Trẻ mất bình tĩnh thường la hét, đập đồ, cha mẹ nên xử lý như thế nào cho đúng?

Một trong những cách được các nhà tâm lý học khuyên cha mẹ nên xử lý trong tình huống trẻ mất bình tĩnh là thừa nhận cảm xúc của trẻ.

Nếu bạn đang có con trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, có lẽ bạn đã quen với những cơn nóng nảy thất thường của con mình. Trong giai đoạn nổi loạn và bướng bỉnh này, những hành động của trẻ có thể khiến cha mẹ "nổi cơn tam bành", dễ dàng sử dụng đòn roi để dạy con.

Dù bạn là kiểu cha mẹ nào đi chăng nữa thì cũng nên nói với con mình trong tình huống chúng mất bình tĩnh rằng, hành động la hét, đánh người khác, đập phá đồ đạc là sai. Nếu trẻ không được cha mẹ uốn nắn từ nhỏ, lớn lên chúng sẽ ngày càng khó dạy bảo.

Bộ não của con người được chia thành 2 phần là lý trí và cảm xúc, chúng hoạt động độc lập với nhau. Khi trẻ mất bình tĩnh, phần não thiên về cảm xúc ở trạng thái hưng phấn quá mức, lúc này phần não lý trí sẽ khó kiểm soát được, khiến trẻ có hành vi hung hăng.

Tiến sĩ tâm lý học thần kinh người Tây Ban Nha Alvaro Bilbao tin rằng, để giúp trẻ bình tĩnh lại, trước tiên cha mẹ phải thừa nhận cảm xúc của chúng, sau đó kết nối cảm xúc và suy nghĩ của trẻ.

Cha mẹ nên làm gì để xử lý trẻ lúc chúng mất bình tĩnh?

1. Giúp trẻ nhận biết cảm xúc của chính mình

Đối mặt với cơn giận dữ của trẻ, nhiều bậc cha mẹ yêu cầu trẻ kiểm soát cảm xúc của mình ngay lập tức. Trẻ thậm chí không hiểu cảm xúc của mình, làm sao chúng có thể kìm chế được? Vì vậy, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là để trẻ hiểu được cảm xúc và nhu cầu của mình.

Ví dụ, nếu bạn không mua đồ chơi, trẻ sẽ khóc rất to để đòi.

Cách xử lý sai: Khuyên con đừng khóc vì ở nhà đã có nhiều đồ chơi, vì thế mẹ sẽ không mua cho con.

Cách xử lý đúng: Bạn có thể tỏ ra thấu hiểu con mình bằng cách nói: "Mẹ biết con đang rất tức giận và thất vọng (nói ra cảm xúc của con) khi mẹ không mua đồ chơi đúng không".

Mặc dù sử dụng những lời đồng cảm theo cách này, đứa trẻ không thể bình tĩnh lại ngay lập tức, nhưng nó có thể thành công thu hút sự chú ý của trẻ.

Khi bạn thể hiện sự đồng cảm với tâm trạng của con mình vào lúc trẻ tức giận, bằng cách nói ra những lời an ủi, ánh mắt thấu hiểu, một cái ôm… Những điều này sẽ khiến trẻ có thể nguôi giận và bình tĩnh lại.

2. Để trẻ cảm thấy vẫn được yêu thương

Bạn không nên chỉ chú ý tới mỗi hành động tức giận của con cái khi chúng mất bình tĩnh. Cho dù trẻ đang như thế nào, bạn cũng nên tỏ ra mình vẫn yêu thương và thấu hiểu cảm xúc tức giận nhất thời của chúng.

Điều quan trọng trong lúc trẻ la hét là cha mẹ phải bình tĩnh, nếu 2 bên đều không kìm chế được cảm xúc của mình, dễ dẫn tới những hành động không mong muốn như sử dụng đòn roi, la mắng nặng nề.

Vì thế, cha mẹ dù cảm thấy rất khó chịu trước những hành động quá quắt của con mình, hãy cố kìm chế, hạ giọng hết mức có thể. Cha mẹ có thể ngồi cách xa con một chút, mặc cho chúng nổi cơn tam bành. Sau khi trẻ tức giận chán chê, cha mẹ hãy tới an ủi, tỏ ra mình thấu hiểu và vẫn yêu thương con bằng một cái ôm hoặc nắm tay.

3. Sử dụng câu chuyện để dẫn dắt trẻ

Cha mẹ đừng vội đánh giá hành động của con mình là tốt hay xấu. Điều quan trọng là để trẻ chấp nhận cảm xúc của mình, hướng dẫn chúng làm sao để quên đi những điều mình muốn nhưng không được đáp ứng.

Trẻ từ 3 đến 6 tuổi có thể vẫn chưa hiểu hết được những hành động của mình là không nên làm. Thay vì thuyết giảng, tốt hơn là cha mẹ có thể sử dụng một số câu chuyện bằng sách tranh để hướng dẫn con mình cách xử lý trong những tình huống tương tự. Bằng cách này, cha mẹ sẽ phần nào ngăn chặn được những cơn tức giận khủng khiếp của con mình.

Phan Hằng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tre-mat-binh-tinh-thuong-la-het-dap-do-cha-me-nen-xu-ly-nhu-the-nao-cho-dung-20230418095212203.htm