Bài 2: Kịp thời ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Thực hiện một số chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2019 - 2024 trên địa bàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín; đẩy mạnh thực hiện Đề án 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS' giúp nhận thức của cán bộ, đảng viên, đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa được nâng lên; kịp thời ngăn chặn các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết có thể xảy ra tại các địa bàn có nguy cơ cao.
Tỉ lệ tảo hôn có chiều hướng giảm
Người có uy tín là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; truyền tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội đến với đông đảo đồng bào DTTS, tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện. Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách đối với người có uy tín, công tác bình chọn, phê duyệt danh sách người có uy tín được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đúng quy định.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.288 người có uy tín/1.292 thôn bản, tổ phố, đa số các dân tộc đều có người có uy tín được bình chọn (như dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng, Mông, Sán Chay và Hoa). Người có uy tín được lựa chọn từ nhiều thành phần khác nhau, là những am hiểu về xã hội, gương mẫu và có tinh thần trách nhiệm.
Cùng với đó, hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức nhiều hoạt động cung cấp thông tin cho người có uy tín với các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Tổ chức cho người có uy tín giao lưu học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, gặp mặt biểu dương, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, thăm hỏi hỗ trợ vật chất khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn; biểu dương, khen thưởng đối với người có uy tín có thành tích… Qua đó, kịp thời động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và sự phát triển chung của tỉnh.
Thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin. Theo đó, đã thực hiện 24 chuyên mục tuyên truyền phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; mở chuyên mục trên Báo Bắc Kạn; duy trì các kênh phát thanh, chương trình truyền hình bằng tiếng dân tộc Tày, Mông, Dao. Tổ chức 3 lớp tập huấn về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Biên soạn và phát hành 3.000 cuốn Bản tin “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Xây dựng Phim tài liệu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, dịch thuật nội dung thành 4 thứ tiếng (Kinh, Mông, Dao, Tày- Nùng), sao lưu 100 USB 32Gb cung cấp cho các địa phương phục vụ công tác tuyên truyền. Tổ chức 6 hội thi tìm hiểu về Luật hôn nhân gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới... với hình thức tổ chức các buổi ngoại khóa, sân khấu hóa hội thi “ Rung chuông vàng” tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú...
Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa được nâng lên, kịp thời ngăn chặn các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết có thể xảy ra tại địa bàn nguy cơ cao. Tiêu biểu như việc xây dựng Mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các huyện Pác Nặm, Ba Bể đã giúp tỷ lệ tảo hôn giảm, từ năm 2022 đến nay không xảy ra hôn nhân cận huyết thống.
Tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ, bình đẳng
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS”, các ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế. Tạo điều kiện cho cả nam, nữ phát huy quyền làm chủ, bình đẳng trong tham gia thực hiện các hoạt động tại địa phương.
Hàng năm, tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Tổ chức tuyên truyền về pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới cho các đối tượng là người có uy tín, trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, đại diện các tổ chức đoàn thể và người dân… Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức và người dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2019-2025, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Bắc Kạn”. Dự án đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2023. Hệ thống phần mềm bao gồm các cơ sở dữ liệu theo nhóm, bộ chỉ tiêu chứa các dữ liệu thống kê về DTTS theo quy định của Ủy ban Dân tộc với 132 chỉ tiêu; cơ sở dữ liệu được thu thập từ các sở/ban/ngành, huyện, xã, mỗi đơn vị được cung cấp 1 tài khoản để cập nhật dữ liệu lên hệ thống; các dữ liệu được đưa vào kho dữ liệu trung tâm phục vụ mục đích khai thác của các đơn vị, địa phương thuận lợi cho việc tra cứu xây dựng kế hoạch thực hiện một số chính sách trên địa bàn.
Bài 1: Tập trung vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết vấn đề bức thiết
03/10/2024 06:35