Tri ân những người con Hà Nội mãi nằm lại trên đất Tây Nguyên

Trong những ngày tháng 7 lịch sử năm nay, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức hoạt động về nguồn, tri ân tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đoàn đã đến Điểm cao 995-Chư Tan Kra thắp hương cho các chiến sĩ 'Trung đoàn mũ sắt' - những người con Hà Nội mãi mãi nằm lại nơi đây.

Tri ân những người con Hà Nội mãi nằm lại trên đất Tây Nguyên.

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Sa Thầy là huyện miền núi, thuộc vùng biên giới phía Tây Nam của tỉnh Kon Tum, có tổng diện tích tự nhiên trên 143.000ha; toàn huyện có 11 xã, thị trấn với 64 thôn, làng; trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn và 8 thôn, làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Sa Thầy là vùng căn cứ cách mạng, nơi diễn ra nhiều chiến dịch lớn làm xoay chuyển tình thế, cục diện chiến trường.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Điểm cao 995 - Chư Tan Kra.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Điểm cao 995 - Chư Tan Kra.

Đoàn đại biểu quận Hoàn Kiếm đến huyện Sa Thầy trong một ngày giữa tháng 7/2024. Trời Tây Nguyên xanh, trong, dịu mát. Nằm cách trung tâm TP Kon Tum 35km về phía Tây Bắc, con đường thảm nhựa êm ái chạy giữa rừng cà phê, cao su bạt ngàn đưa những người con Hà Nội lên Điểm cao 995 - Chư Tan Kra.

Khu tưởng niệm trên Điểm cao 995 - Chư Tan Kra mang dáng dấp một ngôi đình làng Bắc Bộ, lưng tựa vào núi Chư Tan Kra, mặt hướng về phía Bắc.

Từ khi mới xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ đã xây dựng nhiều đồn bốt tại đây. Trong đó Điểm cao 995 - Chư Tan Kra là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các cứ điểm của quân Mỹ.

Để tăng cường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Trung đoàn 209 đang huấn luyện ở Hòa Bình được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. Đây là đơn vị bộ binh đầu tiên được trang bị chính quy hiện đại, bao gồm súng AK báng gấp, mặt nạ phòng độc, súng phun lửa, B40, B41, đại liên K6... và mũ sắt của Liên Xô vì thế được gọi là "Trung đoàn mũ sắt".

Với quyết tâm tiêu diệt quân Mỹ tại điểm cao này, đêm 25 rạng ngày 26/3/1968, quân ta nổ súng tấn công từ các phía, tiêu diệt 2 đại đội và 1 trận địa pháo của địch. Ngay sau đó, địch tăng cường đổ quân chi viện cùng hỏa lực máy bay, pháo...

Đoàn đại biểu quận Hoàn Kiếm thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Điểm cao 1049.

Đoàn đại biểu quận Hoàn Kiếm thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Điểm cao 1049.

Trận đánh kết thúc vào 7 giờ sáng ngày 26/3/1968. Kết quả, 204 lính Mỹ bị tiêu diệt nhưng hơn 200 chiến sĩ của ta cũng đã anh dũng hy sinh. Hầu hết các anh đều là người Hà Nội và đang độ tuổi 18/20 - độ tuổi đẹp nhất cuộc đời.

Hòa bình lập lại, lực lượng cán bộ quân đội cùng chính quyền địa phương đã quy tập được hơn 370 hài cốt chiến sĩ hy sinh tại tỉnh Kon Tum; trong đó, gần 180 chiến sĩ là người Hà Nội cùng hơn 190 chiến sĩ ở các tỉnh phía Bắc thuộc Trung đoàn 209 hy sinh tại đây.

Tháng 7/2013, UBND TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức lễ bàn giao Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại chiến trường Bắc Kon Tum ở Điểm cao 995 - Chư Tan Kra.

Công trình được xây dựng trên khuôn viên rộng gần 100.000m2, trong đó khu vực I được bảo vệ rộng khoảng 40.000m2, gồm: Nhà tưởng niệm, 2 nhà bia và 2 bức phù điêu tái hiện sự chiến đấu, hy sinh quả cảm của các chiến sĩ trong trận chiến Chư Tan Kra. Từ đó đến nay, TP Hà Nội liên tục quan tâm, đầu tư tu sửa, nâng cấp các hạng mục.

Khi đoàn đại biểu quận Hoàn Kiếm đến thăm điểm cao, công trình đang được tu sửa, lát lại nền gạch, làm mới cổng chào và hàng rào với quy mô bề thế và trang nghiêm.

Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của TP Hà Nội, Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra đã trở thành biểu tượng của lòng tri ân, thể hiện đạo lý nhân văn ngàn đời của dân tộc.

Với niềm xúc động trào dâng trong lòng, từng người con Hà Nội trong đoàn đại biểu quận Hoàn Kiếm đã thắp những nén hương thơm ở hàng mộ ngay sau khu tưởng niệm. Nhiều người không khỏi xúc động khi còn những ngôi mộ đề dòng chữ "chưa xác định tên'', hay khu mộ chung của 14 liệt sĩ chưa rõ danh tính, hay những địa danh Hà Đông, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thanh Oai, Hoài Đức... ghi trên bia tưởng niệm.

Tấm lòng tri ân của nhân dân quận Hoàn Kiếm

Ngoài đến thăm, thắp hương tri ân tưởng niệm tại Điểm cao 995 - Chư Tan Kra, đoàn đại biểu quận Hoàn Kiếm còn dâng hoa, dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Điểm cao 1049, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy; trao kinh phí xây nhà và tặng quà các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo của huyện Sa Thầy.

Trong đó, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy là nơi an nghỉ của hơn 1.400 liệt sĩ, là những cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tại đây có 77 hài cốt liệt sĩ là người Hà Nội đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Bắc Kon Tum thuộc xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy năm 1968.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cùng đại diện ngân hàng SHB trao hỗ trợ sửa chữa nhà đối với 3 gia đình khó khăn về nhà ở tại huyện Sa Thầy.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cùng đại diện ngân hàng SHB trao hỗ trợ sửa chữa nhà đối với 3 gia đình khó khăn về nhà ở tại huyện Sa Thầy.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, để phát huy tinh thần tương thân - tương ái, chia sẻ với các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, dịp này Quận ủy - HĐND - UBND - MTTQ quận Hoàn Kiếm gửi tặng 30 suất quà đến gia đình người có công và hộ nghèo, học sinh tiêu biểu; hỗ trợ việc sửa chữa nhà đối với 3 gia đình khó khăn về nhà ở tại huyện Sa Thầy...

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Quốc Khánh tặng quà đến gia đình người có công và hộ nghèo của huyện Sa Thầy.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Quốc Khánh tặng quà đến gia đình người có công và hộ nghèo của huyện Sa Thầy.

Những phần quà mang đậm nghĩa tình của cán bộ, đảng viên, nhân dân, ngân hàng SHB và doanh nghiệp quận Hoàn Kiếm, tổng giá trị các suất quà và tiền mặt là 300 triệu đồng.

Trân trọng cảm ơn tình cảm của nhân dân quận Hoàn Kiếm, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Minh Tuấn bày tỏ, hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, địa phương tổ chức nhiều hoạt động chính trị - văn hóa ý nghĩa, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện sự tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long tặng quà học sinh của huyện Sa Thầy.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long tặng quà học sinh của huyện Sa Thầy.

Nhấn mạnh sự hy sinh lớn lao của những người con Hà Nội trên mảnh đất Tây Nguyên này, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy tin tưởng Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại Điểm cao 995 - Chư Tan Kra tiếp tục là sợi chỉ đỏ kết nối hai vùng đất Kon Tum - Hà Nội.

Xúc động khi nhận được món quà nghĩa tình, thương binh Lê Quang Vinh (thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy; nguyên quán tỉnh Thái Bình) cảm ơn sự quan tâm của chính quyền nhân dân quận Hoàn Kiếm. Đây tiếp tục là động lực để ông cũng như những người có công với cách mạng vượt qua nỗi đau thương tật, bệnh tật, vượt lên mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Công Thọ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tri-an-nhung-nguoi-con-ha-noi-mai-nam-lai-tren-dat-tay-nguyen.html