Trẻ sẽ mắc bệnh đáng sợ hơn COVID-19 nếu không sớm đến trường
Nhiều giáo viên, chuyên gia nhận xét, học sinh sẽ mắc những căn bệnh đáng sợ hơn COVID-19 nếu các em không sớm trở lại trường.
“Tôi sốc khi chứng kiến cô con gái 12 tuổi từng rất hoạt bát và ngoan ngoãn thì nay gần như tuyệt giao với mọi thứ xung quanh, chỉ ngồi một góc đeo tai nghe, chăm chú không rời khối rubik”, chị Trần Hoàng Trang (35 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) lo lắng khi thấy con có biểu hiện như vậy trong thời gian ở nhà kéo dài vì dịch COVID-19.
Hơn 5 tháng kể từ khi năm học 2021 - 2022 bắt đầu, học sinh hầu hết các khối lớp ở thủ đô vẫn chưa được trở lại trường. Đến nay khi học sinh hoàn thành học kỳ I, Hà Nội vẫn chưa có động thái quyết định thời điểm mở cửa trường. Điều này khiến chị Trang rất bức xúc.
Ngại giao tiếp
Chị Trang kể, gần 9 tháng chưa được đi học, gặp gỡ bạn bè, con gái chị dần trầm tính, ít nói và không thích giao tiếp. Không chỉ ngại nói chuyện cùng bạn bè mà ngay cả với bố mẹ, bé cũng không còn vui vẻ như trước đây.
Hai vợ chồng chị Trang làm việc ở doanh nghiệp xây dựng và thiết bị điện nước. Những tháng cuối năm là thời điểm anh chị thường xuyên phải đi công tác, vài ngày mới về. Mọi việc chăm sóc con đều gửi gắm cho ông bà nội.
Kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, gia đình chị tổ chức buổi đi chơi ở ngoại thành Hà Nội với mong muốn giải tỏa tâm lý, gần gũi và hiểu con nhiều hơn. Nhưng chị thấy cô con gái 12 tuổi từng rất hoạt bát và ngoan ngoãn thì nay gần như tuyệt giao với mọi thứ xung quanh. Con không chào hỏi mọi người, thờ ơ với tất các trò chơi, chỉ ngồi một góc đeo tai nghe và không rời mắt khỏi khối rubik.
“Khi tôi nói thái độ như vậy là không tốt, con liền bực tức, ném điện thoại xuống ghế và trở về phòng khóa trái cửa. Tôi chưa tìm được cách giải quyết nào cho tình trạng tâm lý này của con”, chị Trang nói và cho rằng do ở nhà quá lâu, thiếu các hoạt động vui chơi nên con trở nên khép kín, sợ giao tiếp và nhiễm các thói quen xấu từ mạng xã hội.
Con bị ám ảnh vì ở trong không gian hẹp quá lâu. Con cảm thấy mệt mỏi và bí bách nên đôi khi bất giác nổi cáu, không kìm chế được cảm xúc, hành động của bản thân. Con muốn được ra ngoài chơi đùa cùng bạn bè, được đi học”.
Phụ huynh Nguyễn Quảng Dương
Gặp tình trạng tương tự như chị Trang, anh Nguyễn Quảng Dương (Tây Hồ, Hà Nội) đang phải tìm cách giải tỏa tâm lý cho cậu con trai 10 tuổi.
Khoảng 4 tháng trở lại đây, con anh thường xuyên có thói quen khóc lớn và nằng nặc đòi mua những món đồ chơi mình thích. Con sẽ đòi đến khi nào bố mẹ đồng ý mua mới chịu nín. Nhiều khi cả nhà đang ăn cơm, con bỗng nổi cáu, buông mạnh đũa xuống bàn và bỏ về phòng chỉ vì bị bố mẹ trêu vài câu. Sự nóng giận bất thường của con khiến anh khó hiểu.
“Tôi không biết vì lý do gì mà con bỗng trở nên nóng giận thất thường và hư đến như vậy. Mọi việc trong gia đình hoàn toàn diễn ra bình thường, không xảy ra biến cố nào tác động tiêu cực đến con”, anh Dương nói.
Vợ chồng anh tìm mọi cách nhẹ nhàng tâm sự, thậm chí chiều theo sở thích mua đồ chơi siêu nhân để con vui vẻ hơn và mở lòng. “Qua mỗi lần tâm sự, tôi hiểu ra con đang bị ám ảnh vì ở trong không gian hẹp quá lâu. Con cảm thấy mệt mỏi và bí bách nên đôi khi bất giác nổi cáu, không kìm chế được cảm xúc, hành động của bản thân. Con muốn được ra ngoài chơi đùa cùng bạn bè, được đi học”, anh nói.
Anh cho rằng nếu con không được đến trường sớm hơn thì sẽ tâm lý khó được giải tỏa, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí tuệ.
Dấu hiệu tự kỷ
ThS Nguyễn Thị Huệ, chuyên gia tâm lý (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, những dấu hiệu cảm xúc của con chị Trang và anh Dương khá phổ biến và nghiêm trọng. Đây là biểu hiện của chứng bệnh tự kỷ ở trẻ vị thành niên do ở nhà trong thời gian dài, không được vui chơi, tiếp xúc xã hội. Nếu việc này kéo dài, trẻ dần rơi vào trạng thái trầm uất, mất kỹ năng giao tiếp và e ngại tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Bà Huệ dẫn chứng gần đây, nhiều nghiên cứu từ Mỹ và Anh chỉ ra rằng, nếu không được đến trường vui chơi, học tập, trẻ rất dễ nhiễm các tư tưởng, thói xấu từ mạng xã hội. Những lối suy nghĩ lệch lạc này ngấm sâu vào đầu trẻ, dần dần biến thành hành động khó kiểm soát.
Theo bà Huệ, trẻ ở nhà quá lâu gây ra nhiều hệ lụy đến sự phát triển thân - tâm - trí. Hiện chúng ta chỉ quan tâm chăm sóc đến “thân”, nghĩa là phụ huynh đang bao bọc, lo con đi học sẽ bị nhiễm bệnh, lo đến sự an toàn sức khỏe của con… Nhưng trường học đóng cửa quá lâu, hai yếu tố tâm và trí bị khuyết, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển. Sự học của một đứa trẻ không đơn giản chỉ là học kiến thức trong sách vở, chương trình mà còn học qua việc vui chơi với bạn bè, qua giao tiếp xã hội. Quan trọng nhất, những tương tác xã hội sẽ giúp các con hình thành cảm xúc, nhân cách.
BS Trần Thị Sáu, thuộc khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, bệnh nhân đến khám đều ở độ tuổi khá trẻ, trong đó nhiều học sinh chịu ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng do dịch bệnh và học online kéo dài. Có học sinh bị rối loạn lo âu, trầm cảm đến mức tự hành hạ cơ thể. Áp lực học tập, cùng với việc ở nhà lâu ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tư tưởng của mọi người nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng.
Theo BS Đỗ Văn Thắng (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội), đáng lẽ trẻ nên được đến lớp học tập, giao lưu với bạn bè, tham gia những hoạt động thể thao lành mạnh khi có thời gian rảnh ngoài học tập, thì nay lại phải ở nhà vì dịch COVID-19.
Trẻ đang gặp nguy hiểm
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo trẻ đang gặp nguy hiểm. “Đi học không chết vì bệnh nhưng để trẻ ở nhà quá lâu lại gặp nguy hiểm vì tự kỷ, sức khỏe, trí tuệ sa sút…”, ông Nga nói.
Chuyên gia này khuyên phụ huynh nên có cái nhìn thoáng hơn. Hầu hết đều lo trẻ đi học bị nhiễm bệnh. Hoặc nhiều người lo trẻ mang bệnh về nhà lây lan. Song thực tế việc này rất khó xảy ra vì người lớn hay trẻ nhỏ bây giờ đều đã được tiêm vaccine.
“Đi học không chết vì bệnh nhưng để trẻ ở nhà quá lâu lại gặp nguy hiểm vì tự kỷ, sức khỏe, trí tuệ sa sút…”.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
“Có cha mẹ lo con bị nhiễm bệnh mà không cho đi học, nhưng cũng có bộ phận rất mong con được sớm đến trường. Việc trẻ bị ảnh hưởng tới trí tuệ, sức khỏe kéo dài còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Tiêm vaccine để cho trẻ đi học, vậy mà không cho đi thì tiêm để làm gì”, ông Nga đặt vấn đề.
Đừng nghĩ ở nhà trẻ không bị bệnh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, thông thường trẻ em sẽ mắc COVID-19 sau người lớn và chủ yếu là do người lớn lây qua. Rất ít khi trẻ em lây cho người khác. Thực tế cho thấy khi trẻ mắc bệnh mà người mẹ chăm sóc chỉ mang khẩu trang thôi cũng khó bị lây nhiễm.
Khi trẻ mắc COVID-19, chu kỳ khỏi bệnh chỉ khoảng 3 – 5 – 7 ngày, còn ở người lớn là 5 – 7 – 10 – 14 ngày. Triệu chứng mắc COVID-19 ở trẻ là nóng, ho, sổ mũi, thậm chí không triệu chứng nào.
Thế giới ghi nhận tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp, càng ít tuổi càng khó tử vong. Nếu so sánh với các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng huyết thì rõ ràng COVID-19 ít nguy hiểm với trẻ hơn.
Bác sĩ Khanh nói khả năng lây bệnh ở trẻ thấp hơn và việc lây cho người khác cũng thấp hơn nhiều so với người lớn. Nguyên nhân, người lớn thường xuyên khạc nhổ, trẻ con thì lại có xu hướng nuốt vào. Ngoài ra, việc virus bám dính ở vòm họng của trẻ con rất ít, chủ yếu có trong đường ruột nên thường thải ra qua hệ thống ruột nhiều hơn là văng ra ngoài.
“Phụ huynh đừng nghĩ ở nhà trẻ không bị bệnh. Rõ ràng bây giờ không đi học mà trẻ cũng bệnh. Ở nhà cũng là người lớn ra ngoài mắc bệnh và lây về cho con. Nếu vẽ cung đường của một đứa trẻ đi học có thể thấy là an toàn. Trẻ ở nhà không người trông, bố mẹ mất việc, rồi con đi chơi trong xóm cũng có thể bị lây bệnh”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh bày tỏ sự lo lắng trẻ ở nhà quá lâu có thể ảnh hưởng cả một thế hệ. “Chúng ta hình dung một em bé mới sinh ra đến khoảng 3, 4, 5 tuổi không thể học được cảm xúc của người lớn như làm mặt giận, mặt cười, mặt vui. Nếu không học được thì không thể phát triển được. Cảm xúc đó chỉ có hòa nhập mới có được, hòa nhập tốt nhất ở đây là đến trường học trực tiếp. Tôi lo điều đó chứ không phải lo các cháu không được học các môn văn hóa”, vị bác sĩ nói và đặt vấn đề: Người lớn đã làm mọi cách để hòa nhập, vậy tại sao trẻ em vẫn phải ở nhà?
Video: Trẻ bị ảnh hưởng thế nào khi ở nhà quá lâu?
Trước đây, khi số người tiêm vaccine còn ít, trẻ đi học, mắc bệnh dễ lây cho người lớn. Còn hiện tại ông bà, bố mẹ được tiêm phòng vaccine đầy đủ có thể yên tâm hơn. Đặc biệt, trẻ trong độ tuổi từ 12 - 17 cũng đã được tiêm, tiếp đến đây sẽ là 5 – 11 tuổi. Các địa phương cần mạnh dạn mở cửa trường học theo hướng thích nghi mới.
Để học sinh quay trở lại trường an toàn, bác sĩ khuyên, nên hướng dẫn cho trẻ chơi thành các nhóm nhỏ, không để lớp này sang lớp khác chơi, từ đó dễ dàng kiểm soát, truy vết nếu có ca F0. Hướng dẫn trẻ khi ra chơi, tan học, luôn rửa tay, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Ông cũng cho rằng, các trường không cần xét nghiệm định kỳ nếu như không có biểu hiện hay ca F0 nào. Nhà trường chuẩn bị kỹ kịch bản, thậm chí diễn tập trước khi xuất hiện ca F0 hoặc nghi ngờ F0. Khi có F0 đừng làm các con đi học xáo trộn nhiều quá.