Treo cờ ngày Tết
Khu phố tôi ở cũng như các khu dân cư trên cao nguyên ngày cận Tết, dù rất bận rộn nhưng nhiều gia đình vẫn tự giác treo cờ Tổ quốc. Nhà nào cũng háo hức treo cờ với niềm tự hào, tự tôn dân tộc vốn hiện hữu trong tiềm thức của mỗi người.
Những năm trước, với sự đồng tình, ủng hộ của người dân, vị trí chôn cọc, kích thước cán cờ, kiểu cách được làm tập trung, thống nhất. Cờ Tổ quốc được treo phía trước, thẳng hàng, liền mạch nối tiếp giữa các ngôi nhà, rực đỏ khắp dãy phố, đường quê, trông rất đẹp mắt và trang trọng.
Với bà con ngư dân, trước mỗi chuyến vươn khơi, bám biển thì ngoài những nhu yếu phẩm, vật dụng bảo đảm cần thiết, một thứ không thể thiếu trong hành trang ấy là những lá cờ Tổ quốc. Mỗi chiếc tàu, mỗi chiếc thuyền của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió chính là những “cột mốc” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc giữa trùng khơi.
Nhớ lần tham gia thiện nguyện tại xã nghèo của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, chúng tôi làm trụ, cột để treo cờ tại một điểm trường mầm non. Lúc lá cờ được treo lên, nhiều em nhỏ đồng thanh hô vang: Cờ đỏ sao vàng, cờ Tổ quốc. Còn có nhiều ngư dân tôi gặp chia sẻ, khi hành nghề giữa biển khơi, nhìn thấy cờ Tổ quốc trên các tàu, cảm thấy thiêng liêng, rạo rực, như thấy Tổ quốc ở trong tim.
Theo Hiến pháp hiện hành, quốc kỳ (cờ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Còn ý nghĩa của các biểu tượng, màu sắc hợp nên lá cờ đã được lịch sử ghi lại và đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là nền cờ màu đỏ tượng trưng dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin, tinh thần hy sinh, chiến đấu cách mạng của nhân dân Việt Nam, ngôi sao màu vàng tượng trưng ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng, nó còn là màu da vàng và năm cánh sao tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Song ý nghĩa này không phải ai cũng tỏ tường. Chính vì thế, từ lâu đã có hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để khi thực hiện các nghi lễ tạo sự thống nhất...
Trong không khí Tết đến, xuân về, các địa phương, cơ quan, công sở, đơn vị, khu dân cư còn treo cờ Đảng, cùng với cờ Tổ quốc mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Treo cờ ngày Tết, những ngày lịch sử trọng đại của đất nước không những tạo cảnh quan để khu phố, xóm làng trang hoàng, đẹp hơn mà còn có giá trị giáo dục lịch sử truyền thống, tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn cách mạng. Những giá trị này cần được giữ gìn, phát huy thành truyền thống, nét đẹp văn hóa để trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm trong mỗi người dân Việt Nam.
Treo cờ ngày Tết-hành động tuy nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/treo-co-ngay-tet-716923