Tri ân nhà báo liệt sĩ

Chưa đầy một năm nữa, vào tháng 6-2025, chúng ta sẽ kỷ niệm trọng thể 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Một thế kỷ báo chí có những đóng góp đồ sộ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước là những trang hào hùng, bất diệt. Để có được ngày hôm nay, hàng triệu người con dân tộc đã hy sinh, trong đó không ít liệt sĩ là nhà báo... Việc xác định nhà báo đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và ghi ơn, tôn vinh, chúng ta đã làm được phần nào...

Tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) và nhân dân địa phương viếng mộ nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý (hy sinh ngày 8/3/1969) tại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) và nhân dân địa phương viếng mộ nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý (hy sinh ngày 8/3/1969) tại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

...Năm 2019, nhà báo Trần Văn Hiền (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An) đã đưa danh sách 511 nhà báo là liệt sĩ ra tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đó là kết quả của 15 năm tìm kiếm, sưu tập của ông Hiền. Và trước khi giao cho Bảo tàng, ông đã bỏ công đi đối khớp với lưu trữ của những cơ quan báo chí lớn.

Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam còn lưu giữ danh sách 287 nhà báo đã hy sinh; Điện ảnh Quân đội có 78 nhà báo liệt sĩ; Đài Tiếng nói Việt Nam có 70 nhà báo liệt sĩ... Số liệt sĩ còn lại công tác tại cơ quan báo chí cấp tỉnh, thành phố, quân khu: Khu 6 (gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định) có 12 nhà báo; Khu 9 có 26 nhà báo; Khu 8 bao gồm TP. Hồ Chí Minh có 28 nhà báo; Mặt trận Thừa Thiên có 16 nhà báo hy sinh…

Trong quá trình đi tìm kiếm, ông Hiền cũng chia sẻ: "Những đơn vị, các chiến sĩ bộ đội thời đó chỉ biết có nhà báo đi cùng tác nghiệp, nhưng đơn vị lại không quản lý... Trong danh sách liệt sĩ của đơn vị, địa phương, việc tìm nghề nghiệp của liệt sĩ cũng không dễ dàng”...

Nửa thế kỷ đã qua, thông qua giới thiệu của các cấp hội nhà báo, cơ quan báo chí, địa phương, Hội Nhà báo Việt Nam đã nắm được danh tính của trên dưới 600 nhà báo liệt sĩ. Một số đơn vị báo chí cũng đã tổ chức viết bài giới thiệu và tôn vinh một số nhà báo liệt sĩ. Tuy vậy đã đến lúc cần có hoạt động tích cực hơn nữa trong việc vinh danh các nhà báo liệt sĩ qua truyền thông, thờ tự, bia tưởng nhớ… Đó cũng là hoạt động tri ân, đánh dấu đóng góp của báo chí nhân 100 năm thành lập.

Tôi - người viết bài báo này, cũng đã tham gia tìm hiểu và viết về các nhà báo liệt sĩ. Xin được giới thiệu về 2 nhà báo liệt sĩ mà tôi đã từng về nơi họ anh dũng hy sinh để tìm hiểu:

…Nghĩa trang Liệt sĩ của xã Vô Tranh (Phú Lương) có 197 mộ chí. Nhà báo, nhà thơ Thôi Hữu, Ủy viên Ban Biên tập Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) yên nghỉ tại nơi này trong sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào. 24 năm trước, khi ấy nhà báo Thôi Hữu được truy tặng Huân chương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khi đó là nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã đưa đoàn báo chí lên thắp hương, báo cáo tin vui với liệt sĩ. Rồi trước đó, Báo Nhân Dân, gia đình và xã đã tổ chức đưa mộ phần nhà báo liệt sĩ Thôi Hữu cùng 75 liệt sĩ hy sinh tại địa bàn trong kháng chiến chống Pháp vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vô Tranh.

Nhà báo, nhà thơ Thôi Hữu tên thật là Nguyễn Khắc Giới, bí danh là Trần Văn Tấn, bút danh Tân Sắc, sinh năm 1921 (năm ghi mộ chí) tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa; hy sinh ngày 16/12/1950 tại xã Vô Tranh (Phú Lương). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1943, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1944, Thôi Hữu bị giặc bắt, kết án 5 năm tù, giam ông tại Hỏa Lò. Ông trốn tù, tham gia hoạt động cách mạng tại ngoại thành Hà Nội theo phân công của tổ chức. Xông xáo, can đảm, Thôi Hữu lập được nhiều chiến công, là một trong những người lãnh đạo tài giỏi của Đảng bộ Hà Nội thời đó. Từ năm 1946, Thôi Hữu gắn bó với báo chí. Kháng chiến bùng nổ, Thôi Hữu ra nhập quân đội, cũng tham gia làm báo kháng chiến.

Lên Việt Bắc, Thôi Hữu là thành viên Ban Biên tập các báo Vệ quốc quân và Sự Thật. Ông luôn tâm niệm rằng: Khi đã dấn thân vào nghề báo cần phải dành tất cả tâm sức cho nghề, cho sự sống và chiến đấu của nhà báo cách mạng. Và, ông nhanh chóng trở thành một nhà báo chiến sĩ thành công trong công việc.

Ở mảng văn xuôi, chính luận, chuyện ký, tùy bút, bình luận… Thôi Hữu là cây bút viết khỏe, chắc, giàu cảm xúc của người lăn lộn và trưởng thành từ thực tiễn phong trào cách mạng. Ông cùng với Trần Đăng, Trần Độ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Thâm Tâm… là những nhà văn, nhà báo tên tuổi thời đó đã làm nên một diện mạo văn nghệ, báo chí đậm đà, rực rỡ.

Đặc biệt về báo chí, Thôi Hữu ghi đậm tên tuổi khi ông được phân công về Báo Sự Thật của Đảng. Ủy viên Ban Biên tập Báo Sự Thật Nguyễn Đắc Giới, nhà báo - nhà thơ Thôi Hữu, anh dũng hy sinh trên đường đi công tác khi mới ở độ tuổi 30, yên nghỉ trên một ngọn đồi thuộc dãy Phi Mã Sơn trong sự thăm nom hương khói của đồng bào, rồi được đưa vào vị trí trang trọng trong Nghĩa trang Liệt sĩ Vô Tranh.

Chỉ sau ngày ông hy sinh hơn ba tháng, ngày 11/3/1951, tờ Sự Thật được Bác Hồ cho đổi tên thành Nhân Dân. Nhiều thế hệ học sinh và công chúng báo chí được đọc và học tác phẩm thơ Lên Cấm Sơn nổi tiếng của Thôi Hữu, đăng Báo Vệ quốc quân số 21 ngày 15/4/1948. Đây là bài thơ hay bởi ở đó toát lên hơi thở của tự do, hiện thực khắc nghiệt của cuộc kháng chiến gian khổ, là sự thật xót xa, rung động và tinh thần chiến đấu: “Cuộc đời gió bụi pha xương máu/Đói rét bao lần xé thịt da/…Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/Tặng những anh tôi từng rỏ máu/Đem thân xơ xác giữ sơn hà…”, rồi tiếp đến là những câu thơ tràn đầy lạc quan cách mạng: “Ở đây bản vắng rừng u tối/Bộ đội mang gieo ánh chói lòa… Ở đây những mặt buồn như đất/Bộ đội cười lên tươi như hoa”.

…Tấm gương hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh thân mình cho đất nước, cho báo chí, văn học của nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý (hy sinh ngày 8/3/1969 tại Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam) chúng ta đã được biết, được học. Còn riêng tôi, nhân mạch tìm hiểu về liệt sĩ Xuân Quý cũng đã về Phú Thị, Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên (quê gốc) và số nhà 195, phố Hàng Bông (Hà Nội), nơi chị được sinh ra và lớn lên, để hiểu thêm về tuổi thơ của chị khi theo cha, nhà báo Dương Tự Quản, đi kháng chiến tại Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên) trọn vẹn 9 năm (1946-1954).

Chị Quý lên chiến khu Thái Nguyên lúc 6 tuổi và về Hà Nội khi đã 15 tuổi. Tuổi thơ của chị nơi chiến khu trong một gia đình làm báo cách mạng thật đáng nể phục. Chị tiếp tục học cấp 2 Trưng Vương (Hà Nội), Trung cấp Mỏ Quảng Ninh, học lớp bồi dưỡng báo chí do Ban Tuyên huấn Trung ương mở rồi thành phóng viên. Chị Quý sau này viết nhanh, viết nhiều và luôn có hơi thở của cuộc sống đương thời.

Năm 1970, tập truyện ký “Hoa Rừng” của chị ra mắt bạn đọc và tròn 10 năm ngày chị hy sinh, Nhà xuất bản Văn học cho in tập “Hoa Rừng” (“Hoa Rừng” là một truyện ngắn xuất sắc của tập sách) đầy đủ hơn. Tập sách là tập hợp các tác phẩm của chị, chia làm 2 phần: Phần ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và phần về những truyện ngắn, bút ký, thư và nhật ký của chị trên đường vượt Trường Sơn và ở chiến trường B5 khốc liệt…

Chỉ trong 8 năm làm văn, làm báo, Dương Thị Xuân Quý, bằng chính suy nghĩ là luôn có mặt ở tận cùng sự thật, đã để lại một tài sản đáng kể các tác phẩm văn nghệ báo chí đáng giá. Tất cả tác phẩm của chị đều toát lên tính chiến đấu, tình yêu cuộc sống, yêu cái tốt, cái đẹp, lòng yêu thương con người.

Hữu Minh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202407/tri-an-nha-bao-liet-si-f9e0dd4/