Trên 17.000 trẻ em 7 tuổi sẽ được tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong đợt tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) trên địa bàn tỉnh, dự kiến sẽ có 17.927 trẻ em 7 tuổi được tiêm vắc xin, trong đó có 8.775 trẻ em trong vùng khó khăn.
Cụ thể, tại các huyện: Bắc Hà có 1.785 trẻ; Bảo Thắng 2.510 trẻ, Bát Xát 1.947 trẻ, Bảo Yên 2.011 trẻ, Mường Khương 1.696 trẻ, Sa Pa 1.829 trẻ, Si Ma Cai 973 trẻ, Văn Bàn 2.061 trẻ và thành phố Lào Cai 3.115 trẻ.
Đợt tiêm bổ sung vắc xin Td sẽ triển khai đồng loạt tại 164/164 xã, phường, thị trấn ngay sau ngày tiêm chủng thường xuyên tháng 12/2019. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiếp nhận 16.600 liều vắc xin, bảo quản và cung ứng đến các địa phương.
Đối tượng là tất cả học sinh đang học lớp 2, năm học 2019 - 2020; trẻ không đi học (tại cộng đồng) sinh từ 1/1/2012 - 31/12/2012. Đặc biệt, không tiêm vắc xin Td cho trẻ đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước ngày tiêm.
Việc tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu giảm liều nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ em 7 tuổi, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu và uốn ván tại các vùng có nguy cơ cao. Mục tiêu là 90% trẻ 7 tuổi tại các địa phương triển khai được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin; đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng.
Từ năm 2014 đến nay, trên cả nước tiếp tục ghi nhận các ổ dịch bạch hầu tại một số địa phương. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để chủ động phòng bệnh bạch hầu, uốn ván hiệu quả, các quốc gia cần tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, lúc 12 - 23 tháng tiêm mũi 4, lúc 4 - 7 tuổi tiêm mũi 5 và 9 - 15 tuổi tiêm mũi 6. Nên triển khai vắc xin phối hợp uốn ván và bạch hầu giảm liều thay vì dùng vắc xin bạch hầu đơn giá để phòng đồng thời hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.