Trèo lên trái núi Thiên Thai

Từ lúc là một đứa trẻ đến khi trưởng thành, người Việt của hàng trăm năm đã sống với việc đo chiều cao và bề rộng sinh quyển của họ bằng cặp đôi thực thể non - nước.

Câu chuyện kể về cuộc cầu hôn công chúa Mỵ Nương con vua Hùng giữa hai vị thần núi và thần nước, mà trong đó, không quá khó để nhận thấy sự thiên vị của người Việt dành cho vị thần núi. Trong câu chuyện mà ai nấy đều thuộc, lễ vật thách cưới gồm “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” đều là những động vật trên cạn, và quan trọng hơn, là địa bàn của Sơn Tinh tức thần núi Tản Viên, để vị thần này dễ dàng mang lễ vật đến trước. Qua đó, người Việt đã ngầm xác nhận “núi” là địa bàn quen thuộc của họ. Hơn thế nữa, trong thời sử được chép thành văn, họ đã tôn vinh thần Tản Viên là đệ nhất trong Tứ bất tử, bốn vị thần tối cao của tín ngưỡng dân gian.

Trong một phiên bản được đưa vào sách giáo khoa đã nhiều thế hệ học sinh tiểu học, câu ca dao kết truyện: “Núi cao sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”, gần đây đã bị nhiều người phê phán. Lập luận của họ là câu ấy không giáo dục được những đức tính tốt đẹp mà ngược lại, kích động thù hận. Những tranh cãi này nằm trong số rất nhiều điều đang được xét lại dưới nhãn quan hiện đại, nhằm lọc bớt các yếu tố “nhạy cảm” đối với thời nay, trong đó những truyền thuyết hay truyện cổ tích là thứ bị đụng tới đầu tiên.

Tuy nhiên, trước khi được gán những giá trị đạo lý, truyền thuyết quan trọng bậc nhất của người Việt cũng như câu ca dao này mang chức năng nguyên thủy của chúng: kể về quá trình tạo dựng cộng đồng của người Việt cổ, phản ánh nhận thức của họ trước khi bị những “nhuận chỉnh” của đời sau làm biến dạng.

Ở đây, câu chuyện khi được kể cho bất cứ đứa trẻ nào vẫn khắc vào tâm trí nó phạm trù song đôi: núi cao và sông dài, tương ứng là tên hai nhân vật chính – Sơn và Thủy. Từ lúc là một đứa trẻ đến khi trưởng thành, người Việt của hàng trăm năm đã sống với việc đo chiều cao và bề rộng sinh quyển của họ bằng cặp đôi thực thể non nước.

Bìa bản nhạc Sơn Tinh - Thủy Tinh (Nguyễn Hữu Nhuận), NXB Thế Giới 1949.

Nhất cao là núi Tản Viên, nhất sâu là vũng Thủy Tiên cửa Vường” – câu ca dao có nhiều dị bản đem lại một ý niệm cho người đọc hiện đại khi họ xác định vị trí các địa danh trên bản đồ: kích thước của thế giới tự nhiên trong đời sống người Việt xưa được quy định trong một phạm vi không quá rộng. Những địa danh trên đều chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 80km, thậm chí nằm trong châu thổ sông Hồng.

Núi Tản Viên với độ cao 1.281m trên dãy Ba Vì chỉ là một ngọn núi trung bình trên lãnh thổ Việt Nam, thậm chí chỉ cao thứ hai trong “Ba Vì” song trong vốn văn hóa người Việt, đỉnh núi này đã thành giới hạn có thể đo lường được trong thế giới quan của họ. Đơn giản là núi Tản đã được khoác vầng mây thần thoại.

Truyền thuyết thần Tản Viên cho đến thời hiện đại vẫn xuất hiện rất sống động trong những tác phẩm như bài thơ Sơn Tinh - Thủy Tinh (1933) của Nguyễn Nhược Pháp hay truyện ngắn Trên đỉnh non Tản (1939) của Nguyễn Tuân. Các tác giả văn học thời thuộc địa cho thấy chính họ là những người nặng lòng lưu luyến những dấu vết huyền hoặc cổ xưa, tác phẩm của họ mang sự khao khát phục dựng lại tính nguyên bản đã bị phôi phai khi các giá trị truyền thống “ngày xưa” suy tàn chỉ còn “vang bóng một thời” (đều là tên các tập thơ hay truyện, cũng đầy ý nghĩa), trong khi quá trình Âu hóa do cưỡng bách thuộc địa thắng thế. Ba Vì khi ấy đã được người Pháp khám phá, đo đạc và thậm chí xây dựng làm nơi nghỉ mát, vì thế điều mà Nguyễn Nhược Pháp hay Nguyễn Tuân có thể làm được là thoát ly thực tại, áp đặt trí tưởng tượng, thứ vốn dĩ là đặc sản của chủ nghĩa lãng mạn.

Nhà thơ viết “Sơn Tinh có một mắt ở trán”, còn nhà văn làm thế nào để kể lại một tích truyện đã quá ư quen thuộc? Ông sáng tạo nên một câu chuyện thứ hai, bên cạnh những gợi nhớ đến truyền thuyết xa xưa:

Chính cái hạnh phúc trên non Tản và lòng ghen của một ông hoàng tử Nước kia đã thành câu hát của người xứ Đoài: “Núi cao sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Trẻ con tỉnh Đoài, đến bây giờ vẫn còn hay hát. Vừa hát vừa nghe hát vừa trông lên cái chỏm non Tản: trông xa như hình một cái tán đá, non kia vòi vọi đã là cả một thế giới bí mật, của huyền ảo.

… Ở trên ấy đẹp lắm. Ngày tháng thì dài, mà không thấy sốt ruột… Nhưng, ác cái những chuyện rừng lại không được thuật lại. Hôm hoàn thành công việc sửa đền, lúc sắp xuống núi, thần non Tản đã gọi cả hai hiệp thợ mộc và thợ ngõa lại, đưa mỗi người nuốt một lá trúc xe điếu và dặn tất cả bấy nhiêu người: “Thôi nhá, chuyện chi để đó. Các ngươi về làm ăn dưới ấy cho yên ổn”. Cái lá trúc xe điếu ấy là một con dao găm, một con trúc đao có phép thuật kết liễu đời kẻ nào bép xép lỡ mồm tiết lộ đến thiên cơ thần cơ. Mỗi người thợ hạ sơn là đem theo trong mình một lời đe loi của Thần Non Cao và cả một cái bí mật của ngàn xanh”.

Những người thợ trong truyện đã có bài học nhãn tiền: kẻ trót tiết lộ về “đỉnh non Tản” đã bị cái lá trúc cứa cổ mà chết. Ở đây, các tác giả đắm chìm trong không gian và thời gian phi thực, cũng là nhờ chất liệu lãng mạn sẵn có của truyền thuyết.

Nguyễn Nhược Pháp tìm thấy vẻ quyến rũ của một câu chuyện tình yêu vĩnh cửu: “Thủy Tinh năm năm dâng nước bể/ Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương/ Trần gian đâu có người dai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường!”. Còn Nguyễn Tuân, người sẵn duyên nợ để viết về bi kịch của những cái đẹp, dường như quá đỗi kiêu bạc khi muốn nói, vẻ đẹp thần thoại của non cao chẳng thể dành cho chốn bình địa phàm phu. Có lẽ khi viết truyện ngắn trên, ông cũng chẳng bận tâm việc “trẻ con tỉnh Đoài” có bị tổn hại tâm hồn khi hát câu ca dao về báo oán với đánh ghen, bởi lẽ đấy là thành tố văn hóa sẵn có. Ngày nay, khi chủ động hay bị bắt buộc viết lại cổ tích cho “tốt hơn”, chúng ta cũng xóa mất những dấu vết ấy.

***

Trong cương vực quốc gia hiện đại, những ngọn núi cao nhất như Phan Xi Păng (Fansipan), dường như chỉ xuất hiện trong kiến văn người Việt khi thế giới kinh sách “Hán tự văn hóa quyển” đã chấm dứt ảnh hưởng trực tiếp. Trong danh sách 22 ngọn núi cao trên 2.000m ở Việt Nam, hầu như không có một cái tên Hán Việt hoặc “tên chữ” mà các triều đại phong kiến đặt cho như những các ngọn núi vùng gần với châu thổ.

Có thể nhận thấy hệ thống văn bản địa danh thời tiền thuộc địa chỉ mới tiếp cận các đỉnh thấp hơn như Tam Đảo (1.591m), Tản Viên (1.281m), Yên Tử (1.068m) hay Ngự Bình (chỉ cao 103m)… Bản đồ Việt Nam hiện đại sử dụng những cái tên do đồng bào dân tộc thiểu số gọi các ngọn núi cao nhất: Phan Xi Păng, Tà Xùa, Tả Chì Nhù hay Ngok Linh (Ngok nghĩa là núi, đã Việt hóa thành Ngọc Linh)…

Nhưng Tản Viên với khoảng cách vừa phải so với các trung tâm văn hóa truyền thống của người Việt, nằm ở vào cái thế phối hợp với những con sông lớn như sông Hồng, sông Đà hay trong truyền thuyết xưa nhắc đến những sông Hát, sông Tích, sông Lý Nhân, trở thành ngọn núi lý tưởng trong không gian văn sử. Trong phạm vi địa lý của châu thổ Bắc bộ, nơi cố kết một hình thái cư trú cả nghìn năm, các văn sách cổ điển tràn ngập tên núi non. Ngay ở Hà Nội, nơi tên gọi và địa thế gắn chặt với những dòng sông thì trung tâm của kinh thành xưa, điện Kính Thiên, cũng được sử ghi rằng xây trên một ngọn núi thấp tên là Nùng Sơn hay còn có tên Long Đỗ.

Khi thành địa bàn cho những tập tục văn hóa, một mỏm đất cũng có thể là danh sơn. Một mặt, hệ thống các tên núi mang dấu vết của lối sống chọn nơi cao ráo ở vùng bán sơn địa, khi châu thổ còn đang trong quá trình bồi đắp. Mặt khác, thẩm mỹ về những “tiền án hậu chẩm” khi xây dựng các công trình tôn giáo tín ngưỡng đã khiến cho những ngôi chùa nổi tiếng có lịch sử lâu đời gắn với những ngọn núi, như chùa Long Đọi trên núi Đọi Sơn, Phật Tích (núi Lạn Kha), Thầy (Sài Sơn), Tây Phương (Câu Lậu), Hương Tích (Hương Sơn), Trầm (núi Tử Trầm). Những cấu trúc gắn với núi trong Phật giáo thừa hưởng hình tượng núi Tu Di, trung tâm của vũ trụ. Núi Tu Di trong các đồ án mỹ thuật tạo tượng là một cấu trúc hình bệ có thắt eo, mà dường như những mô tả về núi Tản Viên cho thấy một ý niệm gần gũi: “gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản”.

Tháp chùa Phật Tích, tranh minh họa của Nguyễn Đỗ Cung, bìa báo Ích Hữu 10.11.1936.

Tháp chùa Phật Tích, tranh minh họa của Nguyễn Đỗ Cung, bìa báo Ích Hữu 10.11.1936.

Ở một ngữ nghĩa quen thuộc với người Việt hơn, cặp bài trùng “núi-sông” đã thành đại diện cho ý niệm đất nước, quốc gia, trong đó núi gắn với huyền thoại về Âu Cơ - mẹ Tiên. Các triều đại thừa hưởng một cảm thức coi núi non mang tính linh thiêng, nhiều nơi phát tích các dòng vua chúa mang tên những ngọn núi. Vua Hùng, nhân vật cũng mang sắc thái huyền hoặc không kém thần Tản Viên, có đền thờ đặt trên núi Nghĩa Lĩnh (lĩnh cũng là núi).

Những bài học lịch sử đậm đặc các cuộc khởi nghĩa ở các vùng sơn cước: núi Nưa với Bà Triệu, Lam Sơn gắn với Lê Lợi hay Tây Sơn gắn với Nguyễn Huệ. Trong tứ trấn bao quanh Thăng Long, hai trấn mang tên Sơn Tây và Sơn Nam. Các tên gọi tự thân đã làm công việc truyền bá nhận thức về phương vị địa lý lẫn văn hóa lịch sử, bởi vậy khi người Việt nghĩ về núi là về một mốc thực địa (landmark) đã có ngay ý niệm về một ký ức được đắp bồi cao hơn bình địa. Núi tựa như ẩn ức về một nấm mộ khổng lồ, chôn giấu quá khứ bên dưới, giống những kim tự tháp cất những bí mật bất tận.

***

Vùng địa lý người Việt cư trú qua nhiều thời đại đã được định vị một hệ thống núi non nhờ nền sách vở Nho học lẫn kho tàng thành ngữ dân gian, kèm theo là những cảm hứng về thế sự, đạo lý làm người. Như truyền thuyết lẫn văn chương về thánh Tản Viên đã cho thấy, người Việt nuôi một cảm hứng chinh phục các ngọn núi là vì một phức cảm muốn đạt tới chốn thoát tục, gần với “trời” hay một chốn Thiên Thai nằm ẩn trong một chốn sơn dã đầy lý tưởng. “Đăng sơn” đã không chỉ thuần túy một hoạt động mà thành một ý niệm triết lý, thậm chí tạo ra những motif về hình tượng con người suốt thời trung đại. Người Việt quen thuộc với những câu thơ Đường nói lên cái chí nơi non cao, và bản thân họ cũng sản sinh ra những câu thơ như “Hữu thì trực thướng cô phong đính/ Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Có khi lên thẳng đỉnh núi cô độc/ Thét một tiếng vang lạnh cả trời – thơ Không Lộ thiền sư thời Lý).

Trong nhiều trường hợp, danh sơn ra đời là nhờ các văn nhân phủ lên nó những huyền thoại mới, bên cạnh những truyền thuyết mang tính tín ngưỡng. Người xưa có thể xây dựng đền chùa gắn với núi vì dấu vết tập tục bái thạch giáo. Nhưng chính là nhờ quá trình tạo nghĩa bằng thi ca, bi ký của các văn nhân hoặc các thiền sư, non cao mới đồng nhất thành nơi trú ngụ của những phẩm cách thoát tục trong một thế giới mà bản thân việc lên núi hàm chứa những tuyên ngôn.

Phong cảnh Sài Sơn, tranh lụa của Công Văn Trung.

Phong cảnh Sài Sơn, tranh lụa của Công Văn Trung.

Phép chiết tự chữ Hán đã cho biết chữ Tiên chính là cấu tạo từ bộ Nhân và chữ Sơn, nghĩa là người trên núi. Hệ thống truyện thần tiên Việt Nam đã thừa hưởng ý niệm này, cho ra đời những huyền thoại liên quan đến một tâm thức phiêu lưu mà kỳ thực, ẩn sau việc lên núi là hành trình tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu: “Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên” (Thiên Thai – Văn Cao, 1941). Nhưng tiên cảnh với người Việt đã được bản địa hóa sâu sắc, đặc biệt trong khung cảnh núi non nước Việt.

Câu chuyện Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai đời Hán đã được Việt hóa thông qua câu chuyện được Nguyễn Dữ viết trong Truyền kỳ mạn lục ở thế kỷ 16. Động tiên ở Chiết Giang (Trung Quốc) đã được chuyển sang Nga Sơn (Thanh Hóa, Việt Nam), còn hai chàng Lưu Thần - Nguyễn Triệu hợp nhất thành Từ Thức tri huyện Tiên Du xứ Bắc Ninh (cái tên huyện rất liên quan, phải không nhỉ?).

Câu chuyện của Việt Nam còn chuẩn bị cuộc gặp gỡ tiền định giữa Từ Thức và nàng tiên ở hội hoa mẫu đơn sân chùa trong huyện Tiên Du, mà đời sau đã cho rằng là chùa Phật Tích. Ngôi chùa này nằm trên núi Lạn Kha, nghĩa là rìu nát, gắn với sự tích Vương Chất, người tiều phu lên núi mải xem hai vị tiên chơi cờ đến lúc cán rìu mục, quay về nhà thì đã trải qua hàng trăm năm và không ai còn nhớ đến anh ta nữa. Dĩ nhiên đây cũng là một tích truyện có nguồn gốc Trung Quốc, cái tên Lạn Kha có từ ngọn núi cũng ở tỉnh Chiết Giang, cách núi Thiên Thai 300km. Một điều đáng lưu ý là không gian huyền hoặc này đã được sao chép và hoàn thiện ở vùng Bắc Ninh, khi cách chùa Phật Tích 20 cây số về phía nam sông Đuống có một ngọn núi cũng mang tên Thiên Thai.

Đến đây, chúng ta bắt đầu cảm nhận về một không gian được hình thành giữa các ngọn núi mang tính “điển phạm”. Nhưng không gian ấy chỉ thực sự ý nghĩa khi mang sức sống nội tại của cộng đồng hơn là thơ văn ngâm vịnh của nho sĩ. Khi núi Thiên Thai, Lạn Kha nằm bên dòng sông Đuống, cái nôi của “những hội hè đình đám/ Trên núi Thiên Thai, trong chùa Phật Tích” (thơ Hoàng Cầm), chúng làm nên không gian mới, thoát ly cái gốc nặng về điển cố:

Trèo lên trái núi Thiên Thai
Thấy đôi con chim loan phượng là anh chàng ơi
Mà này cũng có ăn xoài…
Chàng buông vạt áo em ra
Để em là em đi chợ kẻo đà chợ trưa
Chợ trưa rau sẽ héo đi
Lấy chi nuôi mẹ lấy gì nuôi em
Lý tang lý tang tình tang
Ố tình là em mong tình

(Lý Thiên Thai – dân ca quan họ Bắc Ninh)

Lời ca kết bằng câu “em mong tình” nhắc người nghe rằng đây là một khúc hát quan họ giao duyên chứ không phải câu chuyện một huyền tích đầy tiếc nuối về chốn tiên cảnh đã mất. Núi Thiên Thai hẳn nhiên là một chốn huê tình tạo ra cái cớ huê tình. Có cô gái nào đi chợ mà trèo lên trái núi ấy? Núi Thiên Thai ở Bắc Ninh cũng được “chế tạo” cùng một cơ chế với những hòn vọng phu có hẳn tên gọi là Tô Thị ở Đồng Đăng, hay những danh sơn chứa đựng các câu chuyện khiến người Việt cảm được rằng đấy là thế giới của họ. Từ Tản Viên cho đến những ngọn núi có tên trong không gian văn hóa người Việt, chúng làm nên một bức địa đồ thứ hai bên cạnh tấm bản đồ quy ước.

Nguyễn Trương Quý

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/treo-len-trai-nui-thien-thai-28071.html