Trên giảng đường mây
Bay giữa không trung
Ít phút trôi qua. Chiếc Iak-52 rẽ mây xuất hiện, giảm tốc độ, độ cao, rồi êm ái tiếp đất trong tiếng vỗ tay của đồng đội.
Nắp khoang lái mở ra, hai thầy trò ở Trung đoàn 920 - Trường Sĩ quan không quân bước xuống, hoàn thành khoa mục bay vòng kín. Chuyến bay chừng 5 phút nhưng lưng áo cả hai đều thấm mồ hôi. Ít phút thực hành bay không hề đơn giản.
Quả thật, nhìn bảng điều khiển trong buồng lái cũng đủ “toát mồ hôi” đối với lính mới: Đồng hồ đo tốc độ, đo độ cao, đường chân trời; rồi hệ thống đèn báo, đèn tín hiệu… Học viên còn phải bay đúng đường, đúng bài, đúng số liệu; lắng nghe trong, ngoài; biết máy bay khác đang ở đâu, chỉ huy yêu cầu gì và chủ động điều khiển máy bay. Các khoa mục cũng rất nhiều: Bay vòng kín, bay đồng hồ, bay cơ động, bay biên đội, bay trên biển... và không dễ thực hiện. Ví như bay trên biển, trời xanh, biển cũng xanh; nhào lộn vài vòng rất dễ sai cảm giác, xác định ngược đường chân trời. Hay như thao tác hạ cánh. Người lái phải điều khiển máy bay bay đúng quỹ đạo và giảm dần độ cao, tốc độ để tiếp đất an toàn. Đa số học viên có thể cất cánh từ những lần đầu, nhưng để hạ cánh được cần vài chục, thậm chí vài trăm lần thực hành.
Sẵn sàng cất cánh.
Thượng tá Nguyễn Công Trang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân chia sẻ, huấn luyện thực hành bay trên máy bay Iak-52 là bước đi đầu tiên của học viên phi công trong quá trình chinh phục bầu trời đầy gian nan. Vì vậy, trong huấn luyện, đào tạo, đơn vị luôn chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, tâm lý, động cơ học tập đúng đắn; bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật hàng không, nguyên lý bay, dẫn đường, khí tượng, thông tin, quản lý điều hành bay, ngoại ngữ để học viên có thể sử dụng thành thạo các trang thiết bị, khí tài. Đồng thời, rèn luyện thể lực, chú trọng tập luyện thể thao hàng không để bổ trợ cho hoạt động bay. Nhằm bảo đảm chuyến bay huấn luyện an toàn, chất lượng, công tác chuẩn bị phải bắt đầu từ 3 - 4 giờ sáng…
Yêu bầu trời Tổ quốc
Nhưng rèn luyện gian khổ mấy cũng không làm các học viên giảm tình yêu với bầu trời Tổ quốc. Học viên Võ Tá Khương (Biên đội 1, Phi đội 2, Trung đoàn 920) vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu bay đơn: Trước chuyến bay, thấy hồi hộp vô cùng; khi cất cánh, một mình giữa không trung, cảm giác rợn ngợp, phấn khích tột độ; sau khi hạ cánh, lòng ngập tràn tự tin. Những học viên đã hoàn thành huấn luyện cũng đúc kết, trong sự nghiệp một phi công, có 2 chuyến bay không thể quên. Đó là chuyến bay đầu tiên cùng thầy và chuyến bay đơn đầu tiên.
Đại úy Nguyễn Văn Nhất - Biên đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 920 chia sẻ, việc dạy học viên phi công quân sự rất khác so với môi trường giáo dục thông thường. Nơi đây, giảng đường là bầu trời, lớp học là buồng lái và chỉ có hai thầy trò. Hàng ngày, từ sáng sớm đến tối, người thầy không chỉ kèm cặp học viên kỹ năng bay mà còn truyền cho họ bản lĩnh, lý tưởng, đặc biệt là niềm đam mê với bầu trời và tình yêu Tổ quốc. Trên không trung, họ không chỉ là thầy trò, mà còn là đồng chí, đồng đội, là anh em cùng hăng say luyện tập, cùng sẵn sàng đối mặt với những tình huống bất trắc. Sự tận tâm, tận lực ấy đã viết nên nhiều huyền thoại trên bầu trời. Hiểu nhau từ dưới mặt đất, thầy trò mới có thể cùng cất cánh lên bầu trời. Võ Tá Khương tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi luôn ước mơ trở thành phi công quân sự. Giờ đây, tôi được các thầy tận tâm trao cho mọi kiến thức và tình yêu mãnh liệt với bầu trời. Tôi sẽ cố gắng rèn luyện để trở thành phi công giỏi, bảo vệ bầu trời thân yêu của Tổ quốc”. Thượng tá Nguyễn Công Trang nhìn nhận: “Chỉ có niềm tự hào là giảng viên và tình yêu bầu trời tự do của Tổ quốc mới xây dựng, đào tạo được những phi công giỏi cho đất nước”.
Trong nắng xuân ấm áp, vọng lại tiếng guitar bập bùng và tiếng hát sôi nổi của học viên: “Rộn ràng tung cánh bay phi đội ta xuất kích/Đại bàng vút cao lên trời mây… Lời Bác mang trong tim như tiếng mẹ hiền/Đã theo ta hòa bay xa trong tình yêu đất nước bao la”(*).
NGUYỄN VŨ - MINH TÂM
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202102/tren-giang-duong-may-8207623/