Trên những nẻo đường quê hương: Về miền gạch chín
Huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là một trong số ít địa phương cho tới nay còn lưu giữ được khối công trình kiến trúc cùng nghề truyền thống độc đáo. Đây là một quần thể công trình kiến trúc bao gồm một hệ thống gần 1.000 lò gạch mái vòm, trải rộng trên diện tích hơn 3.000ha - một kho báu có giá trị, được kiến tạo bởi lịch sử hơn 100 năm giao thoa văn hóa - kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa. Trong chuyến hành trình của 'Trên những nẻo đường quê hương' hôm nay, mời quý vị cùng ghé thăm 'vương quốc gạch, gốm'.
Gạch không chỉ là đất nung. Hàng trăm năm qua, gạch nuôi lớn nhiều thế hệ ở xứ này. Gạch từ đất, thành hình rồi chu du khắp nơi, mang theo câu chuyện về văn hóa, bản sắc của vùng đất phương Nam, về Mang Thít - vương quốc gạch, gốm hàng trăm năm tuổi.
Di sản đương đại Mang Thít, nơi từng có hơn 3.000 lò gạch trải dài. Thời hoàng kim, các lò còn hoạt động mạnh trên địa bàn TP.Vĩnh Long và huyện Long Hồ. Ngày nay, khoảng 850 lò còn đỏ lửa, tập trung nhiều nhất ở ven kênh Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên - một nhánh sông Cửu Long.
Các lò gạch nằm ven sông thuận tiện cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa đi các nơi. Thời kỳ hưng thịnh những năm 1980, nơi đây tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Các sản phẩm gạch, gốm ngoài cung cấp cho nhu cầu trong nước còn xuất khẩu đi nước ngoài.
Các lò nung gạch được xây dựng từ hàng nghìn viên gạch thẻ, xếp theo kiến trúc tháp tròn. Trung bình, xây 1 lò cần 10 thợ.
Làm gạch là nghề truyền thống của gia đình anh Trương Tấn Đạt. Thời cha mẹ anh, muốn chuyển gạch vào - ra khỏi lò, phải chuyền tay thủ công. Đến thế hệ anh, người dân trong vùng đã biết tận dụng băng chuyền tự động, chỉ cần 1 – 2 người để vận hành.
Bước ra từ làng nghề gạch gốm trăm năm tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Buôi (còn gọi Tư Buôi) chứng kiến bao thăng trầm từ thời kỳ lò gạch còn đỏ lửa sáng đêm. Ông Tư Buôi vẫn nặng lòng với “nắm đất quê hương” cùng niềm hy vọng “thắp lên lửa lò”.
Thông qua ngôi nhà gốm đỏ, ông Tư Buôi mong muốn góp phần nâng cao giá trị gạch gốm quê hương. Muốn phát triển làng gốm đương đại, ông cho rằng phải có sản phẩm gốm đương đại.
Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt tại Quyết định số 3502. Toàn bộ vùng di sản hơn 3.000 hecta thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000 hecta, thuộc 2 xã An Phước và Chánh An, huyện Mang Thít. Với đề án này, vương quốc lò gạch Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị tầm cỡ quốc tế.
Mỗi vạt khói bay…
Mỗi ngọn lò còn đỏ lửa…
Mỗi con người còn gắn mình với nghề gạch – gốm…
Đây chính là những hạt nhân của làng nghề đang âm thầm chuẩn bị câu chuyện tương lai .
Trong sự sáng tạo ấy có giao thoa văn hóa truyền thống độc đáo giữa người Kinh, người Hoa và người Khmer. Sự kết tinh hội tụ của 3 nền văn hóa tạo ra cho quê hương Mang Thít một đặc sản gạch - gốm không nơi nào có được.
Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tren-nhung-neo-duong-que-huong-ve-mien-gach-chin-247435.htm