Tri ân thầy thuốc: Tri ân tốt nhất là 'cởi trói' chính sách

Sau đại dịch COVID-19, ngành y tế bộc lộ nhiều điểm bất cập trong đó có tình trạng thiếu thuốc, máy móc, hóa chất… khiến nhiều bệnh viện lớn rơi vào cảnh khó khăn.

Năm nay, ngành y tế chào đón ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023) với những niềm vui mới, đặc biệt khi mà đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát.

Những đóng góp của ngành y tế trong những năm qua là điều mà ai cũng dễ dàng thấy. Ghi nhận những đóng góp của ngành y tế, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thân ái gửi tới những người “chiến sĩ áo trắng” trên toàn quốc lời thăm hỏi ân cần, lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 Đội ngũ y bác sĩ đồng lòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Đội ngũ y bác sĩ đồng lòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Thủ tướng khẳng định: “Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2022 có những kết quả hết sức cụ thể của ngành y tế; ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần “Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật” của đội ngũ y, bác sĩ và những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2022”.

Trong những ngày qua, lực lượng y, bác sĩ trên mọi miền tổ quốc đã có những hoạt động ý nghĩa để chào mừng ngày truyền thống của ngành. Nhận được sự quan tâm động viên từ nhân dân, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với họ đó là nguồn động viên hết sức ý nghĩa.

Có thể khẳng định, trong suốt 68 năm qua, người thầy thuốc Việt Nam đã khắc ghi lời dạy: "Lương y như từ mẫu" - "Người bệnh phó thác tính mệnh của mình nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang…" - trong "Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/02/1955", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết.

Tuy nhiên, ngành y tế còn có thể đóng góp tốt hơn nếu như những tồn tại trong chính sách, cơ chế được cởi bỏ, thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho họ hành nghề.

Câu chuyện thiếu hóa chất, thiết bị, thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy… được đề cập như một chủ đề rất nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của dư luận trong suốt thời gian dài.

Ngay cả trong những ngày truyền thống của ngành, khi tinh thần phấn chấn vui vẻ đón nhận tình cảm của nhân dân, của lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì nỗi lo âu về thiếu điều kiện để khám chữa bệnh vẫn thường trực trong những người bác sĩ.

Lời chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trong buổi tiếp đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm và chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam là một minh chứng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tri Thức hiện tồn tại nhiều tắc nghẽn xoay quanh công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao cũng như việc triển khai hình thức máy đặt, máy mượn…

Đứng trước những khó khăn và thách thức đó, Ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Bộ Y tế có thể tham mưu, xem xét cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt được lựa chọn thương hiệu để mua sắm; riêng hình thức máy đặt máy mượn, máy xét nghiệm do liên quan đến hóa chất đóng (đi theo máy) thì có thể giao cho trung tâm đấu thầu quốc gia quản lý giá hóa chất và bệnh viện sẽ sử dụng giá theo khung này...

Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ tại Hội nghị Y tế toàn quốc 2023: “Đại dịch đi qua, đã làm bộc lộ những bất cập, thách thức của hệ thống y tế, nhất là về hành lang pháp lý; bảo đảm nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế… tạo áp lực lớn đối với việc triển khai nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Xét một cách khách quan, hiện vẫn còn những tồn tại trong chính sách đang “níu chân” khiến cho ngành y tế khó thể bứt phá nhanh.

Nếu như chính sách đi trước một bước, những bất cập liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao … được giải quyết sớm thì ngành y tế còn cống hiến được nhiều hơn nữa trong sự nghiệp chung.

Tri ân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngoài những lời chúc, những bó hoa thể hiện lòng biết ơn, có lẽ việc sớm giải quyết những bất cập trong chính sách là cách tri ân thiết thực nhất trong bối cảnh này.

Với người thầy thuốc “máy móc thiết bị, thuốc….” là những trang thiết bị không thể thiếu để họ khám chữa bệnh. Nếu để thiếu vì bất cứ lý do gì sẽ đẩy họ vào tình cảnh không khác nào người lính ra trận mà không có “đạn”.

Do đó, để người thầy thuốc vững tâm hơn nữa thì cần thiết phải "cởi trói" chính sách, tạo động lực cho họ yên tâm công tác.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tri-an-thay-thuoc-tri-an-tot-nhat-la-coi-troi-chinh-sach-post236997.html