Trên công trường những cây cầu huyết mạch

Những ngày này, dù màn đêm buông xuống, trên các công trường thi công xây mới đơn nguyên cầu Cẩm Lý, cầu vượt đường sắt thuộc tuyến đường sắt Kép - Hạ Long (Lục Nam) và cầu Xương Giang, đường dẫn hai đầu cầu bắc qua sông Thương trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (thành phố Bắc Giang) vẫn có hàng trăm kỹ sư, công nhân hăng say làm việc, phấn đấu đưa các công trình về đích đúng hạn trong năm nay.

Chạy đua với thời gian

Theo triền đê sông Lục Nam, chúng tôi đến công trường xây dựng mới đơn nguyên cầu Cẩm Lý và cầu vượt đường sắt trên tuyến đường sắt Kép - Hạ Long (gọi tắt là cầu Cẩm Lý) lúc trời đã nhá nhem tối. Các phương tiện lưu thông trên đường đã bật đèn. Thế nhưng giữa bóng tối của vùng sông nước, các kỹ sư, công nhân vẫn hối hả tăng ca.

 Công nhân làm ca đêm trên công trình xây mới đơn nguyên cầu Cẩm Lý.

Công nhân làm ca đêm trên công trình xây mới đơn nguyên cầu Cẩm Lý.

Thời điểm này, các nhà thầu bố trí gần 70 kỹ sư, công nhân và huy động nhiều phương tiện, máy móc, chia làm 3 mũi thi công cầu và đường dẫn 3 ca/ngày. Hàng loạt phương tiện như máy cẩu, máy ủi, máy lu, ô tô đổ bê tông, xà lan chở vật liệu trên sông hoạt động liên tục. Trên công trường không có đèn cao áp, công nhân làm việc dưới ánh đèn của máy ủi, máy lu. Ngay sát mép bờ sông, nhiều công nhân miệt mài hàn xì từng mối nối thép làm trụ cầu. Kế bên, một số kỹ sư đang chỉ đạo tổ kỹ thuật vận hành các giàn khoan mố cầu đưa xuống lòng sông. Anh Nguyễn Văn Long, phụ trách tổ hàn thép cho biết: “Việc hàn thép trụ cầu đòi hỏi độ chính xác cao nên tôi tính toán cắt từng thanh thép đúng chiều dài theo thiết kế, bảo đảm mối hàn chắc chắn, không để xảy ra sai sót. Quá trình hàn khung trụ cầu được chú trọng, cẩn thận với từng mối nối".

Công trình xây mới đơn nguyên cầu Cẩm Lý khởi công đầu năm nay do Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư; tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách trung ương. Điểm đầu của công trình giao với quốc lộ 37 tại địa phận xã Cẩm Lý, điểm cuối thuộc địa phận xã Bắc Lũng (cùng huyện Lục Nam). Tổng chiều dài tuyến khoảng 3.267 m. Quy mô đầu tư xây dựng gồm có đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, nền đường rộng 12 m; xây mới đơn nguyên cầu đường bộ Cẩm Lý dài hơn 631 m (song song với cầu Cẩm Lý hiện tại) dành riêng cho giao thông đường bộ và cầu vượt đường sắt dài gần 288 m, rộng 12 m.

Công trình xây mới đơn nguyên cầu Cẩm Lý sẽ tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cầu Xương Giang khi đưa vào sử dụng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, đẩy mạnh giao thương, kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc Bộ.

Tại công trình xây mới đơn nguyên cầu Xương Giang, đường dẫn hai đầu cầu bắc qua sông Thương trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (gọi tắt là cầu Xương Giang) hiện có khoảng 80 công nhân đang làm việc 3 ca/ngày với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa”. Vào 21 giờ 30 phút nhưng trên công trường vẫn sáng đèn. Xe ô tô vận chuyển vật liệu xây dựng, máy khoan cọc nhồi, máy cẩu hoạt động nhịp nhàng. Ở hai phía đường dẫn lên cầu, hàng chục công nhân và máy ủi đang tập trung xử lý nền đất yếu. Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng công trình, hiện nhà thầu bố trí 4 mũi thi công, trong đó có 3 mũi thi công đường, mũi còn lại thi công cầu. Công nhân bắt đầu làm ca đêm từ 18 giờ hôm trước đến 2 giờ hôm sau. Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này.

Công trình xây mới đơn nguyên cầu Xương Giang có tổng kinh phí đầu tư hơn 170 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Ban Quản lý dự án Đường sắt là chủ đầu tư, thuộc dự án nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 ở một số tỉnh. Công trình có điểm đầu thuộc địa phận phường Trần Phú, điểm cuối thuộc địa phận phường Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang). Tổng chiều dài gần 1 km, trong đó phần cầu dài hơn 301 m, còn lại là đường dẫn. Cầu xây mới một đơn nguyên, chiều rộng 16,5 m, gồm 3 làn xe cơ giới. Phần đường hai đầu cầu có nền rộng 33 m gồm 4 làn xe cơ giới. Đến nay, công trình này hoàn thành 20% khối lượng.

Quyết tâm hoàn thành đúng hạn

Theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án đường sắt phấn đấu cơ bản hoàn thành hai công trình trên vào cuối năm nay. Các cây cầu sẽ mở ra không gian phát triển mới, tăng tính kết nối vùng và nhiều công trình giao thông khác. Cụ thể, công trình xây mới đơn nguyên cầu Cẩm Lý sẽ tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cầu Xương Giang khi đưa vào sử dụng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực này, đẩy mạnh giao thương, kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc Bộ.

 Thi công đơn nguyên cầu Xương Giang và đường dẫn hai đầu cầu.

Thi công đơn nguyên cầu Xương Giang và đường dẫn hai đầu cầu.

Xác định rõ tầm quan trọng đó, ngay sau khi khởi công, Ban Quản lý dự án Đường sắt tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện làm việc 3 ca/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Đồng thời xây dựng kế hoạch thi công theo từng tuần, bám sát tiến độ chung của dự án.

Ông Mai Xuân Tân, Giám đốc quản lý một số dự án cầu, hầm trên quốc lộ 1 cho biết: “Việc thi công cầu ban ngày đã vất vả nhưng làm đêm còn vất vả hơn vì phải thực hiện nhiều hạng mục trên cao hoặc dưới lòng sông, hạn chế tầm nhìn. Mặc dù điều kiện thi công khó khăn nhưng chúng tôi vẫn luôn giám sát rất chặt chẽ, yêu cầu nhà thầu thi công các hạng mục đúng kỹ thuật, chất lượng, phấn đấu hoàn thành trước khi mùa mưa bão đến (trước tháng 6). Lãnh đạo Ban cũng thường xuyên kiểm tra thực tế tại các công trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng nhà thầu".

Được biết, hầu hết công nhân làm việc tại hai công trình quê ở các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nên ăn, nghỉ tại công trường. Để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cũng như sức khỏe cho công nhân, nhà thầu bố trí lán trại với nhiều vật dụng cần thiết. Lao động làm ca đêm, ngoài được trả tiền công theo quy định còn được hỗ trợ ăn tối, ăn nhẹ giữa ca. Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân thi công cầu Xương Giang chia sẻ, làm ca tối tuy vất vả nhưng đổi lại thu nhập cao hơn ca ngày. Mỗi tháng, anh em công nhân có thu nhập từ 10-14 triệu đồng/người, bảo đảm ổn định cuộc sống.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tren-cong-truong-nhung-cay-cau-huyet-mach-postid416965.bbg