Trên từng vuông đất được hồi sinh

Những dự án rà phá bom mìn đầu tiên với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế đến với Quảng Trị từ năm 1996. Chỉ mới 23 năm! Nhưng nếu kể ra một ấn tượng về 30 năm qua, kể từ ngày lập lại tỉnh, tôi sẽ nghĩ tới hàng trăm nhân viên của các đội rà phá bom mìn đã đối mặt với tử thần, tháo gỡ hàng vạn quả bom đạn, trả lại bình an cho hàng vạn hecta đất đai. Trên mảnh đất tử thần ẩn nấp hôm qua, hôm nay mọc lên làng mạc, vườn cây và cuộc sống đâm chồi nảy lộc.

 Đinh Ngọc Vũ thuyết minh về tình hình ô nhiễm bom mìn trên quê hương Quảng Trị. Ảnh: LĐD

Đinh Ngọc Vũ thuyết minh về tình hình ô nhiễm bom mìn trên quê hương Quảng Trị. Ảnh: LĐD

Trong định danh về Quảng Trị, ai cũng nghĩ đến hai điều: Gió Lào và cát trắng như là chỉ dấu về sự khắc nghiệt của thiên nhiên và bom đạn hậu chiến dày đặc. Để tồn tại trên vùng đất hai lần thử thách như thế, đã sinh ra cái tính cách của người Quảng Trị, can trường và bất khuất, chịu thương chịu khó và đôn hậu bao dung.

Những mảng màu hi vọng

Đinh Ngọc Vũ là một trong số những người trẻ đã trưởng thành từ dự án hồi sinh cho đất đai quê hương, dù anh tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ rồi thạc sĩ Quản trị kinh doanh và lẽ ra anh đã thành một phóng viên thể thao. Nhưng rồi từ một nhân viên phiên dịch của dự án MAG ở Quảng Trị, Vũ đã trở thành một chuyên gia “top 100” của tổ chức rà phá bom mìn quốc tế NAP, không chỉ ở Việt Nam mà qua tận bạn Lào…Và bây giờ, anh lại về quê nhà với cương vị Phó Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn Quảng Trị (QTMAC).

Khoát cánh tay vẽ một vòng tròn bao quát trên tấm bản đồ tỉnh Quảng Trị rộng hơn 10 m2 che kín bức tường phòng khách của Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, Đinh Ngọc Vũ nói với tôi: “Anh thấy đó, những mảng màu xanh là kí hiệu của những diện tích đất ô nhiễm bom chùm đã được rà phá an toàn, màu đỏ là những vùng chưa rà, màu vàng sẫm là những xã đã hoàn thành khảo sát kĩ thuật, màu vàng nhạt là đang khảo sát và màu trắng là vùng chưa khảo sát. Không cần số liệu, chỉ cần nhìn các mảng màu trên tấm bản đồ này là đủ hình dung ngay hiện trạng ô nhiễm bom mìn ở Quảng Trị và cứ lấy cái mốc khởi đầu các dự án hỗ trợ cho công tác này là từ 1996, thì 23 năm qua, số tiền dành cho công việc này đã lên tới con số 80 triệu USD. Tuy nhiên, những công sức tiền bạc bỏ ra chỉ mới mang lại an toàn cho một phần rất nhỏ đất đai ở Quảng Trị, nếu lấy tỉ lệ này chia cho mức độ ô nhiễm bom mìn cả nước thì con số tính toán mất thêm hàng thế kỉ nữa mới an toàn cho đất đai là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng cũng không thể vì cái mốc thời gian quá hun hút ấy mà không bền bỉ với công việc mang lại an toàn cho từng mét vuông đất, cho dù nó dài bằng rất nhiều đời người”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị vẫn là một trong những tỉnh có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất Việt Nam: Khoảng 80% tổng diện tích đất tự nhiên được xác định bị ô nhiễm bom mìn (trong khi tỉ lệ trung bình của toàn quốc là khoảng 20%), toàn tỉnh có 8.536 người thương vong do bom mìn kể từ 1975, chiếm 1,54% dân số toàn tỉnh. Trong đó có 3.431 người bị chết và 5.105 người bị thương, 391.500 ha đất đai trên tổng số 461.297 ha diện tích toàn tỉnh bị ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ. Theo tốc độ rà phá như hiện nay, mỗi năm tỉnh sẽ làm sạch từ 2.300-2.500 ha đất thì phải…165 năm nữa mới rà phá hết bom mìn trên địa bàn. 165 năm, đó là một khoảng thời gian không ai có thể hình dung được. Nhưng một phi vụ của máy bay ném bom từ sân bay đến những miền đất này chỉ mất vài tiếng và những cuộc đời bị cướp đi khi ánh chớp bom đạn lóe lên chỉ là một phần vạn giây. Những đại lượng thời gian trong câu chuyện bom mìn quả là khủng khiếp. Kể từ khi tìm hiểu về nỗi đau hậu chiến, nhất là hậu quả bom mìn, tôi có ngót 30 năm lăn lóc trên miền đất Quảng Trị, những câu chuyện về những phận đời tang thương bởi bom mìn không hề xa lạ, nhưng lắm khi sự tàn khốc trớ trêu của nó nằm ngoài mọi hình dung. Nhưng may mắn thay cho miền đất thương tích này, những bàn tay ân tình từ nhiều phương trời đã chìa ra tin cậy, cùng nhau xây dựng lại tất cả, trên những vùng đất tử thần rình rập. Và để có mảnh đất bình yên cho người dân vun trồng, những nhân viên rà phá bom mìn ấy có người đã ngã xuống.

Ba năm trước, đội trưởng Ngô Thiện Khiết của Đội khảo sát dấu vết bom chùm thuộc dự án RENEW đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng. Một đồng đội khác của Khiết, anh Nguyễn Văn Hảo bị trọng thương. Sau 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, đây là lần đầu tiên, nhân viên của dự án RENEW bị thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ hồi sinh cho những vùng đất chết vì ảnh hưởng bom mìn hậu chiến ở Quảng Trị. Nhiều lần tiếp xúc với các nhân viên rà phá bom mìn ở Quảng Trị, tôi biết Ngô Thiện Khiết là một trong những chuyên gia “thiện chiến” nhất trong số nhân viên của các dự án rà phá bom mìn đang hoạt động tại Quảng Trị hơn 20 năm qua. Nhưng điều bất ngờ hơn khi tôi đến nhà của anh Khiết để trao giải “Bạn đồng hành quanh tôi” của Báo Tuổi Trẻ truy tặng, bà Trần Thị Cúc, -đã hơn 90 tuổi - mẹ của anh nói rằng: Hòa bình rồi nghĩ sẽ không đứa con nào chết vì bom đạn nữa, vậy mà Khiết lại chết. Bởi trong chiến tranh, người con đầu của bà là Ngô Dũng, đi hoạt động cách mạng, hi sinh vì trúng bom. Năm 1974 người con thứ bảy là Ngô Thoảng chết vì vấp phải bom bi khi mới 14 tuổi. Vậy mà sau gần 50 năm hòa bình, thêm một người con nữa của bà lại nằm xuống vì bom đạn.

Kể ra những nỗi đau đạn bom hậu chiến ở Quảng Trị chắc chắn không thể nói hết những tang thương của mảnh đất này, nhưng sẽ hiểu hơn rằng, mang lại bình yên cho những cánh đồng, những khu vườn là một cuộc chiến còn rất đỗi cam go.

Những người trẻ dệt giấc mơ bình yên cho đất

Cũng như Đinh Ngọc Vũ, ở dự án RENEW tôi đã gặp một cô gái Quảng Trị vóc dáng nhỏ nhắn rất “liễu yếu đào tơ” như cách mô tả về phụ nữ, nhưng cô lại chính là người quản lí hàng trăm nhân viên ngày ngày đối mặt với bom mìn- cô là Nguyễn Thị Diệu Linh!

 Một vụ hủy bom sau khi tháo gỡ ở bãi hủy xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Ảnh: LĐD

Một vụ hủy bom sau khi tháo gỡ ở bãi hủy xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Ảnh: LĐD

Vốn sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, bom đạn hậu chiến với tôi là chuyện cơm bữa. Trong những kỉ vật quý giá của gia đình, tôi vẫn cất giữ vỏ một quả bom bi loại BLU26. Cha tôi, gần 40 năm trước khi đi làm rẫy đã cuốc phải một quả bom loại BLU26 này và qua đời. Để những đứa con của mình sau này, không phải khó khăn khi hình dung về cái chết của ông nội, tôi đã đi kiếm cái vỏ bom bi ấy cất đi để sau này giải thích cho chúng. Thỉnh thoảng tôi vẫn lấy vỏ quả bom ra ngắm nhìn như một mảnh kí ức buồn đau. Tôi nghĩ mình tự tin vào chuyện bom đạn ở quê hương và khó có điều gì có thể làm tôi ngạc nhiên. Thế nhưng điều ngạc nhiên ấy không đến từ chuyện đạn bom mà đến từ chuyện con người. Như Diệu Linh, cô gái bé nhỏ “như cái kẹo” này, lại đang đảm trách một công việc mà thoạt nghe, không ai nghĩ lại dành cho phái yếu. Mấy năm trước, Linh được bổ nhiệm vào chức vụ Quản lí hoạt động kĩ thuật rà phá bom mìn tại Renew khi cô mới 32 tuổi. Linh cũng đã có chứng chỉ Tiêu chuẩn Hành động bom mìn quốc tế cấp độ 2 về xử lí bom mìn do NPA cấp và trải qua các khóa tập huấn nâng cao dành cho các nhà quản lí hành động bom mìn do Đại học James Madison (Hoa Kỳ) tổ chức tại Jordan năm 2009. Hôm cùng tôi vào hiện trường vùng đồi phía tây xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, nơi có một đội khảo sát dấu vết bom chùm đang làm việc, nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của Linh và các thao tác dứt khoát khi giới thiệu hiện trường, công việc của đội mới thấy nội lực tiềm ẩn trong vóc dáng nhỏ nhắn của cô. Những người như Vũ, như Linh với khát vọng trả lại bình yên cho đất đai quê nhà thực sự là một cảm xúc lay động khi nghĩ về quê hương Quảng Trị.

Trở lại với tấm bản đồ Quảng Trị dày đặc những mảng màu đỏ treo choán kín bức tường phòng họp, Đinh Ngọc Vũ nói với tôi: “Dù con số tính toán là 165 năm để làm sạch bom mìn trên miền đất Quảng Trị là một cách tính không sai của phép tính số học. Nhưng cũng có một cách khác, đó là phát triển một hệ thống quản lí vững chắc để giúp người dân được an toàn ở tất cả các khu vực có phát hiện vật liệu chưa nổ nhằm đạt mục tiêu đến năm 2024-2025, đất đai Quảng Trị có thể được coi là an toàn”.

Dường như biết tôi không thể hình dung nổi hai cách tính toán ấy, 165 năm và 5 năm, tính từ mốc 2019, Vũ giải thích luôn: “Vấn đề là phương pháp thực hiện để đạt được mục tiêu an toàn. Ví dụ như trong ngôi nhà của mình vậy, nó an toàn với người lớn nhưng có những khu vực không an toàn với trẻ em, ví như khu vực các ổ cắm điện, bếp gas... Vấn đề là sẽ tìm cách khu trú các khu vực không an toàn ấy lại, không cho các em nhỏ tiếp xúc được với vùng không an toàn, khi đó ngôi nhà sẽ được coi là an toàn. Cũng tương tự thế, không thể rà phá hết 100% diện tích đất ô nhiễm bom mìn bởi thế nào cũng có những sai sót, do đó các đơn vị đang hoạt động dưới sự điều phối của QTMAC sẽ khảo sát kĩ thuật và khoanh vùng khu biệt, xác định vùng đất này bị ô nhiễm bom mìn, không thể canh tác hay tổ chức hoạt động, người dân không được tiếp cận, làm như thế sẽ đạt được mục tiêu “quản lí tốt” thay cho công việc “làm sạch” đòi hỏi kéo dài hàng trăm năm.

Có một vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện việc khảo sát vật liệu nổ để tiến tới quản lí chặt chẽ các diện tích ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là con người tác động khá nhiều đến hiện trường, ví như trong thời gian là chuyên gia tại Lào, công việc của các nhân viên rà phá bom mìn thường triển khai trong những vùng hẻo lánh, trong một tháng, công việc kéo dài liên tục 22 ngày và được ra khỏi rừng nghỉ ngơi 8 ngày. Các khu vực trên đất Lào hầu hết vẫn được giữ nguyên hiện trường, dựa trên các vị trí khảo sát phát hiện được vật liệu nổ, chủng loại…chúng tôi có thể thiết lập được bản đồ ô nhiễm bom mìn khá chính xác, trong khi đó ở Việt Nam các vật liệu nổ thường bị xáo trộn hiện trường, trong quá trình canh tác, người dân tự động di chuyển vị trí, điều đó khiến cho việc thiết lập vùng ảnh hưởng ô nhiễm gặp khó khăn. Cho dù thế, thì tại Quảng Trị, trong 5 năm tới sẽ hoàn thành mục tiêu quản lí an toàn và rà sạch các khu vực xác định nguy hiểm trên địa bàn”.

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140308