Trên cánh đồng lúa chất lượng Tây Hòa

Cánh đồng lúa xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa). Ảnh: VIÊN THÙY

Vụ hè thu này, huyện Tây Hòa triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng, giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên diện tích 30ha tại xã Hòa Phú, Hòa Mỹ Đông. Hiện lúa đang giai đoạn làm đòng, phát triển sung sức, nông dân vui mừng.

Cây to, đẻ nhánh nhiều

Tại xã Hòa Phú, mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng được triển khai trên diện tích 15ha, sạ 5kg/sào, giống lúa chất lượng TBR225. Nông dân Bùi Văn Dũng ở xã Hòa Phú cho hay: Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng, chúng tôi rất e ngại bởi chưa rõ năng suất, chất lượng giống thế nào. Tuy nhiên khi sạ giai đoạn mạ đến nay, lúa phát triển sung sức, cây to, đẻ nhánh nhiều, ai nấy đều vui mừng.

Trên cánh đồng xã Hòa Phú, thời gian qua nông dân vừa chăm sóc lúa vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bà Huỳnh Thị Cúc tham gia mô hình cho hay: Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cách đây gần 1 tháng lúa đang thời kỳ mạ. Gần đây trong xóm vần công qua lại đi thăm đồng, đắp đất trổ ruộng, vãi phân, lấy nước giúp nhau. Cũng theo bà Cúc, lúa đang được bón phân đợt cuối, nông dân chỉ thăm đồng đắp mậu, giữ nước để lúa trổ. Nhìn cánh đồng lúa xanh trải dài, cây cao to, ai cũng trầm trồ.

Còn trên cánh đồng xã Hòa Mỹ Đông, ông Phan Văn Phú lần đầu tiên sạ giống lúa chất lượng TBR225, cho rằng: Tôi thấy giống lúa này thích ứng rộng, cây lúa sinh trưởng rất khỏe, khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh khá tốt nên ít tốn công chăm sóc. Tham gia mô hình, tôi được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa. Từ đầu vụ đến nay, cán bộ nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn nông dân gieo sạ, bón phân. Sản xuất lúa chất lượng, sạ thưa, ít ăn phân.

Theo ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ Hòa Phú, từ khi triển khai mô hình, HTX trực tiếp cùng nông dân trên đồng ruộng để hướng dẫn, giám sát, nhắc nhở thực hiện nghiêm túc tất cả các khâu sản xuất lúa. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân theo dõi, quản lý dịch hại, ghi chép tình hình sử dụng phân bón, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa cho biết, vụ hè thu 2021, trạm khuyến nông huyện triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng, giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên diện tích 30ha, với 114 hộ dân tham gia. Mô hình này sử dụng giống lúa chất lượng TBR225, gieo sạ 5kg/sào. Hiện nay, lúa đang giai đoạn làm đòng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại.

Giảm tác hại môi trường đồng ruộng

Sản xuất lúa chất lượng, giảm lượng giống gieo sạ, điều này dẫn đến ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, áp dụng các quy trình IPM (chương trình quản lý dịch hại tổng hợp) vào sản xuất, ngoài môi trường của đồng ruộng được bảo vệ tốt hơn, người nông dân còn được hưởng lợi về sức khỏe, về hiệu quả kinh tế do ruộng vườn mang lại.

Ông Trần Văn Trọng ở xã Hòa Mỹ Đông cho hay, tham gia mô hình thông qua lớp tập huấn, tôi mới nắm vững kỹ thuật. Khi ruộng sạ thưa thì không chỉ giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mà còn không ảnh hưởng đến sức khỏe vì nông dân không phải mang bình phun thuốc trên vai để lại độc hại.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Hòa Mỹ Đông kể: Trước đây, đồng ruộng còn rất nhiều cua, ốc, cá, ếch. Nhà hết thức ăn, tối mang đó ra bờ mương hứng là sáng tôi thu được nhiều cá. Còn ếch nhái, tôi soi mỗi đêm khoảng vài tiếng đồng hồ là bắt được vài ký. Về sau này, do sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trong canh tác lúa nên đồng ruộng vắng hẳn các loại trên. Rồi gần đây, được tập huấn các kiến thức mới trong sản xuất lúa chất lượng, đa phần nông dân đã thay đổi thói quen, nên trên đồng ruộng, dưới mương nước, môi trường đã ổn trở lại.

Theo ông Cao Xuân Đệ, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông, sản xuất lúa chất lượng, áp dụng quy trình IPM, môi trường đồng ruộng được bảo vệ tốt hơn, cả sức khỏe nông dân trực tiếp sản xuất cũng không còn bị ảnh hưởng bởi sự độc hại từ các loại thuốc trừ sâu. Qua tham gia hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất giống lúa chất lượng tại xã Hòa Mỹ Tây, ông Đệ khẳng định rằng, mã lúa vụ này ở xã Hòa Mỹ Đông cũng tương đương với Hòa Mỹ Tây.

Trước đó, vụ đông xuân 2020-2021, huyện Tây Hòa triển khai mô hình sản xuất giống lúa chất lượng tại xã Hòa Mỹ Tây, trên diện tích 3,7ha, gieo sạ 5kg/sào, với 23 hộ nông dân tham gia. Trong quá trình sinh trưởng, giống lúa TBR225 đẻ nhánh khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, nhẹ phân, dễ chăm sóc, năng suất đạt trên 79,3 tạ/ha.

Ông Phùng Văn Tuấn, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông cho hay: Áp dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng, nông dân giảm được rất nhiều chi phí đầu tư nhờ giảm lượng lúa giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật; công chăm sóc, nước tưới cũng giảm; năng suất lúa lại tăng nên bà con có lợi nhuận cao hơn lúa đối chứng sản xuất đại trà.

Vụ hè thu, nông dân huyện Tây Hòa gieo sạ 6.523ha, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. So với trồng lúa bằng kinh nghiệm truyền thống thì sản xuất lúa chất lượng áp dụng phương pháp IPM giúp nông dân giảm được 40% lượng lúa giống, 25-30% lượng nước tưới; hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc; lợi nhuận tăng từ 25-35% . Vì đây là mô hình khuyến nông nên ngành Nông nghiệp nhân rộng ra nhiều địa phương nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe. Nhiều năm qua, cánh đồng các xã của huyện Tây Hòa sản xuất lúa chất lượng mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Ông Đào Văn Roa, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/261797/tren-canh-dong-lua-chat-luong-tay-hoa.html