Trên hết là trách nhiệm công dân

(HNNN) - Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có “vấn đề” của riêng mình, nhưng những khó khăn, vướng mắc cá nhân không thể là lý do thỏa đáng để có hành vi ứng xử đi ngược lại chuẩn mực chung, làm ảnh hưởng tới hình ảnh con người Việt Nam. Những “sự cố” về ứng xử ở nơi công cộng xảy ra gần đây cho bài học quý giá về tinh thần thượng tôn pháp luật, về sự cần thiết đề cao trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ hình ảnh và vị thế quốc gia.

Những hành xử đẹp của người dân, nhất là ở các điểm đến du lịch, là một cách quảng bá tốt nhất hình ảnh một đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn với thế giới. Ảnh: Thanh Hà

1. Ngày 4-11, tài xế Đặng Quốc Hùng lái chiếc xe ô tô mang nhãn hiệu hãng taxi Thanh Nga chở theo vị khách quốc tịch Anh, đi từ phố Phùng Hưng thuộc quận Hoàn Kiếm về khách sạn Daewoo ở quận Ba Đình. Quãng đường không xa, đồng hồ trên xe báo cước vận chuyển chỉ là 96.000 đồng nhưng không hiểu do bất đồng ngôn ngữ hay vì lý do nào khác mà tài xế taxi lại thu được của vị khách nọ tới 800.000 đồng.

Sau khi hình ảnh về sự việc được người chứng kiến đăng lên mạng xã hội, tài xế Đặng Quốc Hùng mang khoản tiền chênh lệch đã thu tới khách sạn và trả lại cho vị khách nước ngoài. Tiền đã được hoàn lại nhưng danh dự thì không, mà việc đằng sau đó là cảm nghĩ của một người nước ngoài về tình hình cung cấp dịch vụ tại Hà Nội - Việt Nam, về cách ứng xử trong kinh doanh của người Việt - ít nhất thì cũng là vết gợn không dễ xóa nhòa.

Những câu chuyện “cười ra nước mắt” về ứng xử không chỉ có trường hợp đơn lẻ nói trên. Sau vụ “thu nhầm tiền” của tài xế Đặng Quốc Hùng chỉ vài ngày là trường hợp một người đàn ông có hành vi tục tĩu, phần nào còn mang tính bạo lực nữa, nhằm vào nhân viên bán hàng tại một trạm dừng chân trên cao tốc theo chiều Thái Nguyên - Hà Nội. Không có gì đáng để đem ra cân nhắc nhằm biện hộ cho hành vi của người đàn ông này, điều diễn ra cũng vô lý và xấu xí như cách hành xử mà một nữ sĩ quan công an đã thể hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất cách nay đã khá lâu, trước rất đông người, “tây” có mà “ta” cũng có.

Những hành vi nói trên đã được báo chí phản ánh, được nhiều người đưa lên mạng xã hội như một cách nhắc nhở về “thói xấu của người Việt” vốn đã được viết thành sách với tựa đề cùng tên. Viết ra thì cũng tốt, để nhiều người biết mà răn dạy nhau, đặc biệt là với giới trẻ, nhưng cuối cùng thì cũng phải hướng tới mục tiêu dần chấm dứt cách ứng xử như kiểu những người đã dẫn ở trên - không chỉ thiếu văn hóa mà trong nhiều trường hợp còn mang tính lừa đảo. Nếu không nói ra, phân tích và lên án nhằm tạo ra sự cảnh tỉnh trong cộng đồng, sẽ không thể mơ ước một ngày gần đây chúng ta có thể thôi ngượng ngùng mỗi khi ở đâu đó xuất hiện hành vi xấu xí.

Như trong năm nay, khi các siêu thị thuộc hệ thống bán lẻ Auchan tại Việt Nam trở thành “bãi chiến trường” vào thời điểm “cơn bão” giảm giá quét qua: Hàng hóa bị khách hàng tìm chọn rồi vứt xuống đất, nằm la liệt dưới sàn, loại nọ lẫn vào loại kia. Khách vô tư mở nắp chai, hộp, bóc gói hàng ra để dùng thử rồi vứt đồ ăn dở trên kệ. Hay như khi một tác phẩm nghệ thuật ngoài trời được trưng bày ở khu vực không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận ở Hà Nội đã trở thành “nhà vệ sinh” của nhiều người...

Đáng nói, những hành vi “hôi hoa”, “hôi bia”, “chặt chém”, “xả thải” ngay trên phố đông người... không chỉ là hành vi vô văn hóa, vẽ đường cho thói xấu nảy nở, mà còn làm hại tới hình ảnh của điểm đến văn hóa - du lịch, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, danh dự và vị thế quốc gia.

2. “Thói xấu của người Việt”, những hành vi đơn lẻ đi ngược lại chuẩn mực chung có thể chưa tác động ngay lập tức tới vị thế quốc gia, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè nước ngoài cũng như bảng xếp hạng về những điểm đến ấn tượng của thế giới, nhưng điều đó có thể xảy ra trong tương lai nếu thói quen ứng xử xấu không bị chặn lại.

Hãy quan tâm xem xét ý nói trên trong mối liên hệ với các bảng xếp hạng điểm đến du lịch thế giới. Tính đến hết tháng 10-2019, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn cầu theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới. Trong bức tranh tổng thể về tăng trưởng du lịch tại Việt Nam, Thủ đô Hà Nội nhận được sự ủng hộ của những du khách quốc tế tham gia bình chọn trên trang tin du lịch nổi tiếng thế giới là TripAdvisor khi được xếp ở vị trí thứ tư trong số 25 điểm đến hàng đầu thuộc châu Á, thứ 15/25 điểm đến hàng đầu thế giới. Hãng tin CNN cũng đưa Hà Nội vào “Danh sách vàng” gồm những điểm đến hàng đầu châu Á trong năm nay. Đó là chưa kể vị thế hàng đầu của một loạt điểm đến ấn tượng khác của Việt Nam như vịnh Hạ Long, khu đô thị cổ Hội An, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)...

Các hãng tin, tổ chức du lịch thế giới có cách xếp hạng riêng cho các điểm đến du lịch, nhưng nói chung đều dựa trên hệ tiêu chí và các chỉ số liên quan đến tài nguyên/ sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng địa phương..., và tất nhiên là bao gồm cả mức độ hài lòng của khách du lịch khi lui tới những điểm đến đó. Chẳng hạn, khi xem xét về Hà Nội với tư cách là một điểm đến du lịch, sẽ có một bảng hỏi dành cho du khách quốc tế - những người đã tới Thủ đô của Việt Nam - để họ nêu cảm xúc và trải nghiệm ở đó.

Sự hài lòng hoặc không của khách du lịch quốc tế liên quan tới các yếu tố như khả năng tiếp cận điểm đến, cơ sở vật chất, sức hấp dẫn, môi trường, năng lực và chất lượng phục vụ, giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Mặc dù mức độ hài lòng của du khách chỉ là một trong số các yếu tố được tính đến khi xem xét thứ hạng của một điểm đến nhưng chỉ số về sự hài lòng lại có ảnh hưởng rất lớn đến nhận định của họ về hình ảnh con người, hình ảnh quốc gia và quyết định có kéo dài kỳ nghỉ hoặc quay trở lại vào một ngày nào đó hay không. Bởi vậy, cần thấy rõ rằng, những hành vi phản văn hóa của không ít người Việt tại nơi công cộng, đặc biệt là tại các điểm đến du lịch, là trở lực quan trọng đối với kế hoạch quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn ra thế giới. Sự xấu xí ở đâu đó, dù là hành vi không có tính đại diện nhưng cũng có thể được du khách nước ngoài ghi lại, nói với người thân và bạn bè khi trở về hoặc phản ánh trên các trang thông tin chuyên về du lịch. Những cuốn “cẩm nang” du lịch của du khách quốc tế sẽ có thêm điểm đến/ hoạt động/ dịch vụ cần “lưu ý” khi tới Việt Nam và rõ ràng đó không phải là một điều tốt.

Nói về “vấn nạn” ứng xử ở nơi công cộng, chúng ta thường đề cao vai trò của công tác tuyên truyền. Quan điểm đó là đúng, nhưng không có nghĩa vì thế mà không tìm ra những cách thức giải quyết hiệu quả hơn. Với nhiều người trưởng thành, thật không dễ tác động nhằm điều chỉnh thói quen, hành vi ứng xử bằng cách góp ý, vận động, mà cần phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính với mức phạt đủ sức răn đe. Như người lái xe taxi “tính nhầm” của du khách người Anh đã bị xử lý hành chính với mức phạt 14,7 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe có thời hạn 2 tháng và phương tiện bị tạm giữ trong vòng 7 ngày. Mức phạt đó đủ để có bài học điều chỉnh hành vi, nhưng cũng cần ai đó nói cho người đàn ông đó bài học về trách nhiệm giữ gìn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam - trách nhiệm công dân.

Trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, về lâu dài, cần phải xác định đó là bài học chung cho tất cả mọi người. Bài học đó phải được truyền đạt cho mỗi người từ nhỏ, khi còn trên ghế nhà trường, để ý thức về trách nhiệm công dân hình thành, bén rễ trong tâm trí. Ý thức thông suốt sẽ chỉ dẫn hành động trong dài hạn, để từ đó không ai nỡ “nhìn nhầm” tác phẩm nghệ thuật thành nhà vệ sinh công cộng, không còn người cả gan “tính nhầm” giá dịch vụ vận chuyển đối với du khách nước ngoài và xã hội bớt đi những người dám chửi bới, lăng mạ, làm nhục người khác trước sự hiện diện của biết bao người.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/950528/tren-het-la-trach-nhiem-cong-dan