Tri ân và tiếp lửa truyền thống

Đúng với tinh thần tri ân và tiếp lửa truyền thống, buổi gặp mặt những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 do Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh tổ chức vào sáng 22-4 đã trở thành nhịp cầu gắn kết giữa quá khứ và hiện tại.

Bởi đây không chỉ là dịp ôn lại truyền thống vẻ vang mà còn là lời nhắc nhở đầy xúc động về trách nhiệm và niềm tin vào thế hệ trẻ đang tiếp bước cha ông dựng xây quê hương.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đ.T

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đ.T

Chủ trì buổi gặp mặt có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh; Đỗ Tiến Đông-Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh.

Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Hà Sơn Nhin-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh; 26/34 đại biểu là những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975-cha, mẹ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh.

Ký ức không quên

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng âm vang của mùa xuân đại thắng năm 1975 vẫn vang vọng trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam. Đó là dấu mốc lịch sử trọng đại nhắc nhớ về sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh-những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Biết bao cán bộ, chiến sĩ đã để lại máu xương nơi chiến trường khốc liệt để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Và, trong những ngày tháng Tư lịch sử này, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Những trận đánh, những ký ức thêm một lần được sống lại qua từng câu chuyện kể của những người lính năm xưa.

 Đồng chí Châu Ngọc Tuấn gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc đến các đại biểu. Ảnh: Đ.T

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc đến các đại biểu. Ảnh: Đ.T

Tham gia cách mạng và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Gia Lai từ năm 1970, ông Nguyễn Xuân Quý (nguyên Thượng sĩ Trung đoàn 95, Quân đoàn 34) kể về các trận đánh ác liệt, gian khổ trong việc cắt đường tiếp tế của địch và những khó khăn, thiếu thốn mà bộ đội phải đối mặt.

Ông chia sẻ: “Năm 1973, chúng tôi có nhiệm vụ phục kích, đánh địch trên đường 14 để cắt đường tiếp tế. Tình hình lúc đó rất nguy hiểm. Quân địch đông lại được trang bị vũ khí hiện đại. Chúng tôi chỉ có thể chọn phương án đánh du kích, phục kích và bắn tỉa. Mọi sinh hoạt lúc bấy giờ rất khó khăn. Tôi ở chung hầm với 1 đồng chí. Hai anh em suốt 3 tháng trời không được tắm, 3 ngày mới có 1 bữa cơm và 1 bình tông nước uống”.

Cho đến bây giờ, ông Quý vẫn không thể nào quên lần được cấp trên giao nhiệm vụ chèo thuyền vượt sông Pô Cô trong đêm để đưa bộ đội sang sông, vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến và đón thương binh trở về tuyến sau. “Đó là năm 1974. Đêm hôm mưa gió, sấm chớp liên hồi. Trên bờ, những bước chân vội vã kèm theo đó là cả những tiếng rên khe khẽ của thương binh. Chỉ đến khi đau không chịu nổi, họ mới dám thốt lên “Nhẹ thôi các đồng chí, đau lắm”-ông Quý hồi nhớ.

Tiếp mạch câu chuyện, ông Vũ Tiến Dũng (nguyên Tiểu đội phó, Đại đội 20, D405 Đặc công, tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Định, Quân khu 5) lặng lẽ đứng dậy, chậm rãi đọc bài thơ “Nơi anh nằm lại”. Đây là bài thơ ông viết riêng cho người đồng đội đã ngã xuống tại núi Bà (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định): “Mẹ cha phương Bắc mỏi mòn/Cầu mong chiến thắng đón con trở về/Ra đi nguyện một lời thề/Miền Nam giải phóng con về quê hương/Nay đời nắm đất vùi xương/Buồn vui không biết tiếc thương việc người/Núi Bà mãi mãi xanh tươi/Cây cao tỏa bóng mát nơi anh nằm/Mai sau cho đến nghìn năm/Biết còn ai có đến thăm nơi này/Nhớ từng ngọn cỏ gốc cây/Máu đào xương trắng nơi đây hóa thành/Núi Bà mãi mãi tươi xanh/Vọng phu nghiêng bóng bên anh muôn đời”.

Kể về trận đánh ác liệt năm 1973 tại xã Ia Phí (huyện Chư Păh), bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh-cho biết: “Chúng tôi lúc đó có 3 người nhưng đã dũng cảm đánh trả quân bảo an và biệt động quân của địch. Chúng tôi đánh sập 1 cây cầu và giết chết 2 tên lính bảo an sau đó mới rút theo lệnh chỉ huy”.

Tại buổi gặp mặt, bà Rơ Chăm H’Yéo khẳng định: Bản thân luôn giữ vững lời thề của người đảng viên. Trong chiến đấu “Trung thành với Nhân dân. Trung thành với Đảng. Trung thành với quân đội và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”. Và giờ đây, thay vì “chiến đấu đến viên đạn cuối cùng” bà tiếp tục “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Dịp này, Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh đã trao tặng những phần quà ý nghĩa đến các đại biểu-những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh tặng quà các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đ.T

Tiếp nối truyền thống hào hùng

Đúng với tinh thần tri ân và tiếp lửa truyền thống, buổi gặp mặt đã trở thành nhịp cầu gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Buổi gặp mặt không chỉ là dịp để ôn lại những năm tháng chiến đấu gian khổ mà còn là lời nhắc nhớ đầy xúc động về trách nhiệm và niềm tin vào thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Cao Sơn (nguyên Thượng sĩ, Trung đoàn 732) bày tỏ: “Tôi rất mừng vì đất nước mà bao thế hệ đã phải hy sinh bằng xương máu đang được tiếp tục xây dựng và phát triển bởi các thế hệ sau. Tôi hạnh phúc và thấy rằng, chưa khi nào đất nước ta đẹp như bây giờ. Mong các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục nỗ lực bồi đắp để đất nước ngày càng tươi đẹp hơn”.

Xúc động khi nghe những câu chuyện của những người đi trước, anh Nguyễn Lê Hà-Phó Chủ nhiệm phụ trách Nhà khách Tỉnh ủy, con trai của bà Lê Thị Thanh Xuyên (nguyên Y tá trưởng, cơ quan E845 thuộc Ty Thương binh tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Khi nhận được giấy mời của Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, mẹ cháu rất vui và háo hức chờ đến ngày đi dự buổi gặp mặt. Nhưng không may, chiều qua, mẹ nhập viện nên không thể tham gia.

Mẹ cháu từng kể nhiều lần về những kỷ niệm cõng thương binh, nuôi thương binh trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hôm nay, được nghe các cô chú kể chuyện, cháu vô cùng xúc động. Cháu xin hứa sẽ tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Châu Ngọc Tuấn (hàng đầu, thứ 5 từ trái sang) và đại diện lãnh đạo một số cơ quan chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Châu Ngọc Tuấn (hàng đầu, thứ 5 từ trái sang) và đại diện lãnh đạo một số cơ quan chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: Đức Thụy

Với lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Rơ Chăm H’Hồng xúc động tâm sự: “Thế hệ trẻ chúng cháu luôn ý thức sâu sắc rằng, mỗi thành quả mà chúng cháu đang được thụ hưởng hôm nay đều được đánh đổi bằng máu xương của các bậc tiền bối. Chúng cháu nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực hơn nữa trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển”.

Tham gia ý kiến tại buổi gặp mặt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến thắng 30-4 và khẳng định đây là sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ông bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ luôn tri ân và ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ đi trước, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do và sự phát triển của đất nước.

Đồng thời, ông kêu gọi các thế hệ tiếp nối tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nêu gương trong lao động sản xuất và công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Trước những quyết sách mới của Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ hy vọng mọi người sẽ đồng lòng, nỗ lực và cùng chung tay thực hiện thành công những mục tiêu đề ra.

 Đồng chí Hà Sơn Nhin chia sẻ tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đ.T

Đồng chí Hà Sơn Nhin chia sẻ tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đ.T

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, đồng chí Châu Ngọc Tuấn gửi lời tri ân công lao của những thế hệ đi trước đối với sự nghiệp giải phóng tỉnh nhà và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh nhấn mạnh, buổi gặp mặt chính là “nhịp cầu” nối liền giữa quá khứ và hiện tại, giữa những con người đã làm nên lịch sử và thế hệ trẻ đang tiếp bước cha ông dựng xây quê hương.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Cái giá của hòa bình là “vô giá”. Hòa bình là máu xương, là mồ hôi nước mắt, là thanh xuân của bao thế hệ cha ông đã chiến đấu và hy sinh. Ngày nay, mỗi tấc đất mà thế hệ trẻ đặt chân lên là sự đánh đổi bằng xương máu của cha ông ta ngày trước; nếu không có máu xương của lớp lớp cha anh đổ xuống mảnh đất này thì sẽ không có những ngày tháng hòa bình, không có một Gia Lai phát triển như ngày hôm nay.

“Năm 2025, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vừa qua, tỉnh ta cũng đã tổ chức 50 năm Ngày giải phóng. Đây là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng, tưởng nhớ, tri ân những người đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc; đồng thời là dịp để thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, trách nhiệm giữ gìn độc lập, tự do, trách nhiệm tiếp nối sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước hùng cường, văn minh, hiện đại”-đồng chí Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi gặp mặt, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng: Với tinh thần trách nhiệm của người lính trên chiến trường năm xưa, những đồng chí từng trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 sẽ tiếp tục tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, hoạt động của địa phương và là những tấm gương sáng cho thế hệ con cháu học tập, noi theo. Đồng thời, tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho tỉnh nói chung và Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh nói riêng.

Về phía cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, đồng chí Châu Ngọc Tuấn đề nghị cần tiếp nối truyền thống, nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những nhiệm vụ mới, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tri-an-va-tiep-lua-truyen-thong-post320028.html