Trên nuôi ếch, dưới nuôi cá rô, anh nông dân Bắc Ninh thu 1 tỷ/năm
Mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá rô đồng của gia đình anh Nguyễn Hữu Xá (sinh năm 1978), ở thôn Yên Ngô, xã An Bình là một trong những mô hình trang trại tiêu biểu của nông dân huyện Thuận Thành.
Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai tại địa phương, những năm qua, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) luôn chú trọng tới phát triển kinh tế trang trại.
Mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá rô đồng, nuôi cá trê xem là hướng đi có hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá rô đồng, cá trê của gia đình anh Nguyễn Hữu Xá (sinh năm 1978), ở thôn Yên Ngô, xã An Bình là một trong những mô hình trang trại tiêu biểu của nông dân huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).
Năm 2019, khi được cán bộ khuyến nông huyện tư vấn về lợi ích kép của mô hình nuôi ếch bằng lồng lưới trên mặt ao kết hợp nuôi cá cá rô đồng, cá trê dưới ao, anh Nguyễn Hữu Xá mạnh dạn thuê 6 mẫu đất của các hộ dân trong thôn để đầu tư xây dựng mô hình nuôi ếch.
Để tìm hiểu về mô hình nuôi ếch kết hợp với thả cá rô đồng, anh Xá đã dành 1 tháng vào Đồng Tháp và các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long để tham quan, học hỏi các mô hình và mời những người đã thực hiện thành công về trang trại của mình chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
Trang trại nuôi ếch kết hợp nuôi cá rô đồng, cá trê (trên nuôi ếch trong lưới, dưới thả cá rô đồng, cá trê) của anh Nguyễn Hữu Xá, nông dân xã An Bình, huyện Thuận Thành, (nay là thị xã Thuận Thành) tỉnh Bắc Ninh cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Hữu Xá chia sẻ: “Nuôi ếch kết hợp với cá là một sự cộng sinh có lợi lớn, theo cách nuôi này con cá dưới ao sẽ tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải của ếch góp phần giảm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp.
Cùng với nguồn thu từ ếch, mô hình còn cho thu nhập từ nuôi cá dưới ao, từ tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Sự kết hợp này không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cả hai đối tượng nuôi, đồng thời còn có tác dụng bảo vệ môi trường.”
Đến nay, với 1.000 cặp ếch bố mẹ, mỗi tháng gia đình anh Xá sản xuất và cung ứng khoảng 200 vạn con ếch giống cho các hộ dân lân cận, thương lái và thả nuôi trên ao của gia đình.
Riêng ếch giống được anh ươm nuôi trên bể lót bạt trước khi đưa xuống ao nuôi ghép cùng cá trê ta, cá rô đồng, thời gian khoảng 25 ngày.
Đối với ếch thịt, trên diện tích 1 mẫu, anh Xá thả nuôi từ 40 - 45 vạn con ếch và 20 vạn cá trê ta, cá rô đồng. Cứ 2 tháng, anh thu hoạch một lứa ếch và cứ 2 lứa ếch gia đình anh lại thu 1 lứa cá. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Xá thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Huyện Thuận Thành hiện có 432 trang trại với tổng diện tích hơn 900 ha. Trong đó, có 68 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT, ngày 28-02-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 3 loại hình gồm: Trang trại trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Nhìn chung các trang trại đều được đầu tư bài bản, quy mô, góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Để hỗ trợ, tạo động lực giúp người dân hình thành và phát triển kinh tế trang trại, từ năm 2018 đến nay, huyện Thuận Thành phê duyệt 5 phương án phát triển kinh tế trang trại tại 2 xã Nghĩa Đạo, Nguyệt Đức, chuyển đổi 6,6 ha diện tích đất trồng cây hàng năm có hiệu quả kinh tế thấp sang phát triển theo mô hình kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, huyện giúp đỡ 5 mô hình phát triển kinh tế trang trại với tổng số tiền 596 triệu đồng.
Được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, các trang trại không chỉ tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn, tập trung, tạo lợi nhuận cao cho các chủ trang trại, mà còn góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Các trang trại sau khi được hỗ trợ vay vốn đã đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời quan tâm, chú trọng đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...
Hiện tại, quy mô đàn gia súc trong các trang trại đạt 84.379 con, đàn gia cầm 735.560 con. Giá trị sản phẩm hàng hóa của trang trại năm 2022 đạt gần 900 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 2 tỷ đồng/trang trại, trong đó trang trại đạt tiêu chí có giá trị hàng hóa bình quân 10 tỷ đồng/trang trại, lợi nhuận bình quân 1,5 tỷ đồng/trang trại; trang trại chưa đạt tiêu chí có giá trị sản xuất hàng hóa 473 triệu đồng/trang trại, lợi nhuận bình quân đạt 126 triệu đồng/trang trại.
Có thể nhận thấy kinh tế trang trại góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, ứng dụng cơ giới, khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Qua đó thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất quy mô lớn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, manh mún tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao.
Đồng thời khai thác có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Năm 2022, nhờ kinh tế trang trại đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.716 lao động tại địa phương.
Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển bền vững, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuê đất, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại; đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp...
Địa phương cũng tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức đối với doanh nghiệp, địa phương và người tiêu dùng về các sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao của huyện và xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng chủ lực...
Địa phương xây dựng, hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng; thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với chương trình OCOP…