Trên đất Kỳ Tân

Nằm trên lưng chừng hệ thống núi Lai Li Lai Láng huyền thoại, Kỳ Tân là xã vùng cao của huyện miền núi Bá Thước. Nơi đây không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, mà còn là vùng đất cổ với nhiều truyền thuyết, huyền thoại được lưu giữ.

Nằm trên thế đất cao, vùng đất Kỳ Tân với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình.

Nằm trên thế đất cao, vùng đất Kỳ Tân với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình.

Kỳ Tân được núi non bao bọc ba mặt. Phía Tây và Tây Bắc là dãy núi Lai Li Lai Láng đồ sộ với đỉnh cao nhất trên 1.000m so với mực nước biển. Đứng từ đây, thu vào tầm mắt là cả khoảng rộng bao quanh; phía Tây Nam có các dãy núi Pu Sâm, Pu Mặn, Pu Nga... nối tiếp nhau. Từ đây, còn có các đèo như Kéo Lùm, Buốc Côn, Đen Mường... thông sang phía huyện Quan Sơn; nối tiếp về phía Đông là núi Khăn Khu Pu Ché, Pu Kha, có đèo Co Phúng, Pu Pài, Kéo Kháng... thông xuống xã Văn Nho. Và núi Pu Kha như “mở” ra khoảng trời bao la, nhìn ra dòng Mã giang.

Từ Kỳ Tân có suối Bo chảy qua thung lũng Bo - Hiềng, “đổ” xuống làng Cha xã Thiết Kế và suối Kỷ, qua những thung lũng, rồi hang ngầm xuyên núi và “lộ thiên” ra hang cá thần Mường Ký (Văn Nho).

Địa hình cao, núi non bao quanh đã tạo nên một vùng đất Kỳ Tân mùa hè trong lành, mát mẻ song đông đến lại giá lạnh. Cũng bởi địa hình dốc cao, núi đồi bao quanh đã tạo nên cho Kỳ Tân nhiều thung lũng dưới chân đồi - không gian sinh sống, canh tác của người dân địa phương. Trong đó, thung lũng Bo - Hiềng và Pặt Khà, Pa Buốc tương đối bằng phẳng tập trung đông dân cư hơn cả.

Theo sách Địa chí huyện Bá Thước, khi xưa Kỳ Tân thuộc đất cổ Mường Ký rộng lớn (tức xã Văn Nho). Năm 1964, Kỳ Tân được thành lập với ý nghĩa là Mường Ký mới.

Nằm trong không gian vùng đất cổ, Kỳ Tân có con người đến sinh sống từ khá sớm. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường kể rằng, “vua Dịt Dàng đem quân “ngược sông Li chín tháng, ngược ông Láng chín năm” đến núi Lai Li Lai Láng phía sau Mường Ca Da, Ký, Ống chặt cây Chu đá, Bông thau quả thiếc đem về xây kinh kỳ, dựng lên nhà ngang dãy dọc, chín vóng mười gian. Hiện nay cột đá hình gốc cây Chu đang còn tồn tại sừng sững trên đỉnh núi Pù Đền gần với đỉnh cao nhất sau bản Buốc Bo”.

Và không chỉ lưu dấu huyền thoại cây Chu đá trên núi Lai Li Lai Láng, trên đất Kỳ Tân còn có dấu tích người khổng lồ Lung Quan Khà. Và người dân địa phương tin rằng, vùng đất này năm xưa từng in dấu chân Lê Lợi. Núi non Kỳ Tân trong kháng chiến chống Mỹ từng là địa điểm đóng quân của đại đội ra đa phòng không không quân. Kỳ Tân có một người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Ngày nay, trên đất Kỳ Tân, đồng bào dân tộc Thái chiếm đại đa số với nhiều dòng họ: Hà, Vi, Lương, Ngân. Trong đó, họ Hà và họ Vi đông hơn cả. Bên cạnh những tập tục chung, thì mỗi dòng họ ở Kỳ Tân lại có những tập tục kiêng khác nhau. Như họ Lò có tục thờ chim Ú Lo; họ Vi kiêng quạt lửa khi nấu bếp...

Là vùng đất rộng lớn, Kỳ Tân hiện có 6 bản làng, mỗi bản làng ở Kỳ Tân lại chứa đựng những đặc điểm, nét đẹp văn hóa riêng khiến du khách say mê khi tìm hiểu.

Miếu thờ Lê Lợi nằm trên gò Đon Ban.

Nằm ở sườn Đông Nam của dãy núi Lai Li Lai Láng, Bản Hiềng theo tiếng Thái còn được hiểu là bản cây kè là một trong những bản cổ xưa, có người Thái cư ngụ từ rất sớm. Nơi đây từng nổi tiếng là bản có nhiều lúa gạo của vùng Mường Ký xưa kia. Người Thái ở bản Hiềng đến nay còn lưu truyền câu ca đầy tự hào: “Hết lúa Kha Mo mới hết kho nhà nước”, trong đó, Kha Mo thuộc bản Hiềng ngày nay.

Theo truyền thuyết về Thành hoàng làng và lời kể của các vị cao niên bản Hiềng, bản Hiềng thuộc Mường Ký có từ thời ông Lua bà Láng đang còn dùng cây móc làm mai, mảnh đá làm rìu để tạo dựng nhà cửa, khai khẩn ruộng nương. Đến thế kỷ XV, người Thái ở bản Hiềng từng có công cưu mang, nuôi giấu thủ lĩnh Lê Lợi; về sau là các lãnh đạo của phong trào Cần Vương chống Pháp. Bản Hiềng cũng là quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hà Văn Kẹp.

Nằm bên cạnh bản Hiềng là bản Bo Hạ. Nơi đây có miếu thờ Lê Lợi và những truyện kể dân gian lưu truyền. Trong đó, truyện kể dân gian về Nhà thờ thần Đon Ban đến nay còn được người dân nhắc nhớ. Rằng trong những năm tháng chuẩn bị cho khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi thường bí mật liên hệ với các tù trưởng, phú tạo ở khu vực miền núi. Một lần, người con của núi rừng Lam Sơn cải trang thành người đi buôn, dẫn theo vài người qua cánh đồng bản Bo Hạ. Bấy giờ vào giữa trưa, trời nắng nóng, vừa đói vừa mệt thì bỗng gặp được một người bản địa đi cày, đang chuẩn bị ăn trưa tại ruộng. Thấy mấy người khách lạ đói mệt, người đàn ông không ngần ngại đem nắm xôi bên mình cùng bát canh uôi thịt gà nấu cùng măng giang mang ra mời khách. Được ăn ngon, bấy giờ Lê Lợi luôn miệng khen ngon. Về sau, người dân mới biết đó là Bình Định vương Lê Lợi. Vì thế đã đặt tên cho nơi mọi người cùng ngồi ăn năm xưa là gò Đon Ban.

Còn bản Khà trên đất Kỳ Tân lại nổi tiếng với chuyện kể về người khổng lồ Lung Quan Khà có sức khỏe phi thường, mỗi bước chân ông đi in sâu trên đá Băng Hang, tạo thành các hố lớn trên ruộng... Người dân bản Khà đến nay còn kể, rằng ở bản Khà thuở xa xưa, nơi đầu nguồn con suối chảy vào hang cá Băng Hang có chàng trai nhà nghèo tên Lung Quan Khà sức khỏe phi thường, bản tính chịu thương chịu khó được dân làng quý mến. Một lần Lung Quan Khà đi chăn trâu trên núi Pù Đền, từ trên núi nhìn xuống thấy đàn trâu đang ăn lúa dưới cánh đồng. Tiện tay chàng nhặt hòn đá ném xuống nhằm xua đàn trâu khỏi ăn lúa của dân, nào ngờ hòn đá ném trúng khiến đàn trâu nằm bẹp xuống dưới. Hòn đá ấy to như cái nhà sàn lớn, nằm giữa cánh đồng Buốc Bo, người dân địa phương vẫn thường gọi là đá Lung Quan Khà.

Về sau, người khổng lồ Lung Quan Khà đã đem sức mình giúp vua đánh giặc, lập nhiều chiến công. Hòa bình lập lại, ông trở về quê nhà, khi người dân trồng lúa, trồng khoai thì ông trồng cây si, cây đa thành một rừng cây cổ thụ ở Pu Nga. Từ đây, có dòng suối trong vắt chảy qua, được đặt tên núi Ham Hung. Hằng ngày, ông vẫn thường đi lại từ bản Khà sang núi rừng cổ thụ Pu Nga. Người dân địa phương tin rằng, núi rừng Pu Nga rất thiêng, ai vào đó đều cầu khấn Lung Quan Khà giúp đỡ, cũng không ai chặt cây ở núi này...

Ông Hà Văn Mầu, công chức Văn hóa xã hội xã Kỳ Tân, cho biết thêm: Một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái ở Kỳ Tân đến nay còn giữ gìn là lễ tục cầu mưa vào tháng 3 âm lịch gửi gắm ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống no đủ.

Lên đất Kỳ Tân, giữa núi non hùng vĩ, không gian cảnh quan yên bình, thiên nhiên diễm tình, con người mến khách và đắm mình trong những chuyện kể lưu truyền ở mỗi bản làng, ta cảm giác như đang “lạc” vào vùng đất của huyền thoại.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Địa chí huyện Bá Thước và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tren-dat-ky-tan-32675.htm