Trên thế giới các kỷ nguyên ngày càng ngắn lại

Nếu 35 năm là một kỷ nguyên, theo George Friedman, thì kỷ nguyên Đổi mới khởi đầu từ 1990 có lẽ đang khép lại để chuyển sang kỷ nguyên Đổi mới mới.

Xáo động, căng thẳng, đối kháng kịch liệt với những cuộc chiến giữa các quốc gia và tổ chức ở một số khu vực; phân cực cao độ, đấu tranh phe phái không khoan nhượng trên chính trường một số nước… là nét nổi bật về chính trị của năm 2024 vừa qua.

Điển hình là cuộc chiến khốc liệt Nga - Ukraine đang bước qua năm thứ tư mà chưa thấy cơ may kết thúc; là sự bùng phát đột ngột của lò lửa Trung Đông sau khi phe Hamas bất ngờ vượt qua biên giới Gaza tấn công vào Israel ngày 7.10.2023, giết chết khoảng 1.200 người và bắt đi hơn 100 dân thường làm con tin đến nay chưa được thả, khiến Israel phát động cuộc tấn công trả đũa vào dải Gaza suốt trong năm 2024 làm nhiều ngàn người chết, nhiều nhà cửa bị phá hủy; cùng với đó là việc Israel đáp trả dữ dội các cuộc tấn công của tổ chức Hezbollah từ Lebanon vào phía Bắc Israel.

Chưa hết, vào cuối năm 2024, chế độ Bashar al-Assad ở Syria bỗng nhanh chóng sụp đổ dưới đòn tấn công chớp nhoáng của lực lượng nổi dậy HTS, chấm dứt 13 năm nội chiến và sự cai trị hơn 50 năm của gia đình al-Assad. Cả khu vực Trung Đông nay đối mặt với một tương lai đầy ẩn số khi những chủ nhân mới của Damascus vẫn chưa bộc lộ rõ ý đồ, kế hoạch của họ với Syria, và câu hỏi liệu có phải chế độ độc tài này đang được thay thế bằng chế độ độc tài khác vẫn treo lơ lửng.

Nhân tai: ảnh chụp một phụ nữ Palestine ôm thi thể cháu gái 5 tuổi thiệt mạng do cuộc không kích của Israel ở Gaza đã đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới 2024. Ảnh: Mohammed Salem/Reuters

Nhân tai: ảnh chụp một phụ nữ Palestine ôm thi thể cháu gái 5 tuổi thiệt mạng do cuộc không kích của Israel ở Gaza đã đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới 2024. Ảnh: Mohammed Salem/Reuters

Nhưng chiến tranh nóng không phải là nét chủ đạo duy nhất của năm qua. 2024 còn là năm mà biến đổi khí hậu, hiểm họa đối với Trái đất và toàn bộ loài người, đã ở mức báo động cao nhất khi 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất từ trước tới nay, kể từ khi nhiệt độ toàn cầu được ghi nhận. Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên hiệp Châu Âu (EU) cho thấy 2024 là năm đầu tiên mà nhiệt độ bình quân trên toàn cầu tăng vượt quá 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp (1850 - 1900). Theo các nhà khoa học, phát thải carbon dioxide từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu.

Hậu quả là công nhân tại một số trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới ở Việt Nam, Bangladesh, Pakistan ngày càng phải chịu đựng nhiệt độ cực cao do biến đổi khí hậu - một vấn đề mà các nhà bán lẻ quốc tế và các thương hiệu may mặc phải giúp giải quyết. Theo Viện Lao động Toàn cầu thuộc Đại học Cornell - Mỹ, số ngày mà nhiệt độ trên mức 30,5 độ C ở Dhaka, Hà Nội, TP.HCM, Phnom Penh và Karachi đã tăng tới 42% trong những năm 2020 - 2024 so với thời gian 2005 - 2009.

Ấy thế nhưng tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc mới nhất tại Baku, Azerbaijan (COP 29), những gì mà các quốc gia đạt được trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu là khá khiêm tốn: không đạt được tiến bộ nào về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, vấn đề này được chuyển sang COP 30 tại Brazil vào năm sau; và các quốc gia phát triển đồng ý cung cấp ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia đang phát triển vào năm 2035 để hỗ trợ họ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, một mục tiêu gây thất vọng cho các quốc gia đang phát triển vì họ mong muốn một mục tiêu tài chính lớn hơn.

Nhìn chung lại, 2024 về nhiều mặt có vẻ là một năm bản lề để thế giới chuyển qua một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mà đường nét chưa thực sự rõ ràng nhưng những rủi ro tiềm ẩn thì rất cao: trong khi mối đe dọa đối với sự tồn tại của toàn thể nhân loại do biến đổi khí hậu ngày càng nguy cấp hơn thì đồng thời một số người cũng đặt câu hỏi phải chăng chiến tranh thế giới thứ ba (và kèm theo nó là nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân) đã bắt đầu?

George Friedman, một nhà phân tích và dự báo chiến lược các vấn đề quốc tế và địa chính trị thế giới được nhiều tổ chức chính phủ và quân đội lắng nghe, nhà sáng lập và chủ tịch của Geopolitical Futures (Tương lai địa chính trị), trước đó là chủ tịch kiêm CEO của Stratfor - công ty Mỹ chuyên xuất bản thông tin tình báo chiến lược, một tác giả có sách bán chạy nhất theo xếp hạng của báo New York Times, cho rằng thế giới nay đã bước vào một kỷ nguyên mới, kể từ sau năm 1991. Theo ông, trong thế kỷ trước (thế kỷ XX), cứ 30 - 40 năm lại xảy ra những biến đổi mang tính hệ thống trên thế giới, với lần biến đổi cuối cùng là năm 1991, cách đây hơn 30 năm, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản cũng chấm dứt, nhường chỗ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nay thì kỷ nguyên khởi đầu từ năm 1991 cũng đang kết thúc. Với cuộc chiến tranh nóng Nga - Ukraine từ 2022 và kế tiếp là chiến tranh Israel - Hamas, Israel - Hezbollah và đằng sau đó là Iran trong năm 2023 - 2024, thế giới quả đã ra khỏi kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh kéo dài khoảng 35 năm, bắt đầu từ 1991. Và chúng ta nay đang ở trong một kỷ nguyên mới với những thay đổi mang tính hệ thống đã và đang diễn ra.

Trên tổng thể, hiện các quốc gia Nam bán cầu vẫn đang đối mặt với những vấn nạn và thách thức lớn không phải mới hôm nay nhưng gay gắt hơn nhiều. Đó là cuộc khủng hoảng nợ lớn, với chi phí trả nợ nước ngoài tăng vọt; tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu khiến thiên tai xảy ra thường xuyên hơn và gây thiệt hại nặng nề hơn, làm giảm năng suất nông nghiệp và mức sống của nông dân; tình trạng nghèo đói vẫn cao trong khi chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, làm giảm khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục và nước sạch; khủng hoảng tài chính và kinh tế càng làm tăng mức độ nghèo đói; chính trị - xã hội không ổn định, xung đột và bạo lực triền miên; cơ sở hạ tầng yếu kém làm giảm khả năng phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống; cuối cùng là khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận quốc tế và sự hỗ trợ từ các quốc gia phát triển.

Thiên tai: trận lũ ở Valencia - Tây Ban Nha cuối tháng 10.2024 làm khoảng 160 người tử vong, khiến nước này phải tuyên bố quốc tang ba ngày. Ảnh: Alberto Saiz/AP

Thiên tai: trận lũ ở Valencia - Tây Ban Nha cuối tháng 10.2024 làm khoảng 160 người tử vong, khiến nước này phải tuyên bố quốc tang ba ngày. Ảnh: Alberto Saiz/AP

Trong khi đó thì tất cả những thực thể hay quốc gia ở Bắc bán cầu - Trung Quốc, Nga, Mỹ, EU - đang trải qua những thay đổi sâu sắc: với Nga, cuộc chiến ở Ukraine chỉ là nỗ lực mới nhất và quan trọng nhất nhằm đảo ngược biến cố năm 1991, khi Liên Xô tan rã, nhưng với GDP đầu người đứng hàng 86 trên thế giới, Nga có vẻ khó đạt điều mong đợi. Còn châu Âu, với chi tiêu chính phủ gia tăng và tăng trưởng kinh tế co hẹp dưới sức ép của cuộc xung đột Nga - Ukraine, đang đối mặt với sức ép ly tâm và sẽ phải định hình lại chính mình trong thời gian tới.

Trung Quốc thì sau 40 năm tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng 2 chữ số trong thời gian dài, nay dường như đang chững lại, thậm chí hụt hơi. Lợi thế xuất khẩu hàng chất lượng thấp đang bị xói mòn do cạnh tranh, xuất khẩu hàng chất lượng cao cũng bị cạnh tranh và bị kháng cự ngay tại các thị trường tiêu dùng. Xuất khẩu đối mặt với sức ép, và hệ thống tài chính cũng vậy, mà biểu hiện là ở cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản. Tăng trưởng kinh tế của nước này đang sụt giảm. Còn Mỹ, Friedman coi đó là một quốc gia cứ định kỳ đi tới điểm khủng hoảng, dường như tự giao chiến với chính mình, tuy vậy sau một thời gian lại tự tái tạo trong một hình thức vừa trung thành với khởi nguyên vừa khác biệt hẳn với chính mình trước đó. Theo ông, thập niên 2020 - 2030 là giai đoạn đem lại những biến chuyển mạnh mẽ và định hình lại chính phủ Mỹ cũng như chính sách ngoại giao, kinh tế và văn hóa Mỹ.

Một câu hỏi đặt ra: Việt Nam ở đâu trong kỷ nguyên này của thế giới?

Đã gần 50 năm chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, sống trong hòa bình (không kể hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc). Trừ 15 năm thời kỳ bao cấp, công cuộc Đổi mới kể từ đầu những năm 1990 đến nay cũng đã 35 năm. Nhiều người lâu nay vẫn cho rằng động lực cho phát triển do công cuộc Đổi mới lúc đầu mang lại nay đang cần một hơi thở mới mạnh mẽ hơn và đi vào chiều sâu hơn, tập trung vào cải cách thể chế, để đưa đất nước vượt lên bền vững, tránh cái bẫy thu nhập trung bình.

Nếu 35 năm là một kỷ nguyên, theo George Friedman, thì kỷ nguyên Đổi mới khởi đầu từ 1990 có lẽ đang khép lại để chuyển sang kỷ nguyên Đổi mới mới. Đó cũng là để đất nước vượt qua những thách thức có thể đến từ kỷ nguyên mới trên thế giới, với những biến động địa chính trị mạnh mẽ và những tác động khó lường trước biến đổi khí hậu.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tren-the-gioi-cac-ky-nguyen-ngay-cang-ngan-lai-46800.html