Trên lạnh dưới nóng?

Nếu tình trạng 'trên lạnh dưới nóng' không sớm khắc phục, thì hiệu quả của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ rất thấp.

Ngày 30/10, Quốc hội tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đây là lần đầu tiên, Quốc hội giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong việc triển khai các chương trình đầy nhân văn, hướng đến những đối tượng hết sức đặc thù, đó là nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.

Cuộc giám sát cho thấy các chương trình giai đoạn này bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện song vẫn còn rất xa so với mong muốn. Theo đánh giá của Đoàn giám sát, tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cả 3 chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp.

Đến 31/1/2023 vốn năm 2022 giải ngân chỉ đạt 42,49% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 54% kế hoạch, vốn sự nghiệp chỉ đạt 7,82% kế hoạch); giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch. Khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách Trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn.

Trên hội trường Quốc hội hôm qua, những bất cập, khó khăn trong việc triển khai 3 chương trình đã được mổ xẻ kỹ lưỡng, đa chiều. Trong số những nguyên nhân khiến 3 chương trình chưa đạt kết quả mong muốn, các đại biểu nhấn mạnh việc các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, nhất là việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý, nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện, có nội dung trích dẫn dẫn đến nhiều văn bản khác.

Phần lớn các văn bản ban hành đều có vướng mắc phải sửa đổi, bổ sung, nhất là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình và nhiều thông tư khác quan trọng, liên quan đến quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Định mức thực hiện một số chính sách sử dụng vốn sự nghiệp còn thấp, chậm được sửa đổi, quy trình thực hiện phức tạp.

Đặc biệt, quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP được ban hành tháng 4/2022, khi thực hiện thấy vướng, địa phương phản ánh, kiến nghị Trung ương tháo gỡ, sửa đổi cho phù hợp nhưng mãi đến tháng 6/2023 mới được sửa đổi, bổ sung và qua đánh giá vẫn chưa sát thực tế.

Chúng ta thường nghe đánh giá “trên nóng dưới lạnh”, nhưng trong trường hợp này dường như là “trên lạnh dưới nóng”. Dưới nóng ở đây là người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội khó khăn nóng lòng chờ đợi những quyết sách đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước đi vào thực tế để được thụ hưởng, để thoát nghèo, nhưng các cấp, các ngành vẫn còn lạnh, còn chậm trễ.

Nếu tình trạng này không sớm khắc phục thì hiệu quả của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ rất thấp. Kéo theo đó, nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, sẽ không được thụ hưởng tốt nhất các chương trình này, trong khi đây là những đối tượng hết sức khó khăn, đặc thù đòi hỏi Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải sớm chăm lo.

Tuệ Lâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tren-lanh-duoi-nong-post659401.html