Trên dưới đồng lòng!

Tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chỉ một chút lơ là, buông lỏng quản lý, giám sát, buông lỏng kiểm soát quyền lực sẽ xuất hiện tham nhũng, tiêu cực.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả rõ nét, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những “gam mầu tối”.

Cụ thể, chỉ trong năm 2021, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Nhiều vụ án lớn cũng đã bị khởi tố, mở rộng điều tra hoặc khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Điển hình là vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á khiến nhiều cá nhân bị khởi tố, bắt giam do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở chưa được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đặc biệt là tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra phổ biến, gây nhức nhối, bức xúc trong nhân dân mà nguyên nhân chính là do việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng vặt ở nước ta, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương còn chưa triệt để, thiếu kiên quyết.

Từ thực tế này, theo nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền, việc Trung ương xem xét và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhằm nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ góp sức cùng với Ban Chỉ đạo Trung ương đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực toàn diện trên phạm vi toàn quốc, mang lại hiệu quả tốt hơn trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” - ông Xuyền nhấn mạnh.

Tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chỉ một chút lơ là, buông lỏng quản lý, giám sát, buông lỏng kiểm soát quyền lực sẽ xuất hiện tham nhũng, tiêu cực. Do đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là điều rất cần thiết, bởi đây là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo ở Trung ương nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân cũng như tình trạng tiêu cực, tham nhũng ở địa phương.

Để thực hiện được điều này, như ý kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì phải nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu trong Đề án - chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!”.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/tren-duoi-dong-long-66xaXjl7g.html