Trên quê hương trung dũng kiên cường

Long An có vị trí chiến lược và bề dày lịch sử, văn hóa. nhân dân Long An giàu truyền thống yêu nước, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phát huy truyền thống 'Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc', Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Long An luôn thi đua trên các lĩnh vực KT-XH, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Tự hào vùng đất anh hùng

Long An có nhiều “địa chỉ đỏ”, ghi dấu những chiến công hào hùng của thế hệ cha anh thuở trước. Trong đó, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) là Khu di tích quốc gia mang nhiều dấu ấn lịch sử.

Đây là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nam Bộ.

Chị Lê Thị Như Ngọc (xã Nhơn Hòa Lập) chia sẻ: “Là người dân địa phương nên tôi càng thêm tự hào về vùng đất cách mạng. Tại Khu di tích có trưng bày nhiều hiện vật, vừa mang tính giáo dục, vừa là điểm đến của du khách trong chuyến hành trình khám phá Đồng Tháp Mười ngày nay”.

Hiện tại, vùng đất anh hùng có nhiều thay đổi. Nông dân trồng lúa đạt hiệu quả, bên cạnh chuyển đổi một số cây ăn trái phù hợp. Đường sá, cầu giao thông được xây mới; điện, nước được đầu tư;...

Vùng đất hoang hóa ngày nào nay vươn mình thành những cánh đồng trù phú và Nhơn Hòa Lập cũng đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) năm 2021, đang trong lộ trình phấn đấu "về đích" NTM nâng cao trong năm 2024.

Ngày 28/4/2010, một sự kiện trọng đại đến với người dân Long An khi UBND tỉnh tổ chức Lễ khánh thành tượng đài được mang tên Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đây được xem là biểu tượng của tỉnh, đặt ở vị trí đặc biệt, trên Quốc lộ 1, cửa ngõ TP.Tân An.

Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Khu tượng đài sừng sững, oai nghiêm như nhắc nhở thế hệ hôm nay, mai sau hãy nhớ và biết ơn những người mẹ, anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.

Chiêm ngưỡng tượng đài mẹ chiến sĩ, lòng mỗi người càng lắng đọng với trái tim thương yêu của những người phụ nữ dành gạo nuôi quân, đào hầm che giấu bộ đội.

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Kỷ niệm chương Tù đày; gần 80.000 người có công được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến. Hơn 5.300 bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là con số cao trong các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân,...

Ngày 03/4/2023, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 296/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Trên bước đường đổi mới

Long An hôm nay đã “thay da, đổi thịt” với một diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Long An tiên phong trong kháng chiến thì ngày nay tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau ngày thống nhất đất nước, phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm, Tỉnh ủy lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt những thành tựu vẻ vang.

Tỉnh nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống người dân, vừa chiến đấu, bảo vệ biên giới và chủ quyền lãnh thổ, vừa cải tạo, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thành tựu nổi bật của tỉnh là đột phá trong việc xóa bỏ cơ chế bao cấp về sản xuất và phân phối lưu thông; tiến quân khai mở, đánh thức tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười.

Từ sau năm 1986 đến nay, Tỉnh ủy đề ra những chương trình đột phá, công trình trọng điểm, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực và quyết liệt để lãnh đạo các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng NTM, đời sống văn hóa, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc biên cương và lãnh thổ quốc gia,... Từ đó, đưa tỉnh vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành địa phương năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Sau nhiều năm đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc (Trong ảnh: Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho người lao động)

Sau nhiều năm đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc (Trong ảnh: Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho người lao động)

Trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng những năm qua, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,82%, đứng thứ 3 Vùng ĐBSCL.

Thời gian qua, tỉnh chú trọng các hoạt động liên kết phát triển KT-XH với các địa phương trong vùng và lân cận.

Tỉnh phối hợp các địa phương trong vùng hoàn thành Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phấn đấu đến năm 2030 đưa ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả cao của quốc gia, khu vực.

Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối giao thông, hạ tầng đô thị phát triển KT-XH của TP.HCM với Vùng ĐBSCL.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, khởi công nhiều dự án công nghiệp, thương mại, đô thị có vốn đầu tư lớn, kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,...

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 200.000 lao động.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, với truyền thống vẻ vang được kết tinh thành tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An cùng cả nước giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới, kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An tiếp tục lập nên nhiều thành tích mới, là một trong những điển hình trong công cuộc đổi mới, góp phần đưa kinh tế địa phương không ngừng phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Long An từng bước khẳng định vị thế trong Vùng ĐBSCL, vươn lên cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu, nỗ lực vươn lên với mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”./.

Song Nhi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tren-que-huong-trung-dung-kien-cuong-a187639.html