Trên đất Quả Nhuệ xưa
Nằm ở phía Đông huyện Thọ Xuân, vùng đất Quả Nhuệ (nay là xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân) có lịch sử hình thành, phát triển từ khá sớm. Trong không gian vùng đất cổ, những tên đất, tên đồng, tên cây… đều gắn liền với chuyện kể, truyền thuyết hấp dẫn. Nơi đây còn có làng nghề làm nón lá nổi tiếng.
Vùng đất Quả Nhuệ từ trước thời Trần đã có con người đến cư trú. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, do đê điều chưa được đắp khiến lũ lụt thường xảy ra nên người dân lại phiêu tán. Cho đến thời Trần, triều đình chủ trương đắp đê phòng lụt sông Chu, người dân dần trở về đây quần cư (theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân).
Người dân Quả Nhuệ cũng tin rằng, anh em họ Lý: Lý Lam và Lý Ứng - hai vị tướng giỏi thời Trần chính là những người có công lớn trong khai hoang, lập làng, đặt nền móng cho sự phát triển của vùng đất này. Bởi vậy, anh em họ Lý cũng chính là nhị vị Thành hoàng làng Quả Nhuệ được người dân tôn kính phụng thờ. Ông Lê Ngọc Long, người dân địa phương là bậc cao niên am hiểu về lịch sử vùng đất Quả Nhuệ tự hào cho biết: “Xa xưa, xã Thọ Lộc có tên là Trại Quả, sau gọi là Quả Nhuệ. Ngọc phả, thần phả và cả gia phả dòng họ còn lưu tại địa phương đã khẳng định, ở Quả Nhuệ, các làng Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng, Quả Hạ đều là những làng cổ. Mỗi tên làng, tên cây cổ thụ, sân đình… đều gắn liền với điển tích về vùng đất này”.
Điển tích cây Trôi làng Quả Hạ và Thành hoàng làng Quả Thượng đến nay còn kể, anh em họ Lý vốn là người miền ngoài, là tướng giỏi thời nhà Trần, lập nhiều chiến công trong đánh giặc Nguyên Mông. Tuy nhiên, do bị “thất sủng” nên phải chạy vào xứ Thanh lánh nạn, mai danh ẩn tích. Hai ông ngược sông đi mãi, đến khi kiệt sức thì thấy một cây trôi rất to, bèn dừng lại để nghỉ chân. Lúc này, bụng đói, miệng khát mà chưa biết làm thế nào thì bỗng đâu có cơn gió mạnh thổi qua khiến những quả trôi vàng mọng rơi xuống. Hai ông đánh liều nhặt quả trôi lên ăn thử thấy có vị chua pha chút mật ngọt. Những quả trôi chín đã giúp cho hai ông hết đói, hết khát và ngủ một giấc dài dưới gốc cây. Đến khi tỉnh dậy, liền nhận thấy đây là vùng đất đẹp, cây cối xanh tươi, chim chóc hoan ca, liền quyết định ở lại lập nghiệp.
Lý giải cho tên gọi Quả Nhuệ, sách Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Lộc viết: “Đất lành chim đậu, dân tứ xứ cũng tìm về, cuộc sống lúc đầu khó khăn, thức ăn là hái lượm quả cây, bẫy bắt thú rừng, sau hai ông hướng dẫn cho mọi người trỉa lúa, trồng bông. Đất không phụ lòng người, lúa mẩy hạt, bông trắng cành, đời sống ngày thêm no đủ, ai cũng mừng, cũng vui và quyết định đặt tên cho vùng đất này là Trại Quả (quả có nghĩa là điểm dừng, là thành quả và cũng hàm ý nhắc đến những quả Trôi đã cứu sống ông Ứng, ông Lam). Trải qua năm tháng chống chọi với hiểm họa của thiên nhiên và đấu tranh bảo vệ trại, người dân Trại Quả luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường, giàu nhuệ khí nên đã đặt thêm chữ Nhuệ thành Trại Quả Nhuệ và sau này là làng Quả Nhuệ”.
Qua thời gian, người tìm về Quả Nhuệ lập nghiệp mỗi ngày thêm đông, làng vì thế cũng được mở rộng. Hai ông họ Lý bèn chia làng ra làm đôi, nửa làng phía dưới gọi là Quả Nhuệ Hạ, nửa làng phía trên gọi là Quả Nhuệ Thượng, về sau dân làng thường gọi là Quả Thượng, Quả Hạ. Về cuối đời, hai ông Lý Ứng, Lý Lam xây một am nhỏ để xuất gia tu Phật. Lại có chuyện kể rằng, vào một đêm sấm chớp, mưa lớn, hai ông bỏ làng ra đi. Ngày hôm sau người dân Trại Quả đi tìm, lên đến vùng đất Neo Trung (nay là xã Bắc Lương) thì thấy mối đã đùn lên thành gò lớn. Ngày nay, ở xã Bắc Lương vẫn còn đền thờ hai ông.
Sau khi mất, hai ông Lý Ứng, Lý Lam được người dân Trại Quả tôn làm Thành hoàng làng và lập đền thờ phụng. Đến nay, ở Quả Nhuệ vẫn lưu truyền đôi câu đối ngợi ca: “Tướng Lý phù Trần chiêu vĩ liệt/ Xuất thần nhập Phật diệu huyền cơ” (được hiểu là, hai ông tướng họ Lý phò tá nhà Trần đánh giặc công lao hiển hách. Bỗng xuất thần quy y cửa Phật tỏ lẽ nhiệm màu, huyền diệu của đạo thiền).
Theo các cụ cao niên trong làng, vùng đất này trước đây có 3 cây cổ thụ (1 cây trôi, 2 cây đa) có tuổi đời hàng trăm năm, gắn liền với những điển tích hấp dẫn. Trong đó, cây Trôi và cây đa làng Quả Hạ khi xưa còn có tên là cây “trấn Bắc” và cây “bình Nam”: “Cây trấn Bắc, cây bình Nam/ Đã giúp Lý Ứng, Lý Lam giữ làng” - với ý nghĩa không cho đạo tặc, quỷ dữ vào làng. Cây “bình Nam” sau này dân làng quen gọi là cây đa Quán Trống, bởi nơi đây trống vắng, lại nằm trên trục đường chính từ Sim - Đà qua quán Cẩm lên phủ huyện, khách đi qua thường bị cướp giật, quan phủ phải lập trạm và cắt người canh, dùng trống đánh báo cho trạm trên, trạm dưới biết để đón khách qua” (theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Lộc).
Ở Quả Nhuệ có nhiều xứ đồng, mỗi xứ đồng lại có tên riêng, gắn với những câu chuyện kể. Như cồn Cá Gáy (cá Chép) lại có hình dáng như con cá chép có đuôi “quẫy” về làng Mỹ Hạt, đầu quay về Quả Hạ. Giai thoại kể rằng, vào một năm lụt lớn có con cá chép bơi theo sông Hoàng về đến đây thì bị mắc cạn, xác cá hóa thành cồn lớn mang hình cá chép, vẫn được cho là thế đất tốt. Một điều lạ, ở khu vực cồn Cá Gáy, người dân vẫn thường đánh bắt được rất nhiều cá… “Ở Quả Nhuệ là vậy đấy, đi đến đâu cũng thấy chuyện kể, điển tích. Trước đây, ở Quả Nhuệ cũng có nhiều đình, chùa, miếu, đền, văn chỉ, võ chỉ nữa. Đáng tiếc, đến nay các di tích đều không còn, chỉ còn lại những dấu tích, hiện vật”, ông Lê Ngọc Long ngậm ngùi chia sẻ.
Không chỉ là vùng đất cổ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Người Quả Nhuệ xưa, nay là Thọ Lộc còn chăm chỉ lao động. Nhắc đến Thọ Lộc, ta nhớ đến “quê hương” của những chiếc nón lá gắn liền với người phụ nữ Việt. Năm 2022, nghề làm nón lá của người dân Thọ Lộc (thôn 3, thôn 4) đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Cũng trong năm 2022, nón lá Thọ Lộc (nón lá Ngọc Thơm) của HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Lộc còn được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.
Vừa đan nón, vừa vui vẻ trò chuyện, bà Lê Thị Tình - người dân thôn 3, xã Thọ Lộc chia sẻ: “Tôi năm nay 62 tuổi, biết làm nón từ năm 10 tuổi. Nghề này học không khó nhưng cần phải chăm chỉ, siêng năng mới… ra việc. Làm nghề này tuy thu nhập không cao nhưng tranh thủ lúc nông nhàn. Không phải vất vả nắng mưa dãi dầu, mà cũng chẳng mấy khi hết việc bởi dù nắng, dù mưa thì người dân ra khỏi nhà vẫn cứ đội nón. Cha ông xưa vẫn có câu “Cơm ăn không sớm thì trưa/ Nón đội trên đầu không mưa thì nắng” là thế.
Bà Phạm Vân Anh, công chức văn hóa xã hội xã Thọ Lộc cho biết: “Cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nghề làm nón lá của người dân Thọ Lộc cũng là một nét đẹp văn hóa được giữ gìn và phát huy hiệu quả. Ở Thọ Lộc hiện có khoảng 1.500 lao động làm nghề. Nón lá Thọ Lộc được bán cả trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân làm nghề”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tren-dat-qua-nhue-xua/28185.htm