Trên bến sông xuân
Mặt sông phẳng như gương, phả khói. Hơi lạnh cuốn lên rồi bung ra loang lên ngọn cây. Ánh trăng mỏng manh và trong suốt chuẩn bị tan biến nhường chỗ cho bình minh. Yên lặng thở sâu và khuấy tay xuống nước sẽ thấy có chút gì như hơi ấm ẩn sau vẻ lạnh lẽo. Mùa xuân dường như đã âm thầm đến dưới đáy sông hoặc trên mây cao thì phải.
Ông già khoác tấm chăn chiên cũ lên người, ngồi trên mui thuyền châm lửa và khe khẽ huýt sáo. Lâu lắm rồi, lòng ông lại tươi vui như hôm nay. Có lẽ đây là lần cuối cùng ông đón bình minh trên con thuyền này. Xóm Chài và ông sẽ có một cuộc đời mới. Trước Tết chừng nửa tháng, người xóm Chài sẽ được Nhà nước chuyển cho lên đất liền, ở ven một quả đồi nhỏ, cạnh cánh đồng cuối xã. Mấy chục năm, xóm Chài với mười bảy gia đình lênh đênh sông nước, mưu sinh và ăn ngủ trên thuyền.
Trẻ con được gửi học trên đất liền song có nhà mải kiếm tiền, con cái nghỉ học sớm đi thả lưới hoặc bốc hàng thuê cho chợ rau trên sông. Không phải là không có chỗ trên đất liền để ở mà do tập tính làm ăn buôn bán trên sông, chu du đây đó đã ăn sâu vào những con người trong xóm. Ông già đưa hai bàn tay lên trán, nheo mắt nhìn phía chân trời. Đám mây đầu tiên đã ửng hồng. Đã nghe có tiếng nói cười xi xao cuối bến sông. Chợ cá bắt đầu họp. Tiếng một người đàn ông trung niên gọi toáng lên, xé tan sương sớm:
- Ông Được ơi, ông nhớ là lát nữa có khách đấy nhé.
- Nhớ rồi, mà khách nào chịu đến cái thuyền nan của ta vậy?
- Khách quý ông ơi, sau còn mời ông ra Ủy ban xã nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng nữa mà.
- Ờ, để ta tính…
- Tính gì nữa, ông có trà ngon thì pha đi nhé...
Chú Tín - một cựu chiến binh, bí thư chi bộ luôn là người nhiệt tình, tận tâm đã đạp xe qua nhắc thế. Ông già bắc bếp đun nước, nhìn lửa cháy bập bùng, lòng ông lại khơi lên điệp trùng ký ức mờ xa. Nó như mặt gương bị bụi phủ theo năm tháng, giờ được bàn tay ai đó miết lên. Mọi sự việc dần hiện ra. Con sông này nhắc ông nhớ đến cái bến sông Bạch Xà ở quê nhà thuở nhỏ. Cha ông đã nằm lại nơi ấy. Vì duyên nợ mà ông neo lại xóm Chài này. Một sớm mùa xuân, ông theo thuyền vôi ngược dòng lên mạn trung du, giữa bát ngát hoa đào ven bờ, ông thấy cô gái trẻ mặc áo tứ thân hát quan họ ngay bên bến nước. Tiếng hát miên man dẫn dụ ông về một cõi đầy huyền hoặc.
Ông như thấy cỏ cây, hoa lá, tiếng mưa rơi, tiếng mẹ ru, tiếng chèo thuyền... hòa quyện trong giai điệu da diết không dễ dứt. Ông dừng thuyền lắng nghe. Sau nhiều ngày tìm kiếm, ông đã gặp được và quen cô gái ấy. Một người con gái sống trên thuyền, bố mẹ làm nghề chài lưới. Chỉ có những ngày xuân nhàn rỗi, thuyền còn neo bến nghỉ, cô gái mới có cơ hội lên bờ ca hát, tham gia đám hội trong mấy xóm đất liền. Tình yêu đến, ông cưới cô gái trong vườn đào rồi bằng lòng rời quê lên xóm Chài ở rể.
Đã mấy chục năm trôi qua, con cháu đầy đàn, chật mấy cái thuyền song tính ra chưa có miếng đất nào cất được cái nhà. Ngủ mơ chắc ông cũng không nghĩ ông và vợ con cháu chắt được nhận 3 căn nhà rộng rãi, có vườn có ao ven núi. Nghĩ cũng lạ, thời gian như thôi miên ông vượt hết dốc này dốc khác của cuộc đời, mà chưa nghĩ ra sẽ lên bờ để an cư, cũng bởi không muốn rời xa nghề chài lưới và buôn bán vôi cát theo các dòng sông.
Khách đến tìm ông lão là hai anh chị nhà báo, muốn phỏng vấn khi ông sắp nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ông cười mời họ thưởng trà, cùng ngắm mặt sông lấp lóa nắng. Loa phát thanh trên bờ đang réo rắt hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng…”
- Nào, mời các cháu uống nước, nếu trả lời thì ta cũng trả lời như lời bài hát kia. Không vội, cứ hết tuần trà này đã.
Hai vị khách lạ tỏ ra ngạc nhiên khi nhân vật trong phóng sự của mình không trả lời, chỉ mời uống nước và nói vẻ bí hiểm.
- Bến thuyền này có tên không ông?
- Người ta gọi xóm Chài, bến Lưới. Quê tôi cũng có một bến sông, lau sậy mọc kín hai bên rậm rạp lắm. Ở bãi bồi có một gò đất cao gọi là bãi Bạch Xà. Hồi những năm 1944 - 1945, dân làng đồn rằng, vào mỗi dịp mươi ngày cuối tháng, có con rắn trắng khổng lồ theo lệnh Hà bá lên trần gian bắt người cúng nạp thần sông. Câu chuyện tưởng như hoang đường nhưng dân làng hai bên bờ sông đều đóng cửa từ sớm, không ra ngoài bãi sông. Cha tôi làm nghề chở đò, ông bạo lắm, chẳng kiêng dè ngày tháng, vào những tối người ta ở nhà tắt đèn đóng của thì ông đội nón lá, mặc áo tơi đi ra sông.
Gần sáng cha trở về, lặng lẽ vào buồng cất đặt gói ghém gì đó rồi mới đi ngủ. Cả làng cho là cha tôi bị tâm thần hoặc bét ra cũng thuộc dạng “ma quỷ” nên mới neo đò vào bến, đắp lau sậy ngủ đêm. Lần nào cha về tôi cũng hỏi về con bạch xà, cha hùng hồn kể, nó to bằng nửa gian nhà, dài mấy trăm mét nhao lên từ sông đớp người rồi lặn mất. Ai chỉ cần hé cửa nó đã ngửi thấy. Cha tôi thoát vì có một loài hoa cỏ đặc biệt đeo bên người, khiến nó không đánh hơi thấy mùi con người. Tôi và mọi người càng sợ.
Có lần, hoa cải nở vàng rực bến sông, cha tôi vui vẻ dắt tôi ra chỉ về phía chân trời xa lắc bảo: “Ông Cụ đi rồi, an toàn rồi, nắm hạt cải Ông Cụ cho gieo đã nở hoa rồi”. Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cả quê tôi rợp màu cờ đỏ. Hóa ra căn buồng của bố mẹ tôi là nơi mẹ may cờ Tổ quốc rồi chuyển đi. Người làng lúc ấy mới vỡ lẽ, chẳng có con rắn trắng nào cả, vào những ngày ấy, cha tôi lái đò chở Ông Cụ quần nâu áo vá và một số ông bà khác qua sông.
Ông Cụ là lãnh tụ, những ông bà khác cũng là cán bộ, đảng viên hoạt động bí mật. Cha tôi từ một người đi ở đợ, làm lái đò thành anh du kích, các anh chị em tôi được đi học. Gia đình tôi là gia đình có công với cách mạng. Chỉ có tôi phải lòng chị Hai quan họ mà rời quê thôi, các em tôi đều thành đạt cả. Cha tôi đã đổi tên cho tôi từ Bản thành Được. Bãi sông xưa gọi là Bạch Xà sau đó gọi là bãi Ông Nhân, tên cha tôi….Vậy là được quá phải không?
- Ông hay về thăm quê không ạ?
- Trước tôi ít về, giờ thì hay về, chẳng còn nhận ra cảnh cũ người xưa mấy nữa, giờ đâu cũng tiện lợi, hiện đại như thành phố
- Lên bờ, gia đình ông có vui không?
- Vui không ngủ được. Dù cũng hơi bùi ngùi vì xa sông nước song lên bờ, tôi sẽ bán thuyền mua xe ô tô để con cái làm ăn, vợ chồng tôi vui tuổi già với ao vườn, các cháu chắt đi học yên tâm hơn. Đời tôi vậy không mơ gì nữa.
Chú Tín đến, không khí ồn ào hẳn: - Ôi ông già ơi, ông không mặc quần áo đẹp vào tý nữa ra xã à? Mùi trà Thái thơm quá. Bà hoa hậu của ông đâu rồi?
- Bà ấy đi chợ, về bây giờ. Anh uống nước và tiếp chuyện anh chị khách nhé, tôi đi chuẩn bị tư trang.
Hai vị khách trẻ mở đoạn ghi âm nghe lại, gật gù. Ông lão thế mà ý nhị, nói ít hiểu nhiều.
Có tiếng bước chân rất nhẹ lên thuyền, một bà lão chừng ngoài 70 tóc bạc như cước, diện mạo sáng ngời cười chào khách. Chao ơi, nhan sắc này hồi trẻ thì bảo sao ông già Được không lưu lại nơi này - chị phóng viên thầm nghĩ. Chú Tín đề nghị ông lão kéo một khúc đàn nhị để bà lão vợ ông hát quan họ “Ngồi tựa mạn thuyền” đãi khách. Vợ chồng ông lão vui vẻ nhận lời. Ông mặc bộ quân phục còn mới, đeo huân, huy chương trên ngực. Hai vị khách trố mắt.
Ông cười rất hiền: Thì Bộ đội Cụ Hồ khi về làm dân thì là ông đánh cá thôi. Bà lão vận áo tứ thân nón ba tầm đứng cạnh ông cất tiếng vang cả mặt sông “Ngồi rằng là ngồi tựa í ơi… có mấy a.. ới a… thuyền là ngồi tựa ới … mạn thuyền”… Tiếng hát da diết như bện, như quấn lấy người nghe. Hai vị khách trẻ mắt sáng lên ngỡ ngàng và mất một lúc mới nghĩ ra quay video lại. Ông lão vừa kéo nhị vừa nhìn ra mặt sông. Lúc này mây trắng bay qua đầu, bãi sông ven bờ ngô đang mùa thu bắp. Có một khoảng mênh mông rực vàng rung rinh bướm trắng.
Hoa cải đúng là thứ làm người ta nhớ nhung những gì thuộc về bờ bãi ven sông. Ông lão thấy lại vườn hoa đào thuở ấy. Những cánh hoa phớt hồng, mỏng tang rơi như mưa đậu trên tóc cô gái lạ. Cô gái ấy mặc áo tứ thân mớ ba mớ bảy vừa hát quan họ vừa xoay theo những cánh hoa rơi. Chàng trai vừa đi thuyền đến đã ngẩn ra ngắm nhìn, nghe hát say mê. Giây phút chạm mặt cô gái, chàng trai đã thấy lòng mình neo lại nơi này. Tìm gặp, đến chơi, thành tri kỷ, thành vợ chồng và ông đã có một cuộc đời hạnh phúc, dù đạm bạc.
Con thuyền dập dềnh theo sóng nước. Mặt sông như chao lên. Khuôn mặt vợ chồng ông lão như tỏa ra thứ ánh sáng bình dị mà đẹp đẽ lạ thường. Nghe trong lời hát, mùa xuân đã thực sự về trên bến sông này.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tren-ben-song-xuan-postid410356.bbg