Trị 'bệnh' chần chừ cổ phần hóa
(HNM) - Theo Bộ Tài chính, đến nay mới có 35/127 doanh nghiệp (đạt 27,5%) đã thực hiện cổ phần hóa thuộc danh sách cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN (ngày 10-7-2017) của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa đang rất chậm. Nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm trị căn "bệnh" chần chừ, không muốn cổ phần hóa đang diễn ra ở một số doanh nghiệp.
Năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội, thu về ngân sách nhà nước 2.835 tỷ đồng. Ảnh: Bá Hoạt
Tiến độ rất chậm
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã cơ bản hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn rất chậm so với kế hoạch, mới có 35/127 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa (đạt 27,5%) giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Hà Nội, báo cáo của UBND thành phố cũng cho thấy, giai đoạn 2017-2020, Hà Nội thực hiện cổ phần hóa 15 doanh nghiệp. Năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội, với tổng số tiền thu về ngân sách nhà nước là 2.835 tỷ đồng (vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là 1.749 tỷ đồng), được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, so với kế hoạch được giao, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của Hà Nội còn chậm, bởi đến nay mới hoàn thành cổ phần hóa 1/15 doanh nghiệp.
Phân tích nguyên nhân cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng: "Một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn chưa nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo. Thêm vào đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị còn chưa cao trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, thực hiện quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa cũng đã kéo dài thời gian thực hiện. Một nguyên nhân quan trọng khác là tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư".
Ông Trần Nguyên Nam, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ, lũy kế từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 doanh nghiệp, với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng. Song, trên thực tế công tác cổ phần hóa còn chậm so với kế hoạch, đòi hỏi SCIC phải đưa ra những phương án cụ thể nhằm xử lý vướng mắc, nhất là phương án sử dụng đất.
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam Vũ An Khang cho rằng, theo quy định các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Nhưng, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa vì công tác phê duyệt phương án sử dụng đất chưa hoàn thành. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn có 4.270 mảnh đất ở 63 tỉnh, thành phố. Hiện, việc sắp xếp nhà đất mới thực hiện được 95,8%, nên VNPT chưa thể có quyết định phê duyệt cổ phần hóa.
Phân tích nguyên nhân cổ phần hóa chậm tiến độ, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhận định: "Có một nguyên nhân, dù tế nhị song vẫn phải nêu ra. Đó là mối lo ngại “mất chỗ” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Do vậy, đòi hỏi cơ quan chức năng cần quan tâm đến công tác cán bộ để những người thực hiện cổ phần hóa yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu
Theo Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) Phạm Đức Trung, chất lượng cổ phần hóa đã nâng cao so với giai đoạn trước năm 2016, bảo đảm hài hòa lợi ích cổ đông và người lao động. Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) lại cho rằng: "Trên thực tế, có những doanh nghiệp bị thúc ép cổ phần hóa, nên làm cho xong và tỷ lệ bán vốn ra ngoài chỉ chiếm 5-10%. Muốn cổ phần hóa phải đi vào thực chất, ít nhất phải giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống dưới 65%, hoặc thậm chí là dưới 50%".
Khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Hapro, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - một đơn vị đã cổ phần hóa thành công. Ảnh: Thái Hiền
Nhằm hạn chế những bất cập trong quá trình cổ phần hóa, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình cổ phần hóa; đặc biệt, cần tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc.
Đồng quan điểm này, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp - CIEM Phạm Đức Trung cũng nhận xét, đến nay, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý do chậm cổ phần hóa. Vì vậy, nên quy định rõ: "Nếu cổ phần hóa chậm, không chỉ xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, mà phải xử lý cả người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh việc bán cổ phần nhà nước cho nhà đầu tư bên ngoài để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển”…
Để trị căn "bệnh" chần chừ cổ phần hóa, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, thời gian tới, phải nhanh nhạy phát hiện ra những điều bất thường, không thể ngồi chờ giao nhiệm vụ mới làm. Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm phê duyệt phương án cổ phần hóa theo quy định; cần khẩn trương rà soát, cho ý kiến phê duyệt kịp thời phương án sử dụng đất; chủ động tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, lãnh đạo mỗi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước thành phố nếu không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch. Thành phố sẽ kỷ luật nghiêm lãnh đạo chần chừ không thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa theo quy định.
Góc nhìn
Để cổ phần hóa không còn chậm
Gia Khánh
(HNM) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, chậm nhất đến năm 2020 phải hoàn thành. Trong đó, có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn, như: Than - Khoáng sản, Bưu chính - Viễn thông, Hóa chất... Xem tiếp »
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/944371/tri-benh-chan-chu-co-phan-hoa