Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải
'Đến giờ tôi vẫn tự hào mình là người ngành điện, để được sống, làm việc và cống hiến cho hành trình gìn giữ nguồn điện trên khắp chiều dài đất nước. Cái duyên với đường dây 500kV và những kỷ niệm về nó sẽ theo tôi suốt đời', ông Trần Khương Tâm - cán bộ Điện lực Thừa Thiên - Huế, chia sẻ.
Cơ duyên
Từ lâu, đường dây điện cao thế đã trở thành một biểu tượng về sự phát triển của đất nước. Những cột điện khổng lồ, cao vút, in lên nền trời, kéo đường dây chạy dài tít tắp, đem ánh sáng văn minh tới các đô thị lớn, về tận những bản làng xa xôi của Tổ quốc. Ít ai hiểu rằng, phía sau nguồn sáng ấy là sự nguy hiểm, khó khăn, gian khổ của những người làm nghề truyền tải điện.
Bất kể ngày đêm, cứ đến hẹn là người thợ lại khăn gói, bắt đầu hành trình dọc tuyến đường dây, dù trên đỉnh núi cao hay giữa rừng sâu.
31 năm gắn bó với công việc duy tu, bảo dưỡng và vận hành đường dây siêu cao áp 500kV mạch 1 và mạch 2, ông Trần Khương Tâm (SN 1970, quê huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) - công nhân Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế nói bản thân mang cái duyên với những đường dây siêu cao áp. Lúc này đây, trước lúc về nghỉ hưu, ông lại tiếp tục được giao trọng trách và nhiệm vụ với đường dây 500kV mạch 3.
Ông Tâm là một trong 33 kỹ sư, công nhân tinh nhuệ, tiên phong với đầy đủ chuyên môn, kinh nghiệm được Điện lực Thừa Thiên - Huế biệt phái ra Hà Tĩnh hỗ trợ lắp dựng cột điện thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Núi.
Ông Tâm kể, bao nhiêu năm gắn bó với ngành điện là bấy nhiêu năm ông cùng đồng nghiệp theo sát đường dây, từng nhánh cột trên suốt chiều dài được giao quản lý của đơn vị. Bên cạnh đó, việc kiểm tra tình trạng các cột và sự vận hành của tuyến được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện hoạt động xuyên suốt.
“Đặc thù đường điện cao thế, cột điện dựng không bám đường bộ mà cứ chạy thẳng tắp, băng qua rừng, vượt sông hồ nên việc tiếp cận hết sức vất vả, khó khăn. Có trụ điện ngự trên đỉnh núi, phải đi bộ cả ngày mới tới được.
Khi sửa chữa đường dây, thợ điện cheo leo như những “người nhện”, treo mình giữa không trung cả ngày, làm sao không để đoạn cáp nào sờn, có nguy cơ đứt hay bất cứ sự cố nào”, ông Tâm nói.
Nhớ lại những ngày leo núi, ngủ rừng, “mưa dầm, cơm vắt”, người đàn ông 54 tuổi không giấu nổi cảm xúc. Những năm 1993-1994, khi đường dây 500kV mạch 1 hoàn thành, truyền tải điện Thừa Thiên - Huế giám sát, vận hành và quản lý hàng trăm km từ Phò Trạch (huyện Phong Điền) đến đỉnh đèo Hải Vân (huyện Phú Lộc).
Sau đó ít năm, đường dây siêu cao áp mạch 2 được đưa vào sử dụng, công việc của những người truyền tải như ông Tâm lại trở nên nặng nề hơn. Ít nhất mỗi tháng một lần, ông Tâm cùng 26 con người thuộc đội D2 của Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế lại chia thành nhiều cụm (mỗi cụm 2-3 người) xuyên rừng, băng qua đèo dốc để xem từng móng cột điện, từng đoạn dây có nguy cơ mất an toàn.
Khó khăn nhất là vào mùa mưa, thiên tai, lũ lụt làm xói móng cột, những người bảo vệ đường dây vẫn lặng lẽ băng rừng, lội suối, vật lộn ngày đêm để xử lý sự cố kịp thời. Trong tâm thức họ luôn hiện hữu quyết tâm giữ “mạch máu quốc gia” không bao giờ ngắt quãng.
Trong lần thứ 3 được điều động là đội tiên phong hỗ trợ lắp đặt đường dây 500kV tại Hà Tĩnh, ông Tâm cho biết, ngày nay việc dựng cột, kéo dây hay kiểm tra sự cố đều được sự hỗ trợ rất nhiều từ máy móc, công nghệ song nhớ những ngày đầu những đường dây siêu cao áp được dựng lên dọc những quả đồi cao, ông vẫn luôn tự hào vì bản thân đã trải qua những ngày đó.
Nhưng, dù ở thời điểm nào, với ông được sống, làm việc và cống hiến cho hành trình gìn giữ ánh sáng trên khắp chiều dài đất nước là điều may mắn nhất.
“Không chỉ là cái duyên, đường dây 500kV như một ân tình đặc biệt”, ông Trần Khương Tâm tâm tình.
Do đặc thù quản lý những đường dây truyền tải cao áp và siêu cao áp cấp điện cho cả một vùng rộng lớn nên việc hành quân, sửa chữa không chỉ ban ngày mà cả vào ban đêm đã thành thói quen của những người như ông Hồ Trọng Ước. Song, dù ở hoàn cảnh nào, thời gian nào thì những “người lính truyền tải” vẫn luôn trang bị cho mình tính kỷ luật cao nhất và sự an toàn lớn nhất.
Không ngại khó
Là một trong những gương mặt tiêu biểu, lành nghề trong đội “biệt phái” dựng lắp đường dây 500kV mạch 3 qua Hà Tĩnh, ông Hồ Trọng Ước (SN 1976, quê huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nói rằng, ngành nào cũng có cái vất vả, nguy hiểm nhưng với người làm ngành điện hay là những người truyền tải thì nhiều người vẫn hay nói đùa là “người nhện”, “người lính không mang súng”.
Hơn 10 năm gắn bó với những trụ điện, đường dây nhưng những lần nghiệm thu đường dây hay khắc phục sự cố do thiên tai gây ra, không khỏi khiến người đàn ông dân tộc Cơ Tu cảm thấy “rợn người”.
Những trụ điện cao áp thường cách nhau 500-700m, mỗi trụ cao 50-80m, có trụ cao cả trăm mét, chót vót giữa không trung. Trên đường dây này lúc nào cũng có hai tầng, để kiểm tra xử lý sự cố, những “người nhện” như ông Ước phải thắt dây an toàn vào cáp điện phía trên và đi bằng chân ở đường dây điện phía dưới.
“Nhiều lần đi giữa đường dây cứ nghĩ mình như đánh võng, chao đảo choáng cả đầu, nhưng khó đến đâu cũng phải làm cho xong mới xuống. Đói, khát hoặc có nhu cầu cá nhân bất ngờ thì chỉ có cách…ráng chịu. Trông vậy thôi chứ từ đỉnh cột cao 50-80m leo xuống đất là mất cả tiếng...”, ông Ước nói.
Ngày nhận nhiệm vụ và di chuyển hơn 300km ra Hà Tĩnh hỗ trợ dựng cột đường dây 500kV mạch 3, ông Ước cho biết, đã quen với những việc điều động đột xuất nên không quá lo lắng. Tuy nhiên, khi được chọn là người tham gia xây dựng công trình quan trọng mang tầm quốc gia, ông rất tự hào và tự hứa sẽ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.
“Trưa nay nhận lệnh điều động, sáng mai đã phải di chuyển nên không kịp về nhà chào vợ và các con. Cũng may ở địa điểm dựng cột sóng điện thoại vẫn có nên tranh thủ gọi về cho người thân yên tâm. Cả chục năm theo nghề nhưng lần này tôi cũng như anh em đồng nghiệp đều rất háo hức, quyết tâm cho một công trình đặc biệt mà bao người muốn cống hiến”, ông Ước nói thêm.