Tri ân thiết thực bằng tình cảm, nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị cao cả
Trong suốt 76 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã có nhiều việc làm thiết thực thể hiện tình cảm, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu của mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công có đời sống gặp không ít khó khăn; gần 2 vạn liệt sĩ chưa được quy tập, khoảng 3 vạn đã được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính. Vẫn còn đó niềm khắc khoải, mong muốn được đưa những người con đã anh dũng hy sinh về với quê hương, đoàn tụ với gia đình.
Di chứng của chiến tranh vẫn day dứt âm ỉ, hàng chục vạn thân nhân liệt sĩ vẫn từng giờ, từng ngày mong mỏi tìm được phần mộ của người thân… Đó là nỗi day dứt khôn nguôi mà mỗi tổ chức, mỗi địa phương, đơn vị, cá nhân phải trăn trở, suy nghĩ và tìm mọi cách để làm tốt hơn nữa, thiết thực hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngày 17-9-2010, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 1081/QĐ-BNV về thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam. Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, kể từ ngày được thành lập cho đến nay, Hội HTGĐLS Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Bằng trách nhiệm chính trị cao cả, Hội HTGĐLS Việt Nam đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Cán bộ, hội viên Hội HTGĐLS đã tổ chức khảo sát thực trạng gia đình liệt sĩ (GĐLS) ở nhiều địa phương trong cả nước, từ đó tổng hợp đưa một số kiến nghị như một kênh phản biện xã hội, góp phần điều chỉnh, bổ sung về chính sách ưu đãi với liệt sĩ, GĐLS trong thời gian qua.
Hội tổ chức đón tiếp các thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh và nhân dân có nguồn thông tin liệt sĩ tin cậy để phân tích, tổng hợp tư vấn giúp GĐLS đi tìm hài cốt liệt sĩ được đúng hướng, qua đó hàng trăm GĐLS tìm được hài cốt người thân bằng phương pháp thực chứng qua những thông tin thu thập. Trên trang website và nhiều báo, đài liên kết, Hội đã chuyển tải hàng trăm ngàn thông tin liệt sĩ.
Việc ký kết, phối hợp với các cơ quan chức năng như Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện pháp Y quân đội, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Pháp y quốc gia tổ chức giám định ADN được coi là biện pháp khoa học, đem lại niềm xúc động không nói thành lời của thân nhân liệt sĩ được đón người thân về quê hương yên nghỉ. Hội góp phần cung cấp dữ liệu vào ngân hàng Gen quốc gia, góp phần bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan. Là thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước Đề án 515, những năm gần đây, Hội tiến hành khảo sát, lập kế hoạch và trực tiếp tổ chức khai quật 11 nhóm mộ ở 9 nghĩa trang liệt sĩ ở miền Trung và phía Nam.
Chỉ tính thời gian 5 năm (2017-2022), Hội đã thu thập, thông báo danh sách 26.442 liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn hỗ trợ 17.271 lượt thân nhân gia đình liệt sĩ tìm kiếm mộ liệt sĩ. Thực hiện Đề án 150 của Chính phủ, Hội đã tổ chức các đợt lấy mẫu hài cốt liệt sĩ theo nhóm mộ ở các nghĩa trang với 402 mẫu phục vụ giám định ADN, đã giám định ADN đúng 55 danh tính liệt sĩ.
Hỗ trợ di chuyển 827 hài cốt liệt sĩ về quê hương yên nghỉ. Nâng cấp gần 100 nghĩa trang liệt sĩ; tặng 850 nhà tình nghĩa, 2.325 sổ tiết kiệm, 27.896 suất quà, hàng nghìn suất học bổng, tặng 405 chiếc xe lăn và xe đạp; tổ chức khám cấp thuốc đối tượng chính sách 12.934 lượt/người; tặng 38 tấn gạo và hàng tấn quần áo, hàng chục ngàn cuốn sách vở học sinh... Tổng giá trị thành tiền gần 70 tỷ đồng; thành lập mới 2 Hội cấp tỉnh: Bắc Giang và Yên Bái, 8 chi Hội cấp tỉnh và hơn 60 chi hội cấp huyện và tương đương, kết nạp 4.577 hội viên.
Hội HTGĐLS Việt Nam và các tổ chức hội trong cả nước đã và đang là cánh tay nối dài gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với các GĐLS; là địa chỉ tin cậy đối với thân nhân liệt sĩ trong việc cung cấp, kết nối thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Chính phủ đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với các GĐLS có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Các hoạt động của Hội đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân làm dịu nỗi đau thương mất mát do chiến tranh để lại.
PHAN SỸ THAO, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội HTGĐLS Việt Nam
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.