nếu bản thân đang bị bệnh hoặc phải rửa tay sạch sẽ khi chăm bé, nên đeo khẩu trang nếu bị cảm ho. Phụ huynh nên lưu ý, ho là một phản xạ tốt để bảo vệ cơ thể trẻ, bảo vệ phổi cho trẻ, do đó không nên quá lo lắng và tự tiện cho bé uống thuốc ức chế ho, nhất là đối với trẻ dưới 1 tuổi.

Triệu chứng cảnh báo viêm đường hô hấp trên ở trẻ em

Triệu chứng, thường gặp nhất là sốt, dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất của bệnh viêm đường hô hấp trên. Trẻ sốt cao thành cơn, thân nhiệt tăng 39 - 40 độ C.

Sổ mũi và chảy nước mũi, dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không mùi hôi. Một số trẻ chảy nước mũi thường xuyên 1 hoặc cả 2 mũi. Một số trẻ em bị viêm A mãn do trực khuẩn thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh. Ho thành cơn hay ho khan, ho có đờm.

Khó thở là một triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp trên, thường là triệu chứng của viêm đường hô hấp. Khó thở rất ít gặp nhưng khi đã gặp thì thường là dấu hiệu của bệnh nặng, bé phải thở rít, thở khò khè... Sau đợt cấp, nếu không chữa trị tốt dễ chuyển sang viêm mạn tính, với triệu chứng thường là ho, rát họng, nuốt thấy hơi vướng trong họng, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi.

Nhức đầu (thường gặp trong viêm xoang); trẻ bị kèm viêm kết mạc mắt, sợ ánh sáng, mắt đỏ, đau, ngứa và chảy nước mắt; hơi thở hôi; đau cơ, mệt mỏi; đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tre-mac-benh-duong-ho-hap-nhap-vien-tang-bac-si-chi-cach-tranh-mac-benh-post1471796.tpo