Trị 'bệnh' chậm gửi tài liệu!

Trong Chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Nội quy đã quy định hình thức chế tài nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu kỳ họp theo hướng công khai danh sách các cơ quan và lý do gửi chậm tài liệu.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan chuẩn bị và gửi tài liệu kỳ họp Quốc hội đến đại biểu Quốc hội. Các cơ quan hữu quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động chuẩn bị nội dung, cơ bản gửi tài liệu kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi tham dự kỳ họp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, dù không nhiều nhưng tình trạng chậm gửi tài liệu vẫn còn xảy ra.

Chậm gửi tài liệu không phải là vấn đề mới. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, được ví là “câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết”. Nhận định về tình trạng này, tại Tọa đàm góp ý dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vừa được Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp tổ chức mới đây, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, chậm trễ gửi tài liệu là vấn đề “trầm kha”, luôn luôn diễn ra. "Vấn đề không phải là thời hạn 10 ngày, 20 ngày hay 30 ngày mà là ý thức tuân thủ kỷ luật", ông Thông nhấn mạnh.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ đối với dự án, dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra. Đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội thì chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra.

Luật quy định là vậy, song thực tế, vẫn có những dự án luật vi phạm quy định về thời hạn gửi hồ sơ, ảnh hưởng đến việc thẩm tra cũng như việc nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra bị động vì “sát nút” mới nhận được tài liệu cơ quan trình chuyển sang. Thậm chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Khóa XIV Trần Thị Dung cũng chỉ ra một thực tế, Ủy ban Pháp luật - cơ quan có trách nhiệm thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của các dự án luật trình Quốc hội, để thực hiện được nhiệm vụ này, nhiều khi Ủy ban phải “chạy theo” dự án luật để tìm xem dự án đang ở đâu và đến giai đoạn nào.

Việc chậm gửi tài liệu làm cho các cơ quan thẩm tra bị động trong quá trình thẩm tra làm cho các đại biểu Quốc hội không đủ thời gian nghiên cứu sâu về tài liệu để có những phản biện, góp ý, điều này ảnh hưởng đến chất lượng các dự thảo Luật. Câu hỏi đặt ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có, tại sao một số cơ quan lại vẫn không tuân thủ? Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm sao vẫn chưa được chấm dứt? Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc, phải thiết quân luật bởi chế tài mạnh hơn để trị bệnh chậm gửi tài liệu “mãn tính” này.

Để khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã quy định: “Tài liệu phục vụ kỳ họp được gửi đến Văn phòng Quốc hội để gửi đại biểu Quốc hội. Danh sách các tài liệu và tên cơ quan, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội và cử tri”. Việc công khai với Quốc hội, với cử tri, bộ, ngành không bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các dự án, dự thảo luật trình Quốc hội là rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Để nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng các dự án trình Quốc hội, nên xem đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, cũng như làm căn cứ để đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành trong tuân thủ quy định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội phải đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội đã được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụ thể là: tiếp tục mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp”. Và để đáp ứng được tính “chuyên nghiệp” như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội, thì ngay từ khâu gửi tài liệu cũng phải được siết chặt, tuân thủ đúng pháp luật.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-de-hom-nay/tri-benh-cham-gui-tai-lieu-i298026/