Trên quê hương đường số 4 một thời rực lửa

Ngày 10/10/1950 quân và dân ta giải phóng Thất Khê (Tràng Định), mở đầu cho việc giải phóng các cứ điểm tại các huyện biên giới, tiến tới giải phóng hoàn toàn Lạng Sơn. Trong 73 năm qua, phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tràng Định đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, biến vùng đất từng bị bom đạn tàn phá trở thành mảnh đất trù phú, đổi thay từng ngày.

Đoàn viên thanh niên tham quan tại di tích chiến thắng Khuổi Slao – Bông Lau, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định

Đoàn viên thanh niên tham quan tại di tích chiến thắng Khuổi Slao – Bông Lau, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định

Chiến dịch Biên giới năm 1950 giành thắng lợi là mốc son lịch sử, bản anh hùng ca trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Âm vang chiến công trên đường 4 rực lửa

Sau năm 1949, thực dân Pháp chưa chiếm được Việt Bắc, do đó để củng cố, tăng cường kiểm soát, giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ, Pháp đã tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4, bố trí nhiều đồn bốt dọc tuyến đường từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, thiết lập hành lang Đông – Tây với mục đích cô lập Việt Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

Ngày 16/9 quân ta nổ súng tấn công cụm cứ điểm Đông Khê (nằm giữa thị xã Cao Bằng và Thất Khê), mở màn cho chiến dịch Biên giới và đến ngày 18/9 giải phóng được hoàn toàn cứ điểm này. Mất Đông Khê, thực dân Pháp hoang mang và để tìm mọi cách giành lại cứ điểm này, Pháp đã điều động, tăng cường tiếp viện từ các cứ điểm khác về Đông Khê trong đó điều quân từ Cao Bằng về và từ Thất Khê lên để giành lại cứ điểm này.

Nắm bắt thời cơ, quân ta đã chặt đứt các đường tiếp viện của thực dân Pháp và quyết định tiến xuống bao vây, uy hiếp địch ở Thất Khê, tiêu diệt một số đồn ngoại vi.

Ngày 9/10/1950, quân ta đánh sập cầu Bản Trại để chặn đường địch rút lui về Na Sầm, lúc này quân địch ở Thất Khê hoảng loạn, mất nhuệ khí chiến đấu. Ngày 10/10 quân ta giải phóng toàn bộ lòng chảo Thất Khê. Sau Thất Khê, quân ta liên tục truy quét địch trên đường 4. Trên các mặt trận này, lực lượng vũ trang cùng Nhân dân các dân tộc Tràng Định, Thoát Lãng (Văn Lãng) đã anh dũng ngày đêm bám sát, truy kích địch, lập nên nhiều chiến tích. Hàng nghìn dân công được huy động theo bộ đội tải đạn, thu gom, vận chuyển chiến lợi phẩm, áp tải tù binh về tuyến sau. Với tinh thần thi đua góp sức người, sức của cho chiến dịch, hội phụ nữ cứu quốc các huyện Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên, Bình Gia đã phát động phong trào “ngàn chiếc bánh dầy, ngàn chiếc bánh cốm” ủng hộ bộ đội. Hội phụ nữ các huyện còn vận động hội viên, người dân đón nhận thương binh về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng và tổ chức các đội tình nguyện phục vụ thương binh, hỗ trợ các trạm xá, bệnh viện chăm sóc thương binh.

Dưới sức uy hiếp của quân và dân ta, địch đã lần lượt rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn. Chiến thắng biên giới năm 1950 đã phá chiến lược quân sự của Pháp, chọc thủng hành lang Đông – Tây mà Pháp dày công xây dựng, đồng thời chiến thắng này cũng tạo nên bước ngoặt quan trọng, giành lại thế chủ động cho quân ta trên chiến trường Bắc Bộ.

Sau giải phóng, cùng với cả nước, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tràng Định vừa ra sức xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội quê hương, vừa kiên cường đấu tranh giữ gìn chủ quyền biên giới vừa thực hiện nghĩa vụ hậu phương, cung cấp người, của cho chiến trường miền Nam. Những đóng góp quan trọng của Nhân dân Tràng Định đã góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Đoàn viên thanh niên dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Bông Lau, xã Tri Phương, huyện Tràng Định

Đoàn viên thanh niên dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Bông Lau, xã Tri Phương, huyện Tràng Định

Vươn mình phát triển

Ngày nay, trên mảnh đất này, bà con các dân tộc đang ra sức thi đua, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu mạnh. Sự đổi thay rõ rệt nhất là màu xanh của ngô, lúa, rừng hồi… nằm xen lẫn giữa những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi; sự “bừng sáng” của các thôn, xóm với những con đường nhựa, bê tông, những mô hình kinh tế hiệu quả cao…

Ông Vũ Duy Hiển là một thương binh ở khu 2, thị trấn Thất Khê chia sẻ: Dù trong chiến đấu hay thời bình, người dân Thất Khê nói riêng, người dân Tràng Định nói chung đều anh dũng, kiên cường, đoàn kết, đồng lòng, đặt lợi ích chung của đất nước, quê hương lên trên. Ngày nay, chứng kiến sự thay da đổi thịt trên quê hương mình, chúng tôi không khỏi xúc động và tự hào.

Sau chiến thắng biên giới năm 1950, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định bắt tay ngay vào công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố xây dựng Đảng và chính quyền, tích cực tăng gia, lao động sản xuất, khai hoang phục hóa, khôi phục kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Sau giải phóng, cùng với cả nước, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tràng Định vừa ra sức xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội quê hương, vừa kiên cường đấu tranh giữ gìn chủ quyền biên giới vừa thực hiện nghĩa vụ hậu phương, cung cấp nhân lực, của cải cho chiến trường miền Nam. Những đóng góp quan trọng của Nhân dân Tràng Định đã góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng, Tràng Định tiếp tục phát huy thế mạnh địa phương, tập trung phát triển, quảng bá các sản phẩm chủ lực như gạo bao thai, quế, hồi, thạch đen, vịt quay Thất Khê… Song song đó, khai thác tiềm năng sẵn có, trong những năm gần đây, các cấp, ngành của huyện đã quan tâm đầu tư đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đang trên đà phát triển mạnh trên địa bàn. Diện mạo quê hương và đời sống người dân ngày càng chuyển biến tích cực.

Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tràng Định đã đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu mới hướng tới xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sau nửa nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã đạt những kết quả quan trọng trong công tác lãnh đạo, trong đó kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương bình quân giai đoạn 2020 – 2022 tăng 23,3%/năm (mục tiêu là 11,8%/năm), thu nội địa bình quân vượt 37,045% so với dự toán tỉnh giao. Hiện toàn huyện có 9 xã nông thôn mới, 1 xã nông thôn mới nâng cao. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ có 27 trường học đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 62% (mục tiêu 55%). Mỗi năm, Đảng bộ kết nạp được hơn 220 đảng viên mới, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%/năm. Tình hình an ninh trật tự đảm bảo, chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững…

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Tiếp bước truyền thống cách mạng hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tràng Định đã chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Sau nửa nhiệm kỳ, các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện cơ bản đạt kế hoạch trong đó nhiều chỉ tiêu vượt. Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền huyện sẽ nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đại hội, tiếp tục chú trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Trong chuyến công tác về Thất Khê những ngày đầu tháng 10, chúng tôi cảm nhận rõ hơn không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Khắp các con phố được trang trí cờ, hoa, khẩu hiệu, băng rôn rực đỏ hướng về ngày kỷ niệm giải phóng Thất Khê. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 10, người dân Thất Khê nói riêng và Tràng Định nói chung lại nô nức chào đón ngày ngày hội giải phóng quê hương và cũng là ngày hội quảng bá hình ảnh của Tràng Định đến với đông đảo bạn bè, du khách gần xa.

Năm 2023, kỷ niệm 73 năm giải phóng Thất Khê và Chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950, với chuỗi các hoạt động đã và đang diễn ra là dịp để người dân Tràng Định nói riêng và Nhân dân Lạng Sơn nói chung cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, tự hào với những đóng góp của quê hương vào sự nghiệp cách mạng dân tộc, từ đó mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thêm tự giác, trách nhiệm, nỗ lực rèn luyện, cống hiến sức mình trong xây dựng huyện nhà thêm giàu đẹp, phát triển bền vững.

HỒ HƯƠNG – PHƯƠNG DUNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tieu-diem/616206-tren-que-huong-duong-so-4-mot-thoi-ruc-lua.html