Trên những hành trình sáng tạo ảnh nghệ thuật
Văn nghệ sĩ thưởng lãm ảnh nghệ thuật được trưng bày tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Phú Yên - Bắc Ninh. Ảnh: YÊN LAN
“Một khi đã đam mê, các nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ dành thời gian cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là điều chắc chắn. Muốn có tác phẩm nhiếp ảnh ấn tượng thì phải đầu tư về thời gian, công sức, phương tiện...”, nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên nói về hoạt động ở chuyên ngành Nhiếp ảnh.
Tại Phú Yên, Nhiếp ảnh là một trong những chuyên ngành tràn đầy sức trẻ, hoạt động sáng tạo nghệ thuật rất sôi nổi trong thời gian qua. Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên có hơn 50 hội viên, trong đó lực lượng trẻ chiếm hơn một nửa. Bên cạnh những tay máy được biết mặt nhớ tên từ hàng chục năm qua như các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA): Lê Châu Đạo, Dương Thanh Xuân, Trần Quỳ, Lê Minh…, nhiều gương mặt xuất hiện và ghi dấu ấn trong những năm gần đây, như Đoàn Cao Liêm, Trần Văn Hồng, Lê Hồng Nguyễn, Trương Đình Khanh, Lê Trọng Cường, Huỳnh Lê Viễn Duy, Nguyễn Phong Hoàng, Lê Chí Trung…, trong đó Huỳnh Lê Viễn Duy và Nguyễn Phong Hoàng là hai gương mặt trẻ được nhiều người yêu ảnh nghệ thuật nhắc đến, có nhiều tác phẩm ấn tượng, được chọn triển lãm trong khu vực và toàn quốc, đoạt nhiều giải thưởng. Huỳnh Lê Viễn Duy là Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Góc Phú Yên - nơi quy tụ hơn 10 tay máy sung sức, tràn đầy năng lượng sáng tạo.
Theo đánh giá của NSNA Lê Châu Đạo, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Phú Yên, hiện nay, CLB Nhiếp ảnh Góc Phú Yên là lực lượng sáng tác mạnh nhất. Huỳnh Lê Viễn Duy và Nguyễn Phong Hoàng cũng là hai gương mặt trẻ trong số 7 hội viên Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Phú Yên (gồm các NSNA: Lê Châu Đạo, Dương Thanh Xuân, Lê Minh, Nguyễn Thanh Thảo, Đoàn Cao Liêm, Huỳnh Lê Viễn Duy và Nguyễn Phong Hoàng). 7 hội viên này thường xuyên có tác phẩm được chọn triển lãm tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên, liên hoan Ảnh nghệ thuật toàn quốc... và đoạt nhiều giải thưởng.
Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, sáng tạo ảnh nghệ thuật nói riêng, yêu cầu quan trọng nhất là các tác giả không ngừng làm mới mình. Theo NSNA Dương Thanh Xuân, NSNA phải tìm hiểu, học hỏi về công nghệ để ứng dụng, hoàn thiện tác phẩm. Chụp xong một bức ảnh mới chỉ là tác phẩm “thô”, để có tác phẩm hoàn chỉnh, đẹp và lôi cuốn người xem thì phải sử dụng công nghệ. “Tuy nhiên đừng lạm dụng công nghệ quá, như vậy sẽ xa rời bản chất của nhiếp ảnh”, NSNA Dương Thanh Xuân nói.
Cũng theo anh Dương Thanh Xuân, thế mạnh của các NSNA trẻ là khả năng tiếp cận công nghệ. Họ có sức khỏe, sự xông xáo và tiếp thu cái mới nhanh hơn. Còn những tay máy có tuổi thì có kinh nghiệm; họ dè dặt hơn, kỹ lưỡng hơn và biết cách né những cái là thế… yếu của mình. “Lực lượng trẻ của Chi hội Nhiếp ảnh rất năng động, nhưng dường như họ chưa có sức bền như lớp trung niên”, NSNA Dương Thanh Xuân cảm nhận.
NSNA Lê Châu Đạo có cảm nhận khác. Ông nói rằng trong số các gương mặt trẻ, người sáng tác năng nổ nhất là NSNA Lê Chí Trung, còn ở “phe” có tuổi, người miệt mài sáng tác là NSNA Trần Văn Hồng. Dù chẳng còn trẻ nhưng NSNA Trần Văn Hồng đi sáng tác ảnh rất “hăng”, đầu tư máy móc hiện đại.
Lớp NSNA đi trước mong muốn các nghệ sĩ trẻ bền bỉ theo đuổi niềm đam mê của mình, dẫu rằng “nghề chơi cũng lắm công phu” và... tốn kém. Để “giữ lửa” sáng tạo, hoạt động của các CLB nhiếp ảnh đóng vai trò quan trọng, đó là nhận định của một NSNA có nhiều kinh nghiệm trong nghề.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên cho biết, trong những năm gần đây, các hội viên ở chuyên ngành Nhiếp ảnh hoạt động có hiệu quả. Một số CLB nhiếp ảnh được thành lập; xuất hiện nhiều tay máy trẻ, có năng lực, tâm huyết và có phương tiện sáng tác hiện đại. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc thi ảnh nghệ thuật, tạo sân chơi cho các hội viên; tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật Phú Yên - Bắc Ninh, triển lãm ảnh nghệ thuật Phú Yên - Hải Dương, tạo cơ hội để hội viên ở 3 tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác...
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, hội sẽ tổ chức triển lãm ảnh 3 tỉnh Phú Yên, Hải Dương, Bắc Ninh tại Bắc Ninh. Hội luôn trân trọng và khích lệ anh em sáng tạo. Kinh phí hỗ trợ sáng tạo tuy không nhiều, nhưng vẫn luôn chú trọng đến chuyên ngành Nhiếp ảnh để động viên anh em. Hội cũng sẽ phối hợp mở trại sáng tác nhiếp ảnh tại Phú Yên, mời các NSNA có uy tín đến trao đổi về nghề, tạo thêm động lực để anh em sáng tác. “Một khi đã đam mê, các NSNA sẽ dành thời gian cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là điều chắc chắn. Muốn có tác phẩm nhiếp ảnh ấn tượng thì phải đầu tư về thời gian, công sức, phương tiện...”, nhà văn Trần Quốc Cưỡng nói.