Trên đất mường Khoòng
Là một trong những mường cổ có con người đến sinh sống từ khá sớm, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Thái, vùng đất mường Khoòng (Bá Thước) với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những giá trị văn hóa đặc sắc được lưu giữ đang là điểm đến hút khách du lịch hấp dẫn bậc nhất miền Tây xứ Thanh.
Cách TP Thanh Hóa hơn 100km, mường Khoòng là một mường lớn thuộc địa bàn huyện miền núi Bá Thước, bao gồm nhiều xã như Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Lâm, Thành Sơn. Theo lý giải của người dân địa phương, tên gọi mường Khoòng có nghĩa là mường có nhiều của cải.
“Thung lũng thấp nằm dọc theo suối Nủa, suối Khanh, suối Ngài, tạo thành cánh cung giương về phía Tây ôm lấy khối núi đá vôi khổng lồ Pha Háng. Khu vực ba con suối Nủa, Khanh, Ngài gộp lại, thung lũng mở rộng thành bản xóm, đồng ruộng của trung tâm mường Khoòng… quê hương lâu đời của người Thái” (sách Địa chí huyện Bá Thước). Và Cổ Lũng được xem là trung tâm của đất mường Khoòng xưa.
Cổ Lũng còn được gọi là Cổ Lộng, “Lộng” là thung lũng đẹp, khép kín. Hai chữ Cổ Lộng có nghĩa là thung lũng gốc, quê hương cổ xưa. Cũng theo sách Địa chí huyện Bá Thước, từ thời Trần - Hồ, Cổ Lũng có tên Kềnh Lộng với dấu tích trận đánh Kềnh Lộng của nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh xâm lược được nhắc đến trong sách Lam Sơn thực lục. Đến thời Nguyễn, động Cổ Lũng được đổi tên thành Hữu Lũng, rồi tổng Cổ Lũng.
Ở thung lũng Cổ Lũng, ngoài ba con suối Nủa, Khanh, Ngài có lưu lượng nước lớn nhất mường Khoòng, thì còn có suối Hiêu, suối Tến với độ dốc lớn… Các khe suối tại đây tạo ra nguồn nước lớn phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt của người dân bản mường. Cũng nhờ những dải đất thấp màu mỡ, thuận lợi tưới tiêu, nên Cổ Lũng khi xưa được xem là kho lúa của mường Khoòng. Trong đó, đặc biệt là lúa nếp ruộng Nồng Ban thơm dẻo nức tiếng.
Mường Khoòng rộng lớn, có nhiều bản làng, mỗi bản làng lại gắn liền với những chuyện kể, truyền thuyết hấp dẫn.
Như chuyện về bản Ấm. Khi xưa vùng đất này còn là thung lũng hoang vu. Ông tổ của họ Lò là người đầu tiên đến đây. Trong quá trình khai phá núi rừng hoang sơ, ông đã tìm thấy mó nước trong mát về mùa hè và đến mùa đông nước phun ra lại ấm áp. Tin rằng đây là nơi đất tốt để gây dựng cơ nghiệp lâu dài, ông đã đặt tên là bản Ấm.
Khác với bản Ấm, bản Hiêu nằm trên lưng chừng núi đá Phà Hé với cảnh quan tươi đẹp, hữu tình. Nước từ trong núi đá Phà Hé chảy ra với độ dốc cao đã tạo nên thác Hiêu đẹp lung linh. Nói về tên gọi bản Hiêu, già làng trong bản vẫn kể cho con cháu nghe chuyện: Khi xưa, có chàng trai nọ, vì gia cảnh quá nghèo nên sau khi lấy vợ bèn quyết tâm vào rừng sâu tìm kế sinh nhai. Bạt núi, băng rừng đi mãi, cuối cùng chàng trai cũng đến được nơi có nước nguồn trong mát, đất bằng phẳng để có thể chặt cây dựng nhà, gieo hạt để cây lúa trổ bông, ngô ra bắp. Bởi vậy, chàng trai đã quyết định trở về đưa cả gia đình đến đây. Ngày mừng nhà mới, chàng trai đã vào rừng săn được con hươu (người Thái gọi là mé hiều). Cũng từ đấy, nơi đây có tên bản Hiêu (mé hiều).
Nếu như Cổ Lũng được xem là trung tâm của đất mường Khoòng thì bản Đốc chính là trung tâm của Cổ Lũng. Đây cũng chính là quê hương của tạo Khăm Panh trong truyện thơ Khăm Panh nổi tiếng. Sách Địa chí huyện Bá Thước viết về bản Đốc: “Bản Đốc có truyền thống văn hóa lâu đời. Người bản Đốc có truyền thống kiên cường, chống thiên tai địch họa, ham học hỏi tiếp thu kinh nghiệm và khoa học để vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ trên mảnh đất của quê hương mình… Nơi đây có bà mẹ Cang vinh dự được gặp Bác Hồ và được chụp ảnh lưu niệm cùng với Bác…”.
Theo nghệ nhân ưu tú Hà Nam Ninh - một người Thái dành nhiều tâm huyết nghiên cứu văn hóa Thái: “Khi nhắc đến vùng đất, lịch sử và truyền thống văn hóa của người Thái ở Bá Thước nói chung, người Thái ở mường Khoòng (có thể viết là mường Khòng) nói riêng, không thể không nhắc đến truyện thơ Khăm Panh - ví như “linh hồn” văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đó là bản trường ca về nỗ lực trong xây dựng, tranh đấu, bảo vệ vùng đất mường Khoòng tươi đẹp. Trong đó, tạo Khăm Panh và các anh em của ông đại diện cho những người Thái chính nghĩa đã có công lớn xây dựng nên mường Khoòng no đủ, giàu có. Họ, với tình yêu bản làng, quê hương, đất nước đã luôn nỗ lực để chống lại những thế lực xấu xa, tham lam, tàn độc với những âm mưu cướp đất, cướp làng của người Thái. Đến ngày nay, truyện thơ Khăm Panh vẫn là niềm tự hào, di sản văn hóa quý giá của đồng bào dân tộc Thái”.
Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nam Ninh, mường Khoòng không chỉ là “kho” văn hóa của người Thái, những dấu tích còn lại trên đất mường Khoòng đã chứng minh nơi đây còn gắn liền với giai đoạn nhiều biến động của lịch sử dân tộc, góp phần vào sự thành công của sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Khi họ Mạc tiếm ngôi nhà Lê, khiến con cháu nhà Lê phải trốn chạy. Lúc bấy giờ, các vị quan đại thần trung thành với nhà Lê, đứng đầu là An Thanh hầu Nguyễn Kim đã tìm thấy con cháu vua Lê trên đất Bá Thước, bắt đầu sự nghiệp Trung hưng. Tại đây, nhờ sự giúp đỡ của các tạo mường (người đứng đầu các mường) và đồng bào Thái, sự nghiệp Trung hưng đã bắt đầu được gây dựng, vượt qua những ngày đầu khó khăn. Sau khi sự nghiệp Trung hưng nhà Lê thành công, Nhà Phủ trên đất mường Khoòng - nơi khi xưa nhà vua và các quan đại thần họp bàn việc quân cơ đã trở thành nơi thờ cúng tưởng nhớ vua Lê và các quan lại người Thái đã lập nhiều công trạng.
Về sau, Nhà Phủ còn là nơi diễn ra lễ hội mường Khoòng nổi tiếng. Trong lịch sử, Nhà Phủ ở mường Khoòng cũng được các triều đại phong kiến thường xuyên cho trùng tu… Đáng tiếc, vì nhiều nguyên do, đến nay vị trí có Nhà Phủ năm xưa ở bản Lọng xã Cổ Lũng chỉ còn lại nền móng cũ, cùng một số hiện vật đá (voi, ngựa đá)…
Mường Khoòng là vùng đất cổ xưa, quê hương của người Thái. Người Thái nơi đây nổi tiếng chịu thương chịu khó và cả khéo ăn, khéo nói, khéo ứng xử ngoài xã hội và trong gia đình. Đặc biệt là người phụ nữ Thái vẫn thường tự hào khi được “so sánh” với nàng Mứn (người phụ nữ phi thường trong truyện thơ Khăm Panh): giỏi như nàng Mứn; đẹp như nàng Mứn; khéo như nàng Mứn… đó phải chăng cũng là “nguồn lực” nhân văn cho sự phát triển của vùng đất mường Khoòng - nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nam Ninh chia sẻ suy nghĩ.
Về với đất mường Khoòng, du khách không chỉ đắm mình trong không gian cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, khám phá những câu chuyện truyền thuyết, lịch sử, nét đẹp văn hóa Thái đặc sắc. Và thật khó để cầm lòng trước những sản vật ngon nức tiếng. Cùng với xôi nếp trồng ở ruộng lúa Nồng Ban, còn có vịt Cổ Lũng - giống thủy cầm đặc sản bản địa, nổi tiếng thơm ngon… Tất cả đã tạo nên giá trị, sức hấp dẫn của đất cổ mường Khoòng nơi miền Tây xứ Thanh.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/tren-dat-muong-khoong/28300.htm