Tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm ý nghĩa, thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ người Việt Nam trước những đóng góp, hy sinh thầm lặng mà lớn lao của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ nhiều năm nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn Hà Nội đều có người chăm sóc thường xuyên, có các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) sống vui vầy bên con, cháu.

Biểu tượng của sự hy sinh thầm lặng, cao cả

Những ngày tháng 7-2020, ngôi nhà của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1932, tổ dân phố Ngọa Long 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) liên tục có các đoàn khách tới thăm.

Mẹ Nguyễn Thị Xuyến sinh được 6 người con (4 trai, 2 gái). Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Mỹ, con trai cả của mẹ là Nguyễn Huy Vở (sinh năm 1953) đã nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ rồi hy sinh vào ngày 12-5-1972. Tiếp bước anh trai, người con trai thứ hai của mẹ là Nguyễn Huy Phong (sinh năm 1955) nhập ngũ tháng 1-1973. Đến đầu năm 1975, một lần nữa mẹ nhận được giấy báo tử của người con thứ hai.

Với phẩm chất kiên cường của những người mẹ Việt Nam, khi mất hai người con, mẹ Xuyến nén đau thương, vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, chăm sóc gia đình. Với những đóng góp lớn lao, mẹ Xuyến được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2014 và được tặng thưởng nhiều huy chương cao quý. Dịp này, mẹ Xuyến là một trong 20 đại biểu của thành phố Hà Nội tham dự “Chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020”.

Cũng có hai người con trai là Lê Văn Chinh và Lê Văn Vy hy sinh khi còn rất trẻ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đen (sinh năm 1926, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh) đã nén đau thương để tiếp tục sống, cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Phát huy truyền thống gia đình, mẹ Phạm Thị Đen vẫn quan tâm, dạy bảo con, cháu tích cực học tập, lao động sản xuất. Mẹ Phạm Thị Đen cũng vinh dự là một trong số 20 đại biểu của Hà Nội tham dự “Chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Lê Thị Minh Hương cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 6.586 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 138 mẹ còn sống. Mỗi mẹ là một tấm gương sáng ngời về nghị lực sống, biểu tượng của sự hy sinh thầm lặng, cao cả.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Từ nhiều năm nay, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công nói chung và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn nói riêng.

Ông Lê Văn Sình, con trai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đen cho biết: "Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, mẹ tôi còn được Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), chi nhánh Quang Minh (huyện Mê Linh) nhận chăm sóc, phụng dưỡng với kinh phí 1 triệu đồng/tháng; đồng thời được các đơn vị tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe thường xuyên". Còn ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc VietinBank chi nhánh Quang Minh cho hay: “Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, chúng tôi trích quỹ phúc lợi cùng địa phương xây dựng nhà ở, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho người có công, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở một số xã, thị trấn thuộc huyện Mê Linh”.

Tại quận Ba Đình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Lương Tuấn Dũng cho biết, 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn quận hiện đều được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng hằng tháng. Ngoài quận Ba Đình, các địa phương khác trên toàn thành phố cũng vận động các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Sinh viên Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Công nghệ kỹ thuật cơ khí (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Trường em nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm). Mỗi lần đến thăm mẹ, chúng em thấy bản thân phải có trách nhiệm sống, học tập tốt hơn để xứng đáng với sự hy sinh, đóng góp lớn lao của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, việc chăm lo, tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là hoạt động thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành chức năng thành phố Hà Nội; thể hiện qua nhiều hành động, việc làm thiết thực. Với những mẹ không còn người thân, các cơ quan chức năng phân công người nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ trong điều kiện tốt nhất. Khi các mẹ qua đời, đơn vị nhận phụng dưỡng cùng gia đình, chính quyền địa phương tổ chức mai táng trang trọng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với những trường hợp đủ điều kiện.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/973724/tri-an-ba-me-viet-nam-anh-hung