Trên mặt trận phòng, chống ma túy - Bài 2

TÁI NGHIỆN CAO - NỖI LO CỦA CỘNG ĐỒNG

BPO - Tội phạm về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, cùng với đó tỷ lệ tái nghiện chiếm khá cao là những nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội và làm phát sinh các tệ nạn trên địa bàn. Chính vì vậy, bên cạnh những cố gắng, nỗ lực từ phía cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện thì sự chung tay, đồng hành của cộng đồng xã hội đối với những người từng lầm lỡ là hết sức cần thiết, nhằm tránh lãng phí nguồn lực rất lớn mà Nhà nước đã đầu tư cho công tác này.

15 năm và 4 lần vào cơ sở cai nghiện

36 tuổi nhưng anh Phạm Đức Trung đã có hơn 15 năm sa vào nghiện ngập ma túy. Anh Trung từng có 6 năm ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước và đây là lần thứ 4 anh vào cơ sở học tập, cải tạo sau những lần tái hòa nhập cộng đồng không thành. Quá trình học tập, tham gia lao động giúp anh cắt cơn, quên đi ma túy, thế nhưng bản thân không vượt qua được cám dỗ của chất gây nghiện nên anh đã tái nghiện chỉ sau thời gian ngắn hòa nhập cộng đồng.

Anh Trung cho hay: Chủ yếu do mình không làm chủ được bản thân, lý trí, khi hòa nhập cộng đồng, rất dễ bị bạn bè xung quanh, xã hội tác động. Ý chí mình chưa kiên định thì tái nghiện chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Lần này về nhà, mình quyết tâm từ bỏ… nhưng không biết có làm được không.

Cần đa dạng các ngành nghề đào tạo, giúp học viên sau cai tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả

Cần đa dạng các ngành nghề đào tạo, giúp học viên sau cai tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả

Ngoài sự kỳ thị, bản thân không tìm được công việc phù hợp cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều học viên không thể từ bỏ được ma túy sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Học viên Nguyễn Thành Chung, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Sau khi cai nghiện ma túy, tái hòa nhập cộng đồng lần này, bản thân mong muốn có được việc làm ổn định, xã hội không kỳ thị. Từ đó mình mới có động lực vươn lên, tránh được sự cám dỗ và không còn sa vào nghiện ngập ma túy”.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý, cai nghiện ma túy cho gần 600 học viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo khảo sát của cơ sở, số học viên quay trở lại cơ sở lần 2 sau khi tái hòa nhập cộng đồng chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, trên thực tế con số này cao hơn nhiều do chưa thể thống kê, rà soát số học viên cai nghiện bắt buộc ở các cơ sở ngoài tỉnh. Có địa phương thống kê con số này cao hơn 90%. Cùng với việc xây dựng kế hoạch hòa nhập cộng đồng dành cho học viên, đơn vị cũng đã thông báo trước 45 ngày để địa phương có kế hoạch tiếp nhận, quản lý phù hợp, tuy nhiên thực tế công tác quản lý sau cai nghiện vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Cần lắm sự bao dung của cộng đồng

Chị Trương Thị Nhằng, cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh chia sẻ: Là người thường xuyên gắn bó với học viên trong quá trình học tập, rèn luyện tại cơ sở, chúng tôi đã trang bị những kỹ năng phòng, chống tái nghiện cho học viên khi hòa nhập cộng đồng. Qua các chuyên đề này giúp học viên đối phó với cơn thèm nhớ, đồng thời tổ chức dạy nghề, định hướng việc làm để học viên hòa nhập tốt khi trở về với cộng đồng.

Trong quá trình học tập, cải tạo tại cơ sở, học viên có sự tiến bộ rõ nét, thay đổi cơ bản nhận thức, hành vi nhưng khi hòa nhập chỉ sau một thời gian ngắn, số học viên quay lại cơ sở không giảm mà ngày càng tăng. Liên quan đến vấn đề này đó là sự kỳ thị của cộng đồng khiến học viên rất khó tiếp cận việc làm. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương trong tạo việc làm ổn định cho người tái hòa nhập, có như vậy thì tỷ lệ tái nghiện mới có thể giảm.

Ông TRƯƠNG VĨNH KÝ,
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có giải pháp ngay từ khi đưa đối tượng vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó cần định hướng cho học viên cai nghiện một ngành nghề phù hợp. Mở rộng quy mô đào tạo, nhiều người, nhiều trình độ khác nhau mà chỉ dạy một nghề thì không phù hợp, học viên sẽ rất khó tìm việc khi tái hòa nhập cộng đồng” - Trung tá Trần Ngọc Doanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Bù Đăng kiến nghị.

Ma túy luôn là hiểm họa, đồng thời là tệ nạn dẫn đến nguy cơ cao gây mất trật tự, an toàn xã hội. Tỷ lệ tái nghiện cao thời gian qua là bài toán nan giải đối với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh trong việc tổ chức tiếp nhận học viên mới hiện vẫn còn trong cộng đồng. Vì vậy, sự chung tay của cộng đồng xã hội trong việc tạo điều kiện cho học viên sau cai nghiện hòa nhập tốt là hết sức cần thiết, qua đó góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghiện, tránh lãng phí nguồn lực mà Nhà nước đã đầu tư cho lĩnh vực này.

Trần Cảnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/134497/tren-mat-tran-phong-chong-ma-tuy-bai-2