Tri ân người có công với sự chân thành từ trái tim
Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7) là ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sự hy sinh vô cùng to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm sâu sắc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ngày càng được hoàn thiện.
Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội huy động nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình có ý nghĩa như: Trao tặng nhà tình nghĩa; trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… phát triển và lan tỏa rộng rãi, nhận được sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội cao…
Mới đây nhất, vào ngày 1/7/2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đạt mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Mặc dù vậy, một bộ phận thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng vẫn còn khó khăn. Tại không ít địa phương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; những số phận thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ngày càng khó khăn, vẫn còn khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; khoảng 600 nghìn mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính…
Tại Hội nghị Tri ân Người có công với cách mạng năm 2024 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND thành phố Hà Nội tổ chức vừa qua, “Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ” chính thức được ra mắt, qua đó hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN khoảng 20 nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng, đáp lại niềm mong mỏi trong tương lai không xa, các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần chú trọng tập trung công sức, nguồn lực rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần “không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta”