Trẻ mắc Covid-19 khám ngoại trú ở TP.HCM tăng cao
Số lượng trẻ em mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng sau khi mở cửa lại trường học và sự lây lan của biến chủng Omicron.
Thống kê của Sở Y tế TP.HCM, từ giữa tháng 2 đến nay, số ca mắc Covid-19 là trẻ em, tại các cơ sở giáo dục có xu hướng tăng mạnh.
Theo ghi nhận của Zing, số bệnh nhi đến khám, chữa bệnh, trong đó có nhiều em mắc Covid-19, tại các bệnh viện nhi khá đông. Nhiều phụ huynh phải xếp hàng để làm thủ tục và chờ kết quả xét nghiệm.
Nhiều trẻ em được đưa đến khám khi sốt do mắc Covid-19
Nửa tiếng sau khi được lấy mẫu xét nghiệm, chị Tuyết Mai (30 tuổi, TP.HCM) cùng con trai vẫn đứng cạnh khu xét nghiệm Covid-19 sàng lọc Covid-19 của Bệnh viện Nhi đồng 2 chờ nhận kết quả.
Chiều 7/3, phía trước sân bệnh viện và khu vực sàng lọc nghi nhiễm, nhiều phụ huynh và trẻ em xếp hàng chờ xét nghiệm và ngồi ở các băng ghế đá chờ đợi. Theo thông báo của bệnh viện, thời gian chờ nhận kết quả có thể khoảng 45 phút.
"Vài ngày qua, con tôi thỉnh thoảng sốt cao, test nhanh Covid-19 âm tính nhưng khi vào đây khám bệnh vẫn phải xét nghiệm lại. Mỗi lần tôi đưa con đến khám, bệnh viện vẫn luôn đông như thế. Tôi không sợ mất thời gian chờ đợi nhưng sợ nguy cơ lây nhiễm do quá đông người", chị Mai chia sẻ.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc, cho biết trong khoảng một tháng nay, số lượng trẻ em F0 đến khám ngoại trú tại đơn vị này cũng có xu hướng tăng cao.
"Trẻ mắc Covid-19 được gia đình chuyển đến bệnh viện tăng cao do xuất hiện triệu chứng sốt, ho. Đa số đều được bác sĩ khám và tư vấn điều trị ngoại trú do tình trạng không nặng", bác sĩ Nam thông tin.
Trước số lượng trẻ đến khám và điều trị ngoại trú tăng cao, bệnh viện tăng công suất từ 150 đến 200 giường bệnh. Hiện khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 65 trẻ em F0 điều trị nội trú.
"Chúng tôi cũng ưu tiên cho các bệnh nhi xuất viện sớm sau 1-2 ngày điều trị ổn định. Đa số phụ huynh có tâm lý lo lắng, muốn chuyển viện khi thấy trẻ sốt cao, ho nhiều hơn. Do đó, công suất giường bệnh luôn đảm bảo nếu số lượng trẻ mắc tăng cao", bác sĩ Nam nói thêm.
Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng cho biết số lượng trẻ em mắc Covid-19 đến khám tại đơn vị này có xu hướng tăng cao hơn so với trước đây.
"Điều khiến chúng ta đỡ lo hơn là trẻ em F0 đến viện khám có tăng nhưng đa số nhẹ, được chỉ định điều trị ngoại trú nhiều mà không phải nhập viện", bác sĩ Quy nói.
Ông cũng lý giải nguyên nhân của tình trạng này là tâm lý lo lắng quá mức của phụ huynh khi thấy trẻ sốt trong 1-3 ngày đầu của bệnh.
"Ngoài thăm khám cho trẻ, nhân viên y tế thường trấn an phụ huynh, hướng dẫn cách chăm sóc. Trẻ điều trị nội trú là những bé có tình trạng nặng, nguy cơ cao như bệnh nền, suy giảm miễn dịch, béo phì, ung thư, tiểu đường, tim mạch", bác sĩ Quy cho hay.
Khi nào nên đưa trẻ F0 đến bệnh viện?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, hiện nay, dù bệnh Covid-19 vẫn có thể được điều trị ngoại trú nếu không xuất hiện dấu hiệu nặng cần nhập viện.
Trong quá trình theo dõi tại nhà, phụ huynh đặc biệt lưu ý quan sát cách thở của trẻ: thở nhanh hơn, thở khó hơn, phập phồng cánh mũi, co lõm hõm ức, co kéo các khoảng liên sườn.
Ngoài ra, khi thấy bé sốt cao liên tục trên 2 ngày, có thể bỏ ăn uống, li bì, lừ đừ, nôn ói nhiều, tiêu chảy mất nước thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
"Trẻ em mắc Covid-19 đa số có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Nếu bé không có bệnh lý nền đặc biệt hay thể trạng thừa cân, béo phì thì có thể an tâm điều trị tại nhà", bác sĩ Việt khuyến cáo.
Với trẻ có các bệnh lý nền như bệnh phổi mạn, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gan, bệnh nội tiết, huyết học, ung thư... gia đình cần cho trẻ nhập viện sớm để theo dõi.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ mắc Covid-19 có thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc do người chăm sóc, trẻ tự thực hiện tại nhà.
Trong trường hợp sau 7 ngày, kết quả xét nghiệm còn dương tính, trẻ tiếp tục cách ly đủ 10 ngày nếu đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ tháng 2 đến đầu tháng 3, số ca mắc Covid-19 là cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghi mắc Covid-19 được phát hiện tại trường, là hàng chục nghìn.
Trong hai tuần (15/2-2/3), số ca nghi nhiễm tăng cao trong cơ sở giáo dục tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Trong đó, các địa phương có số lượng phát hiện ca nghi nhiễm cao nhất là quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, quận 12 và Tân Phú.
Về nguyên nhân, theo Sở Y tế TP.HCM, ngoài việc trẻ em đi học trực tiếp trở lại làm tăng nguy cơ tiếp xúc, biến chủng Omicron là tác nhân gây bệnh chiếm đa số với những người mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-mac-covid-19-kham-ngoai-tru-o-tphcm-tang-cao-post1300935.html