Xung đột Nga – Ukraine sẽ kết thúc trong năm 2025?
Khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, đã có nhiều dự đoán về 'hồi kết' cho chiến dịch quân sự này.
Bước sang năm 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều sự thay đổi, bao gồm sự trở lại của Tổng thống Donald Trump, tình hình trên chiến trường cũng như dư luận ở các nước châu Âu, nhiều người cho rằng đã đến lúc cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II cần khép lại.
Mới đây, trả lời phỏng vấn 4 cơ quan truyền thông Ba Lan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói “có” khi được hỏi về khả năng xung đột kết thúc vào năm 2025. Tuy nhiên, cuộc xung đột sẽ khép lại thế nào là một câu hỏi khó.
Theo các chuyên gia phân tích, khả năng kết thúc xung đột bằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài rất khó có thể xảy ra. Các chuyên gia nhận định dù Moskva tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng họ mong muốn một thỏa thuận để lại cho Moskva mức độ ảnh hưởng nhât định với Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine không muốn một thỏa thuận hòa bình bằng việc phải chính thức công nhận những phần lãnh thổ Nga đã sáp nhập và từ bỏ hy vọng buộc Nga phải chịu trách nhiệm về chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine.
Còn theo Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn làm Ngoại trưởng Mỹ, cả Nga và Ukraine đều sẽ phải nhượng bộ để chấm dứt xung đột.
Động thái của Nga và Mỹ
Truyền thông Mỹ đưa tin Nga và Ukraine đang bí mật tổ chức các cuộc đàm phán hạn chế tại Qatar về bảo vệ các cơ sở hạt nhân khỏi nguy cơ bị nhắm mục tiêu hoặc trao đổi tù binh. Trong khi đó, các quan chức Ukraine giấu tên cho biết Moskva và Kiev chỉ đối thoại về vấn đề trao đổi tù binh và đưa trẻ em hồi hương.
Theo Reuters, Nga cho biết nước này đã phát hiện ra sự thay đổi từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ của ông theo hướng nhìn nhận "thực tế" những gì diễn ra tại Ukraine. Nga xem đây là một dấu hiệu đáng mừng khi nước này chuẩn bị nghiên cứu kế hoạch chấm dứt xung đột.
Điện Kremlin nói rằng vẫn để ngỏ khả năng sắp xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Donald Trump. Theo đảng Cộng hòa, cuộc gặp này sẽ diễn ra "rất nhanh chóng".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây nói rằng Moskva sẵn sàng nghiên cứu ý tưởng của ông Trump về chấm dứt xung đột Ukraine sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1.
Theo ông Lavrov, Nga hoan nghênh sự thay đổi trong cách nhìn nhận của Tổng thống Mỹ Trump và đội ngũ của ông đối với nhận thức “thực tế” trên thực địa tại Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẵn sàng thảo luận về các đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng sẽ cần có sự đảm bảo của riêng mình rằng nước này không thể bị đe dọa ở biên giới phía tây giáp với châu Âu.
Vấn đề lãnh thổ và an ninh
Cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận ngoại giao, đây là quan điểm đã được nhiều chuyên gia đồng tình. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận này, hai bên cần phải thống nhất với nhau về một số vấn đề, trong đó có vấn đề lãnh thổ và an ninh.
Một thỏa thuận ngừng bắn có vẻ khả thi hơn vì Ukraine có dấu hiệu "mệt mỏi và kiệt sức và đang ở thế yếu" trong bối cảnh Nga giành được chiến thắng chậm chạp nhưng dai dẳng trên chiến trường. Theo đó, Kiev có thể chuẩn bị cho một thỏa thuận sẽ để lại phần lớn vùng đất mà lực lượng của Moskva hiện đang chiếm giữ dưới sự kiểm soát tạm thời và không chính thức của Nga.
Nhưng điều đó có thể là chưa đủ đối với ông Putin. Ông và các quan chức Nga khác đã nói rằng việc công nhận toàn bộ 4 tỉnh đã sáp nhập vào Nga là vấn đề không thể thương lượng, một lập trường mà Kiev khó có thể chấp nhận.
Một rào cản lớn hơn nữa là nhu cầu đảm bảo an ninh nghiêm túc và hiệu quả cho Ukraine.
Cụ thể, Nga kiên quyết phản đối Ukraine gia nhập NATO. Một trong những yêu cầu mà Moskva đưa ra trước đây là Ukraine cần cam kết không bao giờ trở thành thành viên NATO. Và các nhà phân tích cho biết điện Kremlin cũng gần như chắc chắn sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào mà họ có thể coi là tương đương thực tế với tư cách thành viên trong liên minh quân sự phương Tây.
Theo chuyên gia Nigel Gould-Davies, nếu các nước phương Tây "cố gắng lách luật này, để xây dựng thứ gì đó có nội dung nhưng không phải là hình thức đảm bảo, Nga rõ ràng sẽ không chấp nhận". "Rất, rất khó để thấy điều đó sẽ như thế nào", ông nói về một đảm bảo an ninh cho Ukraine phù hợp với cả hai bên.
Tuy nhiên, Bloomberg trích dẫn nguồn tin từ các quan chức châu Âu giấu tên cho biết các đồng minh châu Âu của Ukraine đang ngày càng lạc quan rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không gây sức ép buộc Ukraine miễn cưỡng chấp nhận một thỏa thuận hòa bình.
Sau các cuộc đàm phán kín với đội ngũ của ông Trump, các quan chức châu Âu nhận thấy có nhiều khả năng giới lãnh đạo mới của Mỹ sẽ tìm cách giúp Ukraine đàm phán với thế mạnh hơn.
Ông Trump đã cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột nhưng lại không đưa ra nhiều chi tiết về cách thức thực hiện điều này. Một đề xuất bị rò rỉ từ đội ngũ của ông Trump là đóng băng tiền tuyến, hoãn việc Ukraine gia nhập NATO trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu trên thực địa.
Quan điểm về chiến thắng
Trọng tâm thảo luận chính trong những tuần gần đây là viễn cảnh đưa quân đội phương Tây vào Ukraine trong trường hợp ngừng bắn. Nhưng có những bất đồng về vấn đề này ở châu Âu và Nga sẽ không hài lòng với điều đó.
"Điện Kremlin sẽ không muốn thấy quân đội phương Tây, đặc biệt là quân đội NATO, dọc theo ranh giới kiểm soát việc giám sát lệnh ngừng bắn", Greene cho biết, bởi vì "Nga muốn duy trì quyền chủ động".
"Câu hỏi đặt ra là, liệu Kiev và phương Tây có thể buộc Moskva vào vị thế không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận một thỏa thuận như vậy không?", Gould-Davies nói thêm.
Viễn cảnh này khó xảy ra bởi Nga đang tiến vào chiến trường, trong khi những cam kết về hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine là không chắc chắn.
"Vào thời điểm này, ông Putin tin rằng quan điểm về chiến thắng của ông đang được chứng minh. Về lâu dài, Nga đủ lớn và đủ cứng rắn để áp đặt và chịu chi phí chống lại đối thủ nhỏ hơn là Ukraine, nghiền nát họ về mặt quân sự và vượt trội hơn phương Tây về mặt chính trị", Gould-Davies cho biết.
"Điều đó chỉ có thể thay và buộc ông Putin phải có cái nhìn khác về tương lai là nếu chính quyền Tống thống đắc cử Donald Trump gây áp lực thực sự đối với Nga", ông chỉ ra.
Ngoài việc ám chỉ rằng ông sẽ sử dụng các mức viện trợ cho Ukraine làm đòn bẩy gây ảnh hưởng đối với cả Kiev và Moskva, ông Trump gần như chưa vạch ra kế hoạch để chấm dứt xung đột trong thời gian tới.
Có những tín hiệu khác cho thấy ông Trump không có ý định cắt hoàn toàn viện trợ cho Ukraine như một phần trong kế hoạch giải quyết cuộc xung đột.
Chia sẻ với tạp chí Time, Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ không "bỏ rơi" Ukraine, mặc dù chỉ trích chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vì đã cho phép các cuộc tấn công tầm xa trên đất Nga.
Theo Financial Times, ông Trump đã nói với các đồng minh châu Âu rằng ông có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong khi yêu cầu các nước này tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP. Điều này tương tự như lời kêu gọi trước đó của ông Trump đối với châu Âu về việc đảm nhận trách nhiệm lớn hơn cho cả quốc phòng của Ukraine và an ninh của chính châu Âu.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xung-dot-nga-ukraine-se-ket-thuc-trong-nam-2025-ar919144.html