Trên quê hương nhà cách mạng tiền bối Trần Tử Bình

Thiếu tướng Trần Tử Bình (tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907) sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo ở thôn Tiêu Thượng, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục. Mang trong mình trái tim yêu nước nồng nàn, được các nhà cách mạng tiền bối giác ngộ, ông tham gia cách mạng từ sớm. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, cho dân tộc, ông đã được trao tặng nhiều phần thưởng đặc biệt cao quý: Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh...

Phát huy truyền thống quê hương, noi gương người chiến sỹ cách mạng tiền bối, những năm qua, Chi bộ thôn Tiêu Thượng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Cuộc sống người dân ngày càng ấm no, sung túc.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Tiêu Động, năm 1927, Trần Tử Bình là công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, được các bậc cách mạng tiền bối hướng dẫn, bồi dưỡng xây dựng phong trào công nhân rồi tổ chức Công hội đỏ tại Phú Riềng. Năm 1928, ông tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 11/1929 khi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập tại Phú Riềng, ông được cử làm Bí thư chi bộ thay đồng chí Nguyễn Xuân Cừ. Khi cuộc đấu tranh của công nhân Phú Riềng (2/2/1930) bị đàn áp, ông bị địch bắt và bị đày đi Côn Đảo. Tại đây ông cùng với đồng chí Tống Văn Trân, Ngô Gia Tự tổ chức học tập lý luận chính trị, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Từ năm 1936, ông được trả tự do và bị đưa về quê quản thúc. Mặc dù bị quản thúc gắt gao nhưng ông tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở và chắp nối phong trào cách mạng của địa phương và của huyện. Ông được Đảng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: năm 1938, làm Bí thư Huyện ủy Bình Lục; năm 1939, làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; năm 1941, được cử vào Xứ ủy Bắc Kỳ làm Bí thư chiến khu D (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Tuyên Quang) và Chiến khu C (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình)...

Cuối năm 1943, ông bị địch bắt tại Thái Bình, kết án 20 năm khổ sai. Tháng 3/1945, sau khi vượt ngục Hỏa Lò, ông được Xứ ủy cử làm Ủy viên Ban thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, tham gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Năm 1947, ông làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Năm 1953 là Chính ủy Trường Sỹ quan Lục quân. Đặc biệt, năm 1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, là một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1958 làm Tổng thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 3/1959, ông được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội khóa II, III.

Sớm đi theo cách mạng, vượt qua biết bao gian lao khắc nghiệt, một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, có những đóng góp to lớn cho cách mạng, cho dân tộc, người con của quê hương Tiêu Thượng - Thiếu tướng Trần Tử Bình đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ngày 6/11/2001, ông được Nhà nước truy tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh...

Tự hào là quê hương của người chiến sỹ cách mạng tiền bối, những năm qua, Chi bộ thôn Tiêu Thượng luôn vận dụng sáng tạo chủ trương, định hướng của cấp trên vào lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Thôn Tiêu Thượng hiện có 466 hộ, trên 1.700 nhân khẩu. Đồng chí Lê Hồng Phong, Bí thư chi bộ cho biết: Nhiều năm qua, chi bộ luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tế địa phương để đưa ra những quyết sách đúng đắn trong lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Điển hình như trong phát triển kinh tế hộ, cải thiện đời sống nhân dân chi bộ đã lãnh đạo, khuyến khích nhân dân mạnh dạn đa dạng ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường để tạo việc làm, nâng cao thu nhập bền vững. Theo đó, cùng với cấy lúa, làm xây dựng (là những ngành nghề truyền thống), chi bộ định hướng người dân bám sát nhu cầu thị trường để phát triển những nghề mới, cho thu nhập tốt ở ngay tại địa phương. Đặc biệt, thời gian gần đây thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, việc ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số đang được đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên định hướng, tuyên truyền, động viên, hỗ trợ nhân dân tích cực triển khai trong các giao dịch, nhất là trong phát triển kinh tế. Trong thôn hiện có gần 100 người bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội, mang lại nguồn thu khá tốt.

Trong xây dựng nông thôn mới, chi bộ, ban công tác mặt trận và các ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc cùng bà con giáo dân tích cực chung tay hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu. Với đặc điểm vùng chiêm trũng, trước đây đường ngõ trong thôn nhỏ, hẹp. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước; bà con trong thôn đã tình nguyện hiến đất mở rộng đường, chỉnh trang ngõ xóm, thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Năm 2011, từ nguồn xã hội hóa và đóng góp kinh phí, ngày công của người dân, hệ thống giao thông ngõ xóm của thôn đã được bê tông hóa. Thực hiện dự án làm đường liên xã, các hộ trong thôn đã tự giác giải tỏa hành lang đúng quy định. Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí đóng góp (khoảng 400 triệu đồng) của nhân dân và con em của thôn công tác, làm việc ở nơi xa, 100% ngõ xóm đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Cũng từ nguồn xã hội hóa và ủng hộ của bà con (gần 300 triệu đồng), một khu đất trống đã được cải tạo thành sân bóng cỏ nhân tạo, có hệ thống lưới vây xung quanh, phục vụ việc luyện tập, thi đấu thể thao của người dân.

Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình cùng khuôn viên với Nhà văn hóa thôn Tiêu Thượng, được khánh thành năm 2007. Qua các bức ảnh, tư liệu, cuốn sách được lưu tại đây, bà con nhân dân hiểu hơn về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà cách mạng tiền bối, từ đó thêm tự hào quê hương có một người con ưu tú suốt đời cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phát huy tinh thần yêu nước của Thiếu tướng Trần Tử Bình, những người con đi theo cách mạng của Tiêu Thượng, các thế hệ sau này không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong học tập, lao động, phát triển kinh tế, nhiều người được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hầu hết đảng viên trong chi bộ đều là nông dân, trưởng thành từ phong trào ở địa phương. Đảng viên mới kết nạp gần đây nhất là đồng chí Trần Văn Mỹ (sinh năm 1991) hiện là Bí thư Chi đoàn thôn. Đồng chí Trần Văn Mỹ cho biết: Được sinh ra trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, có người công dân ưu tú Trần Tử Bình, tôi rất tự hào và luôn nỗ lực phấn đấu, tích cực tham gia các phong trào với mong muốn được góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Diện mạo nông thôn mới ở Tiêu Thượng ngày một khởi sắc, khang trang. Những con đường được bê tông hóa rộng rãi, những ngôi nhà kiên cố, cao tầng ngày một nhiều. Số hộ khá, giàu ngày càng tăng, chiếm khoảng 65%; số hộ nghèo giảm. Những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội ở Tiêu Thượng đã góp phần quan trọng để năm 2023 xã Tiêu Động sớm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thêm tự tin hướng tới những bước phát triển cao hơn trong thời gian tới.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/tren-que-huong-nha-cach-mang-tien-boi-tran-tu-binh-142397.html