Tri ân người có công với cách mạng là nền tảng nuôi dưỡng tinh thần dân tộc
Sáng 24/7, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025).

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử tiêu biểu. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025, do Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức.
Hội nghị chào đón 250 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng trên toàn quốc, đó là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử đại diện cho các thế hệ người có công với cách mạng qua các thời kỳ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Họ là những đại biểu người có công và nhân chứng tiêu biểu đến từ mọi miền của Tổ quốc. Tiêu biểu là bác Phạm Đồng Châu 102 tuổi (là người cao tuổi nhất), tham gia cách mạng từ tháng 4/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội khóa IX, thương binh 4/4; Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân; Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Minh sinh năm 1943 có chồng và con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ biên giới và các Mẹ Việt Nam Anh hùng..., và còn rất nhiều những tấm gương đại biểu tiêu biểu khác về dự buổi gặp mặt trang trọng và xúc động này.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là chính sách lớn mà còn là trách nhiệm từ trái tim, là đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là chính sách lớn mà còn là trách nhiệm từ trái tim, là đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Đây là dịp để khẳng định và tôn vinh những giá trị bền vững làm nên bản sắc và khí phách của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử và hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, củng cố ý chí, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, thúc đẩy sự phát triển ngày càng bền vững, giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc của đất nước ta.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “Bước vào giai đoạn phát triển mới, trước thềm kỷ nguyên mới, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, nỗ lực tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế, chính sách đối với người có công theo hướng phục vụ, hiện đại, toàn diện, bao trùm, hiệu quả và nhân văn.
Thực hiện đầy đủ và hiệu quả định hướng về chính sách đối với người có công theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. Đó là “Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội”.
Tại cuộc gặp mặt, nhiều đại biểu đã rơi nước mắt vì câu chuyện cảm động của những nhân chứng lịch sử chia sẻ. Một trong những nhân vật đặc biệt giao lưu tại sự kiện là ông Lê Xuân Chinh (thương binh hạng 4/4), 71 tuổi, đến từ tỉnh Điện Biên. Ông là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính.
Nhìn lại khoảnh khắc ấy, ông không khỏi bật khóc khi nhớ về những đồng đội nằm lại nơi chiến trường, nhớ về nụ cười giữa bom đạn, được ghi lại trong thời khắc cam go của chiến tranh. “Điều lớn lao nhất chúng tôi nghĩ tới là sự tin tưởng vào ngày mai sẽ giành thắng lợi”, ông Chinh nhớ lại. Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” sau đó được đăng trên Báo Nhân Dân đúng dịp Quốc khánh 2/9/1972 và trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam, đồng thời lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính giữa chiến trường ác liệt.
Mỗi năm, vào dịp lễ 27/7, ông Chinh cùng đồng đội lại thu xếp trở lại chiến trường xưa, thắp nén hương thơm cho những người nằm lại. Ông cho biết, cùng quê với ông, có 10 người nhập ngũ cùng ngày và ra trận thì năm người đã hy sinh. “Chúng tôi thường dặn nhau rằng sẽ làm việc này cho đến khi không thể đi được nữa. Đó là tâm nguyện tri ân các anh đã hy sinh để chúng tôi được sống”.
Ông Lê Đức Luân, nguyên chiến sĩ pháo cao xạ lực lượng phòng không không quân, hiện là Trưởng ban Thương bệnh binh của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), chia sẻ hành trình từ chiến trường đến giường bệnh. Nhập ngũ năm 1971, tham gia các chiến trường từ Lào đến Quảng Nam, rồi nhận lệnh tiến quân vào Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên đường hành quân, người lính trẻ Lê Đức Luân bị thương nặng do trúng bom, và được chuyển về bệnh viện dã chiến. Khi tỉnh dậy, bác sĩ cho biết ông không thể tiếp tục chiến đấu, phải trở ra miền bắc.
Sau gần sáu tháng di chuyển đường rừng, gần một năm điều trị, trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh, từ một thanh niên nặng 65 kg, ông chỉ còn nặng 37 kg. “Bị thương 92%, nhưng khi đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, thấy nhiều đồng đội còn bị thương nặng hơn mình vẫn cố gắng học, làm việc, tôi tự nhủ mình phải cố gắng vượt qua”.
Từ đó, ông Luân tiếp tục tham gia các hoạt động ở trung tâm, góp phần vào công tác chăm sóc thương bệnh binh. Ông nhắn gửi đến thế hệ trẻ hôm nay: “Đất nước có được hòa bình, cơ đồ như hôm nay là đánh đổi xương máu của hàng triệu gia đình. Tôi mong các bạn trẻ cố gắng học tập, phấn đấu không ngừng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Đó còn là câu chuyện của cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn, người lính chỉ huy chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ở tuổi gần 80, ông vẫn giữ nếp sống giản dị, tự tay chăm sóc người vợ đau yếu, được người dân địa phương kính trọng gọi là “anh hùng”. Ông từng vào sinh ra tử qua ba cuộc chiến, nhưng chỉ nhận mình là một chiến sĩ luôn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì miền nam ruột thịt, vì sự bình yên cho làng quê, đất nước…
Tiết mục nghệ thuật “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” khép lại chương trình gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025 vang lên như một bản giao hưởng tiếp tục lan tỏa giá trị cống hiến của người có công với cách mạng, sự tri ân và tôn vinh của cả xã hội và là nguồn cảm hứng giáo dục truyền thống yêu nước và lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam.